28 ngày không ghi nhận ca mắc mới
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức hạnh cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, một số nước sau thời gian ghi nhận số ca mắc giảm nhưng thời gian gần đây lại tăng trở lại, đặc biệt tại các nước Châu Âu như Pháp, Italy, Đức, Ba Lan....
Lãnh đạo Sở Y tế thông tin thêm, số ca mắc tại nước láng giềng Campuchia đã tăng nhanh từ cuối tuần trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cộng dồn đến nay, thế giới nhận 120.399.298 ca mắc, và 2.664.622 ca tử vong.
Tại Việt Nam, từ ngày 08-15/3/2021, ghi nhận thêm 25 ca mắc mới trong đó chủ yếu là người nhập cảnh và một số trường hợp tại tỉnh Hải Dương.
Riêng tại Hà Nội, từ 16/2/2021 đến nay (28 ngày) không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn TP đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ đối với TP vẫn ở mức cao. Bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, sau một thời gian số mắc giảm, hiện nay lại có dấu hiệu tăng trở lại đặc biệt tại Campuchia, mà nước này tiếp giáp ngay với Việt Nam tình trạng người dân đi lại trái phép vẫn thường xuyên diễn ra tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, một số người dân đã không đeo khẩu trang khi khỏi nhà, tại một số nơi các hàng quán vỉa hè mặc dù không được phép hoạt động nhưng đã bắt đầu mở bán trở lại.
Ban Chỉ đạo yêu cầu, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch để phối hợp, chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và TP, tránh tâm lý lơ là chủ quan khi TP nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới.
Yêu cầu các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... và Nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo thông điệp 5K của Bộ Y tế đặc biệt là việc đeo khẩu trang và khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các trường hợp mắc. Tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine đợt 1 theo kế hoạch, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Công an TP chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã/xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ các cơ sở lưu trú có chứa người nhập cảnh trái phép.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly tập trung cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế, không để dịch bệnh lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng xử lý dịch khi xuất hiện ca bệnh và các trường hợp có liên quan trên địa bàn...
Chùa Hương đã đón 3 vạn du khách
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, UBND quận - BCĐ quận và 18 phường tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt thông điệp “5K", đặc biệt là tại phố đi bộ, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các khu vực công cộng.
Chỉ đạo Công an, tổ dân phố, mạng lưới cộng tác viên, tiếp tục thực hiện công tác rà soát phát hiện người nhập cảnh trải phép, người về từ vùng dịch...
Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, sau 3 ngày mở cửa trở lại, di tích Chùa Hương đã đón hơn 3 vạn du khách. Huyện đã bố trí 650 người thành lập các chốt phòng dịch; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, loa tay và bố trí thuyền tuyên truyền lưu động trên Suối Yến; bố trí các 3 trạm giám sát với 20 máy khử khuẩn, xét nghiệm với các trường hợp nghi ngờ...
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết từ thông tin báo chí phản ánh, các tồn tại trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại: di tích Chùa Hương ở huyện Mỹ đức; đền Quán Thánh (quận Ba Đình), Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) đã được khắc phục ngay và trong ngày 14/3, sở đã kiểm tra và các cơ sở này đã thực hiện tốt.
Các địa phương phải thực hiện nghiêm, đúng quy trình tiêm vaccine
Sau khi nghe báo cáo, Phhó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, nguy cơ về dịch bệnh với Hà Nội hiện vẫn cao, người dân đã có nhiều dấu hiệu chủ quan trong phòng chống dịch. Theo Phó Chủ tịch, Hà Nội nới lỏng hoạt động để đời sống xã hội quay trở lại bình thường, phát triển kinh tế nhưng phải kiểm soát chặt các biện pháp phòng dịch.
Từ tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng quyết định nới lỏng hoạt động một số dịch vụ.
Từ 0h ngày 16/3, các tuyến xe liên tỉnh cho phép hoạt động trở lại bình thường với số hành khách vận chuyển đúng với quy định, sở GTVT phải có hướng dẫn về phòng dịch, khai báo.
Quán Game, internet được hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch, người đến sử dụng phải khai báo y tế, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 m hoặc phải có tấm chắn…Những hoạt động khác, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu và có chỉ đạo sau.
Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế xây tiếp tục triển khai xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ cao, ưu tiên khu đông dân cư, khu công nghiệp; tránh việc chủ quan trong giám sát, thực hiện; tiếp tục tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên cho các đối tượng ưu tiên, theo dõi phản ứng sau khi tiêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn
Về ý kiến của một số người dân thị xã Sơn Tây lo lắng trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu rõ: “Sở Y tế và các địa phương phải thực hiện nghiêm, đúng quy trình tiêm vaccine làm sao đảm bảo an toàn nhất”…
Các quận huyện cần tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5k; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc theo yêu cầu của bộ y tế. “TP sẽ giao ban công tác phòng chống dịch 1 tuần 1 lần với các đơn vị. Các quận huyện duy trì giao ban 2 buổi 1 tuần. Các đơn vị báo cáo một ngày 1 lần vào lúc 17h”, Phó Chủ tịch UBND TP nói…
Theo Pháp luật và bạn đọc
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.