Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi

(lamchame.vn) - Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO và Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, trẻ đủ 6 tháng mới nên cho ăn dặm. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã dần được hoàn thiện và làm quen được các món ăn mới. Hơn nữa, bé cũng cần bổ sung những chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Đặc biệt khi mẹ đã quay lại công việc sau khoảng thời gian dài nghỉ chế độ thai sản và sữa mẹ cũng loãng dần, ít dưỡng chất hơn.

 

Tuy nhiên, một số mẹ mong muốn cho con ăn dặm sớm. Để sẵn sàng cho bé ăn dặm khi 5 tháng tuổi, mẹ nên hỏi ý kiến của các bác sĩ nhi khoa trước khi cho con ăn dặm mẹ nhé!

Khi nào trẻ 5 tháng tuổi được ăn dặm?

Bé 5 tháng ăn dặm được chưa? 5 tháng không phải là thời điểm “vàng” để bé bắt đầu ăn dặm. Trường hợp sau khi đã thăm khám, xin ý kiến của bác sĩ và quan sát thấy các biểu hiện dưới thì bé có thể ăn dặm:

  • - Có thể giữ thẳng đầu, cổ khi ngồi vào ghế ăn

  • - Mở miệng khi mẹ đưa thức ăn đến

  • - Có phản xạ dùng lưỡi tém thức ăn từ thìa vào trong miệng

  • - Cân nặng gấp đôi lúc mới sinh

Đầu tiên, mẹ hãy cho bé bắt đầu làm quen với một số thực phẩm dưới đây:

  • - Ngũ cốc (Bắp, khoai lang, yến mạch xay nhuyễn)

  • - Rau củ (Cà rốt, bí đỏ, cải bó xôi, bơ, bông cải xanh,…)

Tác hại của việc ăn dặm sớm

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo thời điểm thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm là khi đủ 6 tháng tuổi trở lên. Việc dùng bột ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi có thể dẫn đến những tác hại như:

  • - Bé dễ chán sữa mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hấp thu các dưỡng chất thiết yếu

  • - Tăng nguy cơ béo phì

  • - Bé dễ dị ứng thức ăn

  • - Ảnh hưởng không tốt cho chức năng thận

  • - Bé dễ bị hóc, nghẹn

  • - Dạ dày của bé dễ bị tổn thương

  • - Bé có nguy cơ bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống.

Chính vì vậy, mẹ đừng vội vàng cho bé 5 tháng tuổi dùng bột ăn dặm. Tốt nhất mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và bắt đầu cho bé ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi nhé.

Một số loại cháo ăn dặm cho bé

Để thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi ngon miệng và đủ chất, mẹ nên xây dựng thực đơn hàng tuần cho con. Bước sang tuần thứ 2-3 của 5 tháng tuổi, mẹ sẽ bắt đầu nấu cháo và rau củ cho trẻ ăn. Dưới đây là một số món mà mẹ có thể tham khảo để nấu:

Cháo cà rốt

Mẹ hãy lấy 20g cà rốt rửa sạch, thái mỏng rồi hấp chín nhừ. Sau đó, cho cà rốt vào nghiền và rây lọc lấy phần mịn. Cuối cùng là trộn cháo trắng đã được rây mịn cùng bột cà rốt và nấu chín.

Cháo cà chua

Lấy cà chua rửa sạch, bỏ cuống rồi luộc sơ. Sau đó, bóc vỏ, bỏ hạt và thái nhỏ. Cho cà chua vào bát để hấp chín nhừ. Khi cà chua đã chín thì đem rây nhuyễn để lấy lại khoảng 10ml.

Bước tiếp theo là nấu chín cháo, đem rây nhuyễn để lọc lấy 30ml. Cuối cùng, mẹ trộn đều cháo loãng và cà chua tạo thành hỗn hợp sền sệt, đun chín lại lần nữa để bé ăn.

Cháo khoai tây

Lấy nửa củ khoai tây tươi (không mọc mầm hoặc bị thâm đen) rửa sạch, gọt vỏ. Sau đó, thái mỏng và hấp chín rồi dầm hoặc xay nhuyễn. Cuối cùng, mẹ lấy 30-40ml cháo trắng đã rây rồi trộn đều cùng khoai tây. Đun sôi lại lần nữa rồi cho ra bát để bé ăn.

Cháo bông cải xanh

Mẹ chọn một vài nhánh bông cải xanh đem rửa sạch, thái nhỏ, rồi hấp chín, rây nhuyễn. Cuối cùng, mẹ lấy 30-40ml cháo trắng đã rây rồi trộn đều cùng bông cải xanh. Đun sôi lại lần nữa rồi cho ra bát để bé ăn.

 

Cháo bí đỏ

Chuẩn bị 20g bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột và rửa sạch. Thái bí đỏ thành các miếng nhỏ, hấp chín rồi rây nhuyễn được 10ml. Tiếp theo, nấu chín cháo trắng rồi rây nhuyễn, lọc được khoảng 30-40ml.

Cuối cùng, trộn đều cháo và bí đỏ thành hỗn hợp sền sệt. Đun sôi rồi cho ra bát của bé.

Cháo khoai lang và táo

Tương tự, lấy 20g khoai lang gọt vỏ, rửa sạch rồi thái nhỏ, hấp chín và nghiền nhuyễn. Dùng 30g táo tươi (tốt nhất nên chọn loại táo hữu cơ) thái nhỏ, xay nhuyễn rồi ép lấy nước. Cuối cùng, trộn khoai lang và nước táo tạo thành hỗn hợp sánh mịn cho bé ăn.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B..., hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Hy vọng bài viết này có thể phần nào giải đáp được thắc mắc bé 5 tháng tuổi ăn được chưa và giúp ích cho các mẹ trong hành trình tập ăn dặm cho con yêu thật suôn sẻ!

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang