Giúp con học ngoại ngữ tốt, các bố mẹ thông thái cần làm gì?

Hãy xem việc con nói được tiếng Anh cũng là việc con nói được tiếng mẹ đẻ vậy. Đừng tự hào hay áp lực quá mức để khi con nói được thì khen con, khi con chưa được thì thất vọng.

Hãy để việc học trở nên tự nhiên

Tiếng Anh đến với Nina (con gái của tôi) khá tự nhiên. Đầu tiên là những bài mẹ hát ru ngủ bằng tiếng Anh. Tiếp đến, Na tự hát và yêu thích những bài hát của Super Simple Song. Rồi mỗi ngày vài phút nói chuyện với ba mẹ bằng tiếng Anh ở nhà. Rồi con nhận ra, đó là một thứ tiếng khác và có cô của con chỉ toàn biết nói tiếng đó, có cô khác lại không.

Ba mẹ hãy cùng con đọc sách, tạo những trò chơi và tình huống để cùng nói tiếng Anh.

Ví như cùng con tìm kiếm những đồ vật trong nhà có màu xanh, màu đỏ để dạy con về màu sắc và đồ vật “Let’s find something red/ blue in our room” “what color is this?(nó là màu gì?)”.Hãy cùng con chạy chơi trong công viên để dạy các động từ “mommy is walking (mẹ đang bước)” “mommy is running(mẹ đang chạy)”, trạng từ “mommy is running slowly(mẹ chạy chậm)” “mommy is running fast (mẹ chạy nhanh)”. Không nhất thiết phải ngồi vào bàn mới là học.

Hiểu khả năng ngôn ngữ của con để không kỳ vọng quá mức, gây áp lực cho con

Khi mới nghe mẹ nói tiếng Anh ở nhà, Na lúc này đã nói khá sõi tiếng Việt nên bạn tỏ ra khó chịu. Bạn thể hiện bằng việc không thèm nghe mẹ nói và liên tục hỏi lại bằng tiếng Việt.

Sau một thời gian cứ lặp đi lặp lại, bạn bắt đầu hiểu và phản ứng lại khi mẹ hỏi và cũng chăm chú nghe để đoán mẹ đang muốn nói gì. Mẹ bắt đầu bằng việc tự hỏi bạn và tự trả lời để nạp thông tin cho bạn.

Ban đầu bạn hiểu nhưng chỉ gật và lắc chứ không nói gì. Ví dụ, mẹ chỉ cái ghế và hỏi “Is this a chair?” (Đây là cái ghế phải không?), bạn gật. Sau một thời gian bạn nói được “a chair” (một cái ghế).

Rồi ngày mình buồn cười nhất là ngày bạn chỉ vô cái điện thoại và hỏi “what’s this?” bằng cái giọng mà mình phải nghe ba bốn lần mới hiểu. Rồi bạn thích đếm, bạn đếm “a ball, two a ball” (1 quả bóng, 2 quả bóng).

Tiếng Anh sẽ được các con nạp vào đến khi nó đủ nhiều và đủ độ thường xuyên con sẽ nói được. Nên bạn đừng kỳ vọng con nói ngay được một từ nào đó vừa dạy hôm qua. Con cần được lặp lại hàng ngày và mất 1 đến 2 tuần để nhớ và nói được một vài từ. Nếu con chưa nhớ được thì hãy xem lại. Con đã được nhắc lại thường xuyên kiến thức chưa.

Cách sửa khi con nói sai mà không làm con mất hứng thú

Đơn giản mình chỉ cần nhắc lại câu đúng, không cần nói con sai rồi, sai ở chỗ này nè …. Ví dụ con nói “two a ball” mình chỉ cần sửa lại “two balls” và tận dụng những tình huống tương tự để nhắc lại “two chairs” “two dolls”. Cứ thế, sau vài lần con sẽ nhớ và thay đổi.

Cũng lưu ý đừng sửa nhiều quá cùng lúc, vì có thể làm con cáu hoặc sợ sai không dám nói nữa.

Đừng bắt bẻ con vì điểm số ở trường học

Chương trình ở trường thường không chú trọng giao tiếp mà chỉ là trả lời câu hỏi về ngữ pháp, giải bài tập nên cũng không cần điểm phải cao.

Bớt thời gian học mấy kiến thức đó để cùng con học cách tương tác đối thoại trực tiếp bằng tiếng Anh qua cuộc sống quanh con, sách, trò chơi, hoặc bài hát.

Thời điểm này, ba mẹ cũng chưa nên kỳ vọng con phải đạt thành tích nào đó (như phải có chứng chỉ) mà hãy tạo môi trường và kết hợp đưa con đến những môi trường phù hợp với sự phát triển ngôn ngữ của con trong tinh thần vui vẻ, thoải mái.

Hãy xem việc con nói được tiếng Anh cũng là việc con nói được tiếng mẹ đẻ vậy. Đừng tự hào hay áp lực quá mức để khi con nói được thì khen con, khi con chưa được thì thất vọng. Trẻ con lúc nào cũng cần yêu thương và thời gian được vui vẻ bên cha mẹ.

Theo phununews.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang