Giống như mọi năm, môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm 40 câu với thời gian làm bài là 50 phút. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh được quyền sử dụng Atlat.
Theo cô Vũ Thị Hải Dịu (THPT Tây Thụy An, Thái Bình), chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và biết cách xem Atlat, thí sinh có thể dễ dàng hoàn thành 30 cầu đầu tiên trong đề thi. Chương trình thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý sẽ nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12 và một phần lớp 11, bao gồm các phần: Địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí các ngành kinh tế, địa lí các vùng kinh tế và biển, đảo. Với 10 câu hỏi mang tính vận dụng và vận dụng cao, mang tính phân hóa, thí sinh cần thông qua những liên hệ, phân tích gắn liền với thực tế để lựa chọn đáp án đúng.
Về bí quyết đạt điểm cao môn Địa, cô Vũ Thị Hải Dịu khuyên các thí sinh không nên chủ quan khi làm những câu cơ bản, cũng như không nên bỏ qua những câu hỏi khó. Khi được phát đề, thí sinh nên đọc kỹ một lượt để tìm ra sai sót trong đề, thông báo với giám thị khi cần thiết. Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi và gạch từ chìa khóa; đặc biệt là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Với dạng câu này, thí sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ, gạch bỏ các phương án gây nhiễu để chọn cho mình đáp án đúng nhất, bao quát nhất. Thí sinh cũng không được bỏ trống bất kì câu hỏi nào, bởi bài thi trắc nghiệm mang tính xác suất rất cao.
Cô Vũ Thị Hải Dịu cũng cho biết, việc phân bổ thời gian hợp lý giúp thí sinh hoàn thành đề thi tốt hơn, tránh mắc phải những sai lầm không đáng có
“Thí sinh nên hoàn thành những câu dễ trong thời gian ngắn để tập trung trả lời những câu khó. Nhiều thí sinh làm xong đề rất nhanh, nhưng chủ quan, không soát lại đáp án, dẫn đến bỏ sót câu hoặc phạm phải những lỗi sai về kiến thức. Do vậy, thí sinh nên dành khoảng 5 đến 10 phút cuối giờ để soát lại đáp án trước khi nộp”, cô Hải Dịu nói.
Là môn thi duy nhất trong 6 môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT cho phép thí sinh mang tài liệu (Atlat) vào phòng thi, cô Phùng Thị Thanh Thảo (giáo viên Địa lý trường THPT Marie Curie, Hà Nội) cho rằng, kỹ năng sử dụng Atlat là yếu tố quyết định đến kết quả bài thi của các học sinh. Theo cô Thanh Thảo, khoảng gần một nửa số câu hỏi trong đề thi sẽ yêu cầu kỹ năng sử dụng Atlat của thí sinh, chiếm đến 3.75 điểm tổng số điểm toàn bài thi.
“Trong suốt quá trình ôn luyện, các thí sinh đã được rèn luyện kỹ năng đọc và phân biệt các liệu biểu đồ (cột, đường, tròn, miền, biểu đồ kết hợp), kỹ năng xem bản đồ; hiểu và ghi nhớ được các chú giải, phụ lục trên từng trang Atlat. Nếu chưa nhớ hoặc còn băn khoăn về các chú giải, thí sinh có thể xem trên trang 3 của Atlat”, cô Thanh Thảo chia sẻ.
Cô Thanh Thảo cũng nhấn mạnh, thí sinh tuyệt đối không được gạch xóa, ghi chú trên Atlat trước khi mang vào phòng thi, bởi điều này sẽ bị coi là hành vi đem tài liệu vào phòng thi.
Điều đáng nói, trong đề thi minh họa năm 2023 của Bộ GD-ĐT, các câu hỏi yêu cầu kỹ năng sử dụng Atlat sẽ không bao gồm số trang như những năm trước đây. Điều này khiến thí sinh phải tự tìm thông tin trong Atlat, thay vì được chỉ dẫn.
Bên cạnh đó, các thí sinh cũng nên chuẩn bị tâm thế bình tĩnh, tự tin trước khi bước vào kỳ thi. Sự căng thẳng và lo sợ quá mức sẽ khiến thí sinh quên mất kiến thức, hoặc phạm sai lầm khi bước làm bài thi.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.