Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ đặc biệt của đất nước, ngày mà tất cả mọi người dân đều một lòng hướng đến những vị vua đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước trong những năm đầu khai dựng lịch sử Việt Nam. Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia. Với tinh thần kế thừa và phát triển, năm 1990 và 1995, Bộ Văn hoá - Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức Quốc gia trọng thể, trang nghiêm.
Vào ngày này, người dân khắp mọi miền tụ họp về chân núi Ngọc Lĩnh – Phú Thọ để cùng dâng hương tưởng nhớ các vị vua Hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những con người đã có công dựng nước và giữ nước, mang trong mình một lòng thành kính đối với tổ tiên. Không chỉ có những người con Lạc cháu Hồng tìm về với nguồn cội, mà mọi người dân trong cả nước cũng chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn cho ngày giỗ tổ.
Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một ngày lễ lớn của cả nước từ nhiều năm nay. |
Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Thượng
Lễ vật trong lễ dâng hương tại Đền Thượng được Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị gồm:
+ 100 chiếc bánh chưng gói lá dong tươi xanh buộc lạt giang nhuộm hồng
+ 100 chiếc bánh dày giữa có dán chữ Phúc mầu đỏ
+ 1 chiếc thủ lợn đã luộc chín
+ 1 mâm xôi gấc được đồ bằng 5 kg gạo nếp
+ 5 mâm ngũ quả được lựa chọn các loại quả mang đặc trưng của các vùng miền trong cả nước
+ 8 mâm bánh khảo, bánh cốm được xếp thành hình tháp, cùng với trầu cau, rượu nước, vàng hương…
Như vậy, lễ vật dâng cúng Vua Hùng ngày nay vẫn là các sản phẩm thuần nông nghiệp. Đó là 2 loại bánh đặc sản truyền thống được lưu truyền trong truyền thuyết chọn người hiền tài nối ngôi vua từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Đây là bánh chưng bánh dày do chàng Hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo làm ra để dâng tiến nhà Vua, hai loại bánh này được chính bàn tay con người làm ra và có hàm chứa quan niệm thuần Việt về vũ trụ, âm dương: bánh dày tròn tượng trưng cho trời tròn, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất vuông. Lễ vật bánh chưng bánh dày là lễ vật thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ ngàn xưa đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đã làm nên một phong tục văn hoá truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc “gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết”.
Lễ vật ngày nay không chỉ là sản vật của Phú Thọ mà còn là sản vật của mọi miền đất nước với hoa thơm quả ngọt dâng tiến Vua Hùng.
Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại nhà
Lễ vật thờ cúng dịp Giỗ tổ có lễ chay và lễ mặn, tùy theo ý muốn và điều kiện của gia chủ.
Lễ chay gồm:
+ 18 chiếc bánh chưng
+ 18 chiếc bánh dày.
Sỡ dĩ phải chuẩn bị 18 chiếc bánh chưng, bánh dày là bởi con số 18 tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
Lễ mặn: Theo truyền thống, lễ mặn thờ cúng dịp Giỗ tổ Vua Hùng gồm: thịt lợn, thịt bò và thịt dê. Tuy vậy, có thể thay thế bằng thịt gà luộc.
Ngoài ra, hương, hoa, trầu cau, muối gạo và 1 ly nước sạch cũng là những thứ không thể thiếu trên cả mâm lễ chay lẫn mặn.
Bánh chưng, bánh dày là những đồ lễ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. |
Văn khấn cúng Giỗ tổ Hùng Vương tại nhà
Người xưa quan niệm rằng, nếu chỉ đặt mâm cúng lên bàn thờ mà không đọc văn khấn thì người đã khuất sẽ không hưởng được "lộc" con cháu gửi. Vậy nên, không chỉ có văn khấn cúng rằm, cúng Tết, mà lễ hội Đền Hùng ta cũng phải đọc bài khấn cúng Giỗ tổ Hùng Vương.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy chín phương trời đất, Mười phương chư Phật, Thánh hiền. Lạy các Vua Hùng linh thiêng, Gây dựng đất này Tiên tổ.
Con tên là... địa chỉ... Nhân ngày Giỗ Tổ con xin gởi đến đáng bề trên chút hương hoa lễ phẩm thể hiện lòng thành của gia đình con đến các Vua Hùng và các bậc tổ tiên.
Kính xin độ trì phù hộ, Mọi chuyện tốt lành bình an.
Bách bệnh giảm trừ tiêu tan, Điều lành mang đến vẹn toàn.
Điều dữ mang đi, yên ổn. Đi đến nơi, về đến chốn, Tai qua nạn khỏi tháng ngày.
Cầu được ước thấy, gặp may, Mọi điều hanh thông, thuận lợi.
Con cái học hành tấn tới, Ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha.
Thi đỗ lớp gần, trường xa, Mát mặt gia đình làng nước.
Tình duyên gặp người kiếp trước, Ý trung nhân... xứng muôn phần. Tình xa duyên thắm như gần, Suốt đời yêu thương nhất mực.
Đi làm thăng quan tiến chức, Bôn bán một vốn bốn lời. Hạnh phúc thanh thản một đời, Nam mô a di đà Phật!
Kính lạy cao xanh Trời đất, Lạy các Vua Hùng linh thiêng. Đức Thánh Trần cõi người hiền, Muôn đời độ trì phù hộ!
Nam mô a di đà Phật! (cúi lạy 3 cái)
Theo VTC News
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.