Phải sống trong mặc cảm, lo sợ, cô đơn, lạc lõng mà không nhận được sự đồng cảm khiến không ít trẻ vị thành niên chỉ muốn tìm cách “giải thoát” cho chính mình.
Nhiều bố mẹ chưa đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để quan sát con một cách công bằng. Nhiều đứa trẻ chia sẻ rằng “đến thở thôi cũng làm bố mẹ ngứa mắt”. Nhiều gia đình đang bị luẩn quẩn trong vòng xoáy: cha mẹ và con không thấu hiểu thông cảm được với nhau.
Nuôi dạy con là chúng ta đang sửa chính bản thân mình
Mới đây, trong buổi talkshow “Làm thế nào để giúp trẻ vượt qua áp lực” do Tân Việt Book Store tổ chức, nhà văn Hồ Thị Hải Âu đã chia sẻ, làm cha mẹ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Với những phụ huynh có mong muốn đồng hành cùng con thì cần bao dung hơn, kiên nhẫn hơn trước những ngang bướng, những dại khờ và cả những sai lầm của các con. Ðể từ đó các thành viên trong gia đình có sự thấu hiểu lẫn nhau, khiến gia đình thật sự là bến đỗ tin cậy, bao dung và ấm áp.
Lý giải vì sao hai thế hệ khó tìm được tiếng nói chung, nhà văn Hồ Thị Hải Âu chia sẻ: Các bậc phụ huynh đã khi nào thử nhìn lại xem mình đã nhẹ nhàng, kiên nhẫn làm bạn với con chưa? Hay ở giữa luôn có một rào cản khiến trẻ sợ hãi khi cha mẹ luôn căng thẳng, lúc nào cũng sẵn sàng nổi cáu, có thể bạo lực bất cứ lúc nào. Có những hành động của con tuy rất nhỏ, nhưng vào lúc bực bội, cha mẹ đã có những phản ứng thái quá.
Thật ra, người lớn chúng ta mới là người ẩn chứa nhiều mâu thuẫn bên trong. Chúng ta muốn con lớn lên, muốn con trưởng thành, muốn con tự lập nhưng chúng ta cũng muốn con phải làm theo những gì mình chọn. Cha mẹ cũng cần tự do, vậy tại sao lại không cho con trẻ được tự do? Bởi vì cảm giác bất an, bạn sợ rằng đứa trẻ không làm theo ý bạn, bạn sẽ không thể kiểm soát được. Nhưng cha mẹ cần phải biết, con cái không bao giờ là phiên bản của mình. Con nít chỉ từ 8 tuổi trở xuống thôi, 8 tuổi trở lên con đã khác rồi. Ðừng đòi hỏi con sẽ là đứa trẻ con mãi. Cha mẹ hoảng sợ vì thấy con khác quá, con đã bắt đầu có chính kiến, hoàn toàn không nghe theo ý mình và chúng ta muốn con phải quay lại lối cũ. Bạn cần đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, nhưng đây là một điều nguy hiểm. Cha mẹ hãy tự nhìn nhận, tự đối diện thật với lòng mình, rằng: “Bạn có hy vọng mình sẽ nuôi dạy, đồng hành cùng với con và những đứa trẻ ấy sẽ bình an theo cách ấy không? Do đó, để giúp được trẻ thì bố mẹ phải thấu hiểu chính mình và phải đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ.
Có bậc cha mẹ nào nhận ra sai lầm của chính mình trong cách nuôi dạy con không? Ðã có ai đủ dũng cảm thành thật xin lỗi con chưa? Nhưng cho dù lời xin lỗi có được nói ra, thì vết thương trong tâm hồn đứa trẻ vẫn còn đó. Hãy bắt đầu thay đổi bằng cách tự nhận thức rằng chúng ta cần cảm ơn con đã đến cuộc đời này, để mình biết cách trở thành người lương thiện, biết cách nhẫn nhịn, biết cách yêu thương. Nuôi dạy con là chúng ta đang sửa chính bản thân mình. Cha mẹ sẽ dần biết dành cho con khoảng trống, để chúng tự xoay sở, xoay sở trong cả những sai lầm và dù cho có phải tự trả giá. Cha mẹ tôn trọng bản thể của đứa trẻ, để chúng được bộc lộ mình rõ nhất.
Chúng ta đồng hành cùng con như thế nào, chính là chúng ta đang xây đắp ước mơ cho chúng như thế ấy. Ước mơ thiện lương ấy, nỗ lực ấy, bền vững ấy, chắc chắn sẽ được nhận ra và đền đáp. Và bạn sẽ không phải lo con bạn đi sai đường. Khi con có thể tự bay, bạn sẽ cảm giác được đó là sự tự do. Và đó chính là niềm vui của cha mẹ.
Cho con tung cánh bay
Teen rất nhạy cảm, chưa ổn định về mặt tâm lý, cha mẹ cần làm thế nào để trẻ không phải chịu tổn thương? Làm thế nào để trẻ biết cách kiểm soát cảm xúc? Làm thế nào để trẻ vượt qua áp lực và nhìn thấy hướng tích cực trong mọi tình huống? Làm thế nào để những sự việc đáng tiếc tương tự sẽ không lặp lại ngay trong chính gia đình chúng ta? Cha mẹ hãy thức tỉnh và thay đổi trước khi quá muộn. Ðể hai thế hệ gần nhau và hiểu nhau hơn, hãy làm bạn cùng con trong tình yêu thương, để con có một cuộc sống hạnh phúc và một cuộc đời bình an. Ðồng thời, trang bị cho con kiến thức hữu ích, năng lượng tích cực, những phẩm chất cần thiết để con tung cánh bay sau khi rời tổ.
Ðể giảm bớt áp lực trong học tập cho trẻ vị thành niên, nhà văn Hồ Thị Hải Âu cũng chia sẻ về cách tổ chức, sắp xếp thời gian, rút ngắn khoảng thời gian nhớ bài, vẫn đảm bảo kết quả học tập mà không phải lo nghĩ mỗi khi bước vào lớp. Bằng cách ấy, sẽ giúp các em xóa bỏ áp lực.
“Cha mẹ nghe - hiểu - thấu cảm để hành động, dần dần gỡ bỏ những nút thắt, chữa lành những tổn thương, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, để đến với con gần hơn, đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành.”
Nhà văn Hồ Thị Hải Âu.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.