Ghi nhận của PV Tiền Phong cuối tuần qua tại Trạm y tế phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), rất đông người đến xin giấy xác nhận mắc hoặc khỏi COVID-19 để hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội.
Theo chị Minh (ngõ 144 Bạch Đằng), chị đã ra trạm y tế phường 2 lần nhưng vẫn không lấy được giấy xác nhận mắc COVID-19.
“Do trạm y tế quá đông, nguy cơ lây lan bệnh rất cao, chưa kể sức khỏe bị ảnh hưởng nên đến 2 lần nhưng vẫn không thể chờ đợi được”, chị Minh nói. Trước đó, nhiều người cũng bức xúc khi được nhân viên y tế ở trạm đồng ý cấp phát thuốc điều trị COVID-19 cho người bệnh nhưng khi đến nơi thì trạm thông báo “hết thuốc”.
Việc xếp hàng “rồng rắn” chờ xét nghiệm để xác nhận mắc hoặc khỏi COVID-19 diễn ra ở nhiều trung tâm y tế thuộc các quận, huyện. Ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), trung tâm y tế tổ chức thêm một điểm xét nghiệm tại nhà văn hóa phường nhưng do lượng người đến quá đông khiến cho nhà văn hóa cũng trở nên quá tải.
Anh Vũ Mạnh Hải (chung cư HH1 Linh Đàm) cho biết, phường chia nhóm người F0 đã khỏi bệnh xét nghiệm lấy giấy tại trung tâm y tế, còn nhóm người đang là F0 sẽ xét nghiệm tại nhà văn hóa phường để tránh lây nhiễm chéo. “Nhưng việc đi lại rất bất cập, cần sớm thay đổi tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”, anh Hải kiến nghị.
Đại diện UBND quận Hà Đông Hà Nội: Chứng nhận online cho F0 cho biết, số ca F0 đang gia tăng nhưng trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1. Quận đã chủ động liên hệ các bệnh viện, trường y, y bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ nhân dân.
Ứng dụng tối đa công nghệ
Sáng 27/2, một số phường thông báo với người dân về quy trình cấp giấy chứng nhận mắc hoặc khỏi COVID-19. Ông Phạm Văn Hưng (tổ trưởng tổ dân phố số 7 phường Chương Dương) cho biết, trạm y tế phường đã thông báo, người dân không cần phải đến trạm, chỉ cần chụp ảnh test nhanh tại nhà để lấy giấy chứng nhận. Theo ông Hưng, việc này sẽ giảm tải cho lực lượng bác sĩ cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong hoạt động cấp giấy chứng nhận.
Tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), tổ dân phố cũng đã nhắn các nhóm Zalo cư dân về quy trình mới trong cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, đối với F0 sau 7 ngày kể từ ngày khai báo và test nhanh âm tính (chụp que test nhanh và có chế độ chứng minh thời gian chụp) đối với người đã tiêm vắc xin gửi tổ dân phố. Sau đó, tổ dân phố gửi trạm y tế phường là có thể tháo biển cách ly, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đang duy trì chế độ họp trực tuyến mỗi sáng để quán triệt chỉ đạo kịp thời đến các quận, huyện, thị xã. Để giảm tải áp lực y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân, Sở đã chỉ đạo trạm y tế cơ sở xác nhận F0, hết thời gian cách ly đều có thể tự làm test nhanh khi được giám sát. Ngoài ra, Sở cũng đã hướng dẫn các xã, phường sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng BHXH). “Sở Y tế xác định cần ứng dụng công nghệ tối đa để phục vụ nhân dân kịp thời”, đại diện Sở nói.
Ngày 27/2, tại phiên họp trực tuyến với các quận, huyện để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải vào cuộc sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt. “Các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định: “Hiện Hà Nội đã lưu hành Omicron song hành với Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan COVID-19 hiện nay rất nhanh. Theo các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch”.
Nhấn mạnh về việc cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố phân tích, việc quá tải, khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm… Ông nêu giải pháp: “Sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất. Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đấy; yêu cầu liên ngành y tế, thông tin và truyền thông, các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc”.
Đối với hệ thống y tế cơ sở, cần kiểm soát thường xuyên hằng ngày; định lượng rõ, một cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Có chỉ tiêu cụ thể, từ đó sẽ định lượng rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày để điều phối, hỗ trợ kịp thời. Chú trọng vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể…
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.