Tiền hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng sẽ phát 1 lần bằng tiền mặt
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 một lần bằng tiền mặt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết quyết định của Thủ tướng lên tới 50 trang, nên cần khẩn trương bàn thảo, xây dựng trong 2 - 3 ngày tới, bất kể là ngày nghỉ.
"Làm đến đâu, chúng tôi sẽ gửi ngay sang Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp thẩm định luôn. Hy vọng đến cuối tuần sau sẽ xong để trình Thủ tướng ký ban hành quyết định triển khai gói hỗ trợ này...", báo này dẫn lời ông Thanh nói.
Các thủ tục hành chính cũng được cắt giảm nhằm đảm bảo tính khả thi, hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó (Ảnh: Báo Giao thông)
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ trên Báo Giao thông về gói hỗ trợ lần 2 và khẳng định lần này không có câu chuyện "lên tivi mà nhận hỗ trợ":
"Cách truyền thông gói hỗ trợ lần thứ 2 này cũng tương đối phù hợp, không gây ra những kỳ vọng không đáng có. Hơn nữa, việc lắng nghe tiếng nói cơ sở, căn cứ nguồn lực thực tiễn, đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn từ người làm chính sách cho tới đối thụ hưởng, để làm sao cho ra chính sách phù hợp nhất. Do đó, lần này chắc chắn sẽ không còn câu chuyện “lên ti vi mà nhận hỗ trợ”
Khác biệt của gói hỗ trợ lần 2 như thế nào?
Khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đó, gói hỗ trợ lần 2 này sẽ không hỗ trợ cho lao động tự do trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây.
Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Chính phủ rất hoan nghênh các địa phương hỗ trợ cao hơn "mức sàn" quy định.
Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng lên đến 12 nhóm.
Cụ thể, các F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27-4) đến cuối năm 2021 song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng).
Trẻ em bị COVID-19 hoặc cách ly y tế cũng được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly.
Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai còn được nhận thêm 1 triệu đồng ngoài các chính sách đã được hỗ trợ theo quy định.
Thay vì được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng như gói hỗ trợ trước, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,855 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng, hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất...
(Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.