Hai năm trước, Pisey Eng, đến từ Campuchia đã để con nhỏ ở lại cho mẹ chồng chăm sóc còn mình bay đến Nhật Bản với ước mơ sẽ được đổi đời. Cô làm công nhân ủi đồ cho một nhà máy may mặc với mức lương được hứa hẹn là 120.000 yên (hơn 25 triệu đồng) mỗi tháng, số tiền lớn gấp nhiều lần so với làm việc tại quê hương cô.
Tuy nhiên, trên thực tế, người phụ nữ 33 tuổi này chỉ nhận được mức lương bằng một nửa so với lời hứa hẹn ấy trong khi công việc vô cùng nặng nhọc, không có giây phút nào để thở.
"Tôi bắt đầu làm việc từ lúc 8h30 sáng và có nhiều hôm phải kéo dài đến 2h - 3h sáng ngày hôm sau. Tôi không có bất kỳ ngày lễ nào và không có cảm giác thèm ăn gì nữa", cô Eng cho hay.
Cuối cùng, không thể chịu đựng được nữa, cô Eng đã tìm cách chạy trốn khỏi nơi làm việc. Nhiều tháng sau đó, cô trở thành kẻ thất nghiệp, vô gia cư và thậm chí còn không đủ tiền để mua vé máy bay trở về Campuchia.
Cô Eng đã trở thành người thất nghiệp, không đủ tiền mua vé máy bay trở về nhà sau khi sang Nhật Bản làm việc. |
Pisey Eng đã đến Nhật Bản theo Chương trình thực tập sinh kỹ năng (hay còn được gọi là chương trình đi xuất khẩu lao động) của Nhật, nơi mà hàng triệu người lao động nhập cư vào Nhật Bản để làm việc với mơ ước được nhận mức lương hậu hĩnh, giúp cuộc sống của họ và gia đình tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, giống như nhiều trường hợp khác, cô Eng đang bị mắc kẹt trong góc tối của chương trình này với đầy rẫy sự bóc lột và lạm dụng. Vào năm 2015, cô Shi Jianhua từ Trung Quốc đến Nhật Bản làm việc để mong thoát nghèo. Nhà cô ở khu vực miền núi thuộc tỉnh Hồ Bắc, chồng cô làm việc trong ngành xây dựng. Sau khi vợ chồng cô có thêm đứa con thứ hai, mọi chi phí cuộc sống bắt đầu chồng chất lên nhau. Cô đã bỏ ra số tiền gần 200 triệu đồng để đi học tiếng Nhật và hơn 100 triệu đồng nữa để nộp cho công ty môi giới giúp cô sang Nhật theo con đường xuất khẩu lao động.
Cô Shi làm công việc kiểm soát chất lượng tại nhà máy giấy Fuji City. Tại đây, cô đã bị người giám sát là người Nhật lăng mạ bằng những ngôn từ khiếm nhã. Cô thường xuyên bị mắng chửi thậm tệ, các đồng nghiệp là người Nhật cũng bắt nạt cô. Trong khi đó, số tiền lương mà cô nhận được chỉ bằng một nửa con số mà cô được hứa hẹn.
Cô Shi đã tìm cách tự tử vì bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc. |
"Các máy móc đã cũ và hỏng. Nó không được sửa chữa nhưng mọi người đều trút giận lên tôi mỗi khi nó dở chứng. Họ nói tôi là một kẻ vô dụng. Tôi thường xuyên bị mất ngủ vào ban đêm", cô Shi cho hay.
Cảm thấy tuyệt vọng tại nơi đất khách quê người, cô Shi đã tìm cách tự tử nhưng không thành. Hậu quả là cô bị gãy xương sống, không thể tiếp tục làm việc được. Hiện cô đang tạm thời cư trú tại tỉnh Gifu nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương để đòi bồi thường và một lời xin lỗi chính thức từ nhà máy nơi cô làm việc.
Một khu nhà ở tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản, là nơi trú ẩn được thiết lập cho những người lao động nước ngoài không còn nơi nào để đi. Chính tại đây, cô Eng đang sống cùng với 15 thực tập sinh khác không có tiền để trở về quê hương. Một số tập trung bên cạnh lò sưởi duy nhất của khu nhà còn một số khác thì tranh thủ gọi điện thoại cho gia đình ở quê hương.
Trước đó vào tháng 11/2018, dư luận Nhật Bản từng chấn động trước lời phát biểu đầy xót xa của một thực tập sinh khi Quốc hội Nhật Bản đang tiến hành thảo luận dự luật mới về việc nới lỏng các quy định nhập cư theo hướng có lợi cho thực tập sinh và người lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Cô Eng (trái) cùng với bạn mình đang tá túc ở Gifu vì họ không đủ tiền để trở về quê hương. |
Tại phiên họp Quốc hội, một nam thanh niên đưa lên bàn tay sưng phồng, chấn thương nghiêm trọng của mình trước các đại biểu và máy quay, nói rằng: "Tôi buộc phải làm việc với mức lương thấp, trái với pháp luật, khoảng 300 yên/giờ (hơn 60 ngàn đồng). Ngoài ra tôi thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ. Khi ngón tay của tôi bị thương, công ty nói rằng tôi đã bị đuổi việc, phải trở về nước mà không có bất kì chính sách hỗ trợ nào!".
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng do cơ cấu dân số già, tỷ lệ sinh thấp. Chính vì vậy, vào tháng 12 năm ngoái, Quốc hội của nước này đã thông qua đạo luật cho phép nước này tiếp nhận nhiều nhân công nước ngoài hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài.
Với đạo luật mới này chính phủ Nhật Bản có thể sẽ tiếp nhận số lao động nước ngoài lên tới 345.000 người vào năm 2019, thuộc các ngành xây dựng, dịch vụ thực phẩm, điều dưỡng và một số lĩnh vực khác. Những công nhân nước ngoài có kỹ năng, trình độ trong các lĩnh vực thiếu lao động ở Nhật sẽ được cấp thị thực 5 năm thay vì ngắn hạn như quy định cũ, mở ra cơ hội việc làm rộng lớn cho những người nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, mảnh đất màu mỡ ấy lại chứa đựng mặt tối đáng sợ, khiến nhiều người lao động tan giấc mộng đổi đời. Họ thường xuyên gặp phải vấn đề là mức lương thấp hơn nhiều so với thỏa thuận và bị vắt kiệt sức lao động cùng môi trường làm việc thiếu thân thiện. Một cuộc điều tra của Bộ Lao động cho thấy trong số 6000 công ty tuyển 260.000 thực tập sinh thì khoảng 70% trong tổng số đã vi phạm các quy định lao động về làm thêm giờ bất hợp pháp, không trả lương và vi phạm về các quy định an toàn.
Tờ Asahi Shimbun cho hay, vào năm ngoái, hơn 7000 thực tập sinh đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc với nguyên do hầu hết là bị trả lương thấp và tăng ca quá nhiều. Một số người khác bị lạm dụng thể chất, đặc biệt, một vài trường hợp thực tập sinh mang bầu buộc phải lựa chọn giữa việc phá thai hay rời bỏ công việc của mình.
Tại làng Showa tỉnh Gunma, nhiều thực tập sinh nước ngoài đã bỏ ngang công việc làm nông với mức lương ít ỏi. Kết quả là các thực tập sinh rơi vào cảnh bần cùng còn những người nông dân Nhật Bản không có đủ nhân lực cho mùa thu hoạch và vấn đề này đã tồn tại suốt 4 năm nay.
Bộ Tư pháp nước này tiết lộ rằng có 174 trường hợp thực tập sinh tuổi từ 20 - 30, đến từ Trung Quốc, Việt Nam và và Indonesia, đã chết trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2017. Phần lớn trường hợp tử vong là do tai nạn tại nơi làm việc chủ yếu thuộc ngành công nghiệp xây dựng và sản xuất thực phẩm, nhiều nơi làm việc đã không đào tạo về an toàn lao động cho họ. Một số người qua đời vì đau tim và đột quỵ do làm việc quá sức.
Nhiều người nông dân ở Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
Trước thực trạng đáng báo động này, Chính phủ Nhật cho biết họ đang nỗ lực tìm cách để đảm bảo chính sách cho lao động nước ngoài mới, có hiệu lực từ tháng 4 năm nay, sẽ hạn chế tình trạng bóc lột sức lao động. Nó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng nguồn nhân công nước ngoài, loại bỏ những khâu môi giới, trung gian.
Chính sách mới cũng quy định rõ ràng trách nhiệm của các công ty thuê lao động nước ngoài, bao gồm đảm bảo cho người lao động nhận được sự hỗ trợ đầy đủ khi ở Nhật Bản như học ngoại ngữ và đưa ra mức lương ngang bằng với người dân bản địa. Tuy nhiên, để những điều này được hiện thực hóa và đạt được hiệu quả lâu dài chắc chắn sẽ phải mất một thời gian khá lâu.
Một người lao động nước ngoài cho hay, cô rất yêu văn hóa, phong tục và con người Nhật Bản. Tuy nhiên, tại nơi làm việc, họ không còn là người Nhật mà mọi người vẫn biết đến. "Tôi nghĩ rằng, trong công việc, ngoài quy tắc thì cần có trái tim và cảm xúc", một người lao động nước ngoài cho hay.
Còn cô Eng cho biết, điều cô mong muốn nhất bây giờ là được trở về Campuchia: "Tôi cảm thấy rất buồn vì tôi không có việc làm và không có tiền. Bây giờ tôi chỉ muốn về nhà và được chăm sóc con trai mình".
Nguồn: Tổng hợp
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.