Giấu bác sĩ ăn vụng bát cháo thịt trước khi sinh, sản phụ tử vong ngay trên bàn mổ

Vì quá đói nên sản phụ đã ăn vội bát cháo trước khi mổ đẻ và giấu bác sĩ, dẫn tới trong quá trình mổ thức ăn trào ngược vào phổi gây tử vong nhanh chóng.

Đây là câu chuyện đau lòng về cái chết của một sản phụ ngay trên bàn mổ. Cái chết ấy khiến nhiều người rùng mình vì nguồn cơn chỉ bắt nguồn từ một bát cháo thịt.

Chỉ vì bát cháo mà con mất mẹ

“Em vừa sinh con được 1 tuần các mẹ ạ, sinh mổ. Hôm bữa đó cùng sinh với em có 3 mẹ nữa. Em mổ đầu tiên nên được chuyển ra phòng hậu sản sớm nhất.

Khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ sau thì 2 mẹ kia cũng ra. Ai nấy đều được nằm cạnh con yêu, cố gắng kích sữa về sớm cho con bú. Nằm mãi mà không thấy mẹ còn lại chuyển vô.

Em đâm thắc mắc, không biết mẹ ấy có chuyện gì không mà lâu thế, hay là chờ không nổi nên đẻ thường rồi được chuyển qua phòng khác luôn.

Đang nằm lơ mơ ngủ thì má chồng em đi mua một ít đồ trở vào (em sinh chỉ có má chồng chăm thôi, nhà mẹ ruột ở xa nên mẹ đi gấp cỡ nào cũng phải hôm sau mới tới nơi). Má chồng em mặt biến sắc, chắp miệng, chắp lưỡi kể:

- Con bé mặc đầm hồng lúc sáng đợi mổ cùng con á, nhớ không? Nó chết rồi. Má nghe mà nổi hết cả da gà.

Em và mấy người trong phòng tò mò lẫn sợ hãi:

- Trời, ghê quá, lúc sáng thấy khỏe re mà.

- Nghe y tá bảo đang mổ bị trào ngược dạ dày, tràn dịch màng phổi gì á, mà bị nặng không trở tay kịp, chỉ mổ bắt được em bé thôi, 3,6 kg, đang bú nhờ người khác ngoài kia kìa. Nhìn thương lắm. Người nhà nó khóc ngất lên ngất xuống nãy giờ. Má mua đồ vô đứng xem một lúc luôn.

Đúng là ghê thật. Không biết tại sao mẹ ấy lại bị trào ngược dạ dày, tràn dịch màng phổi dẫn đến bi kịch như vậy. Đến chiều bác sĩ vô khám kể chuyện em mới biết đấy các mẹ. Mẹ ấy sức khỏe hoàn toàn bình thường, được chỉ định sinh mổ vì đến ngày mà thai không chịu quay đầu cộng với kích thước quá to mà khung xương chậu lại hẹp.

Trước ngày mổ, bác sĩ có dặn mẹ ấy không được ăn uống gì trong 6 - 7 tiếng trước khi lên bàn mổ. Mẹ ấy nhớ nhưng vì lịch mổ quá trưa (sau em và 2 mẹ nữa lận) nên mẹ ấy đói bụng cồn cào. Mà các mẹ biết đấy, bà bầu mà đói bụng thì không tài nào chịu nổi.

Mẹ ấy mới cùng chồng ra trước cổng bệnh viện ăn tạm bát cháo thịt bằm. Mẹ ấy cũng sợ nên dặn bà bán cháo múc ít cái nhiều nước, loãng loãng vậy, ăn vô một hồi đi tiểu thì hết chắc không sao. Thế là cứ yên tâm chén tì tì.

Một hồi sau, chuẩn bị mổ bác sĩ hỏi lại sớm giờ có ăn gì không, mẹ ấy sợ bị quở trách, với lại đinh ninh đã tiêu hóa hết bát cháo loãng rồi nên nói dối là không ăn gì hết trơn. Bác sĩ bắt tay vào gây tê nửa thân dưới, gắn dây oxi hỗ trợ thở rồi mổ. Đang mổ, mẹ ấy bị tác dụng phụ của thuốc gây tê nên buồn nôn, ói liên tục.

Vì đang ở tư thế nằm ngửa nên dịch dạ dày và cháo ăn lúc nãy chưa tiêu hết nôn ra bị hít ngược vào phổi. Dịch và thức ăn ở dạ dày khi tràn vào phổi sẽ làm tổn thương phổi và gây ra các phản ứng viêm nhu phổi cấp tính.

Hít chất dịch có axit từ dạ dày làm biểu mô phế nang phù nề và tiết dịch gồm albumin, fibrin, mảnh vụn tế bào và hồng cầu.

Mẹ này bị tổn thương phổi nặng và sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ, đang mổ lấy thai nữa nên các bác sĩ mặc dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể cứu nổi. Cuối cùng, chỉ có thể nhanh chóng đưa đứa con ra ngoài để bé khỏi ngộp mà thôi.

Các bác sĩ đã rất sốc khi thấy mẹ ấy bị tai biến nặng đến như vậy, rõ ràng họ đã hỏi kĩ mẹ ấy có ăn gì trước lúc mổ không, chị ấy chắc chắn là không, vậy mà dịch dạ dày và cả các hạt cháo nữa ở đâu trào lên rất nhiều.

Đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người mẹ trẻ này. Cuối cùng, mẹ ấy vĩnh viễn không được nhìn thấy con yêu chào đời. Đứa con thơ còn đỏ hỏn ra đời mà thiếu hơi ấm và dòng sữa ngọt lành của mẹ. Chua xót biết nhường nào!”

Sau khi đăng tải câu chuyện đã được chia sẻ chóng mặt. Rất nhiều người cảm thấy đau xót cho người mẹ này, chỉ vì một chút bất cẩn mà phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Một số bà mẹ khác cũng kể lại kỷ niệm kinh hoàng vì chót ăn trước khi mổ, nhưng may mắn được cứu sống vì bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Vì sao trước khi sinh mổ sản phụ không được ăn?

Những bà bầu được chỉ định sinh mổ đều được bác sĩ dặn phải nhịn ăn trước khi mổ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Việc này nhằm phòng ngừa thức ăn chưa được tiêu hóa hết vẫn còn tồn lại trong dạ dày có thể trào ngược trong quá trình mổ, rất dễ đi vào phổi do hít phải. Nếu gặp tai biến này thì việc cấp cứu rất khó khăn và thường để lại hậu quả nghiêm trọng. Dịch và thức ăn trong dạ dày tràn vào phổi sẽ gây tổn thương phổi, gây các phản ứng viêm nhu mô phổi cấp tính. Hít chất dịch có acid từ dạ dày làm biểu mô phế nang phù nề và tiết dịch gồm albumin, fibrin, mảnh vụn tế bào và hồng cầu. Triệu chứng điển hình: bệnh nhân thở khò khè, tím tái, co thắt phế quản, ran nổ, ran ngáy, tụt huyết áp, phù phổi,  tắc nghẽn phế quản làm giảm sức đàn của phổi và giảm shunt khí - máu làm thiếu oxi máu, tăng kháng lực mạch máu phổi và tăng nhịp thở, tiến triển  thành ARDS… và tử vong.

Trước khi mổ sinh bà bầu cần nhịn ăn ít nhất 6 đến 8 tiếng

Câu chuyện về người mẹ này chính là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả những sản phụ sắp sinh, tuyệt đối không được chủ quan mà cần tuân thủ những chỉ định, dặn dò của bác sĩ để có thể vượt cạn an toàn và thành công.

Những việc bà bầu nên làm trước khi sinh mổ

- Chuẩn bị các vật dụng cần thiết: Sau khi sinh mổ bà bầu thường phải lưu lại bệnh viện khoảng vài ngày, vì thế cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết để dùng sau khi sinh.

- Cạo lông vùng kín sạch sẽ. Hầu hết các bệnh viện sẽ tiến hành khâu này trước khi bạn chính thức bước lên bàn mổ. Tuy nhiên, nếu vì lý do cá nhân mà bạn muốn tự mình thực hiện “thủ tục’ này thì nên trao đổi trước với bác sĩ.

- Không ăn uống trước khi sinh mổ: Ít nhất 6 đến 8 tiếng hồ trước khi lên bàn mổ, bà bầu không nên ăn uống bất cứ thứ gì kể cả cháo loãng hay kẹo bánh. Đêm trước khi phẫu thuật chỉ nên ăn uống các thực phẩm dễ tiêu, tránh sữa, nước ngọt, kem… và các thực phẩm có nhiều chất xơ vì có thể khó tiêu, chất xơ không tiêu hết sẽ gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật.

- Trước khi lên bàn mổ khi bác sĩ hỏi lại về tình trạng cơ thể, tình trạng ăn uống… cần trả lời trung thực, hoặc báo ngay cho bác sĩ nếu cơ thể có điểm gì đó không ổn. Điều này sẽ giúp bác sĩ lường trước những nguy cơ không may có thể xảy ra trong quá trình mổ.

(Tổng hợp)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang