Từ sau ngày 1/10, khi Sài Gòn tháo dỡ chốt kiểm soát, các tỉnh miền Tây đã bắt đầu triển khai kế hoạch đón công dân trở về từ vùng dịch. Mỗi ngày có hàng ngàn người lao động ở các tỉnh miền Tây rời Sài Gòn để về quê, đây là giải pháp cuối cùng mà họ có thể chọn để được sống.
Về quê để tìm đường sống
Tại chốt kiểm soát trên đường Quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Bến Lức (Long An), nhiều người vẫn đứng chực chờ tới giờ được qua chốt.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mỹ Diễm (Quê ở Kiên Giang) rơi nước mắt. Nhiều năm trước chị và chồng đã chia tay, chị dẫn hai con nhỏ một đứa 6 tuổi, một đứa 8 tuổi lên Sài Gòn mưu sinh đã hơn 3 năm.
Từ khi lên thành phố, chị làm việc cho một xưởng may cũ ở quận 12, một mình chị gồng gánh nuôi cả hai con nhưng số tiền lương ít ỏi nhận được chỉ đủ để trả tiền trọ và tiền ăn uống hàng ngày. Trước dịch, vì con còn nhỏ nên khi đi làm chị vẫn thường gửi con nhờ hàng xóm trông hộ. Nhiều hôm chị làm tăng ca đến tối muộn mong kiếm thêm được ít tiền để đưa con đi học nhưng vẫn không đủ lo.
“Lo miếng ăn cho cả ba người đủ thấm mệt, việc đi học là chuyện rất xa vời. Tôi biết chứ, không được đi học sẽ thua kém bạn bè và ít hiểu biết nhưng giờ làm không đủ ăn sao tính đến chuyện lo đi học cho con được”, chị Diễm xúc động.
Đối với chị Diễm cùng các con, những ngày bị mắc kẹt trong 4 bức tường của căn nhà trọ cũ kĩ và ọp ẹp là nỗi ám ảnh chẳng thể nào quên. Trong 4 tháng giãn cách xã hội, chị nhận được 2 đợt hỗ trợ từ chính quyền nơi mình sống là 10kg gạo cùng một số loại rau củ quả nhưng chỉ đủ cầm cự nửa tháng. Số tiền mà chị Diễm cóp cho con đến trường nay cũng hết sạch.
Khi kể về những ngày đó, chị Diễm rơi nước mắt, “Một mình tôi có thể nhịn đói không sao, nhưng khi nhìn hai đứa trẻ mặt mày ngày càng bạt phờ, da xanh xao, chân tay teo tóp vì đói, nhìn rất đau xót mà không làm gì được”.
Cũng trong cảnh tương tự, anh Trịnh Cường không khỏi chua xót, vợ chồng anh đã thất nghiệp ngồi không một chỗ từ nhiều tháng qua.
Hai năm trước, anh Cường cùng vợ “tay xách nách mang” lên Sài Gòn để kiếm kế mưu sinh, sau đó hai vợ chồng tìm được công việc phụ hộ cho một công trình ở huyện Bình Chánh. Tiền lương hai người cộng lại dù không nhiều nhưng cũng đủ để chi trả tiền nhà và phí sinh hoạt thường ngày, dư một ít họ lại dành dụm gửi về quê để phụ ông bà nội nuôi hai con nhỏ.
Thế nhưng từ khi “cơn bão” dịch Covid-19 ập đến, công trình dừng hoạt động, vợ chồng anh Cường mất việc, chưa kịp tìm công việc mới thì thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Khi nhớ lại những ngày đó, anh Cường vẫn không khỏi ám ảnh.
“Nhiều tháng qua thực phẩm chính là mì gói trộn cơm, có hôm ăn mì không vì nhà hết sạch gạo để nấu. Trong người tôi còn đúng 50.000 đồng duy nhất mượn ở chị chủ trọ, số tiền này tôi dùng để mua ít bánh, nước để đi về quê”, anh Cường tâm sự.
Dưới quê anh còn hai con nhỏ phải nhờ ông bà nội chăm giúp, ban đầu còn gửi về quê một được một ít nhưng dần về sau thất nghiệp, vợ chồng anh chẳng gửi được đồng nào. Trước một ngày thành phố thực hiện giãn cách, mọi người đổ xô đi siêu thị nhưng hai vợ chồng lại chẳng có tiền, hết cách anh đành “muối mặt” chạy vay bạn bè một ít để cầm cự.
Với số tiền vay ít ỏi, vợ chồng anh lại tiếp tục tích trữ mì gói, một ít gạo để sống qua những ngày khốn khó này. Cứ nghĩ vậy là đủ, nhưng không, khi dịch cứ kéo dài ngày này qua tháng nọ, thức ăn dần hết, vợ chồng anh lại phải bữa nhịn, bữa ăn để sống qua ngày.
“Tôi vay được tiền của một số người bạn khi còn đi làm hồ với nhau chỉ dám mua mì loại rẻ nhất, ngay cả ăn cũng không dám ăn nhiều. Có hôm chỉ ăn một nửa gói, nửa còn lại dành cho vợ và thỉnh thoảng nhịn đói một đến hai ngày là chuyện thường”, anh Cường kể.
Dù vợ bị bệnh đại tràng, nhưng giờ đến cái ăn còn không đủ, anh Cường chẳng có đồng nào để mua thuốc cho vợ. Bạn bè anh ai cũng khổ sở vì đại dịch kéo dài, cũng không có tiền để cho anh vay thêm. Nhiều ngày nay, hai vợ chồng chỉ trực chờ ngày thành phố mở, ngay khi nghe tin đã vội vã thu dọn đồ đạc chuyển về.
Chỉ tạm xa một chút, hẹn gặp lại Sài Gòn
Dù có hào phóng, dù có hào sảng, dù có nặng nghĩa, nặng tình che chở đùm bọc, là nơi đất lành cho bao cư dân các tỉnh thành tụ về lập nghiệp, kiếm sống, sinh tồn hàng mấy trăm năm qua, thì nay Sài Gòn đã có chút "hụt hơi". Đã có cả "mùa thương" khắp ba miền để hỗ trợ Sài Gòn, đã có bao ân tình khắp ba miền gửi đến Sài Gòn, nhưng không đủ cho Sài Gòn đùm bọc ủ ấm cả mấy triệu người dân nhập cư thành phố.
Nhiều người dân lao động từ các tỉnh về Sài Gòn mưu sinh đã gắn liền với vỉa hè, hẻm nhỏ với đủ nghề: Bán vé số, nhặt ve chai, hủ tiếu lề đường, phụ hồ, bốc vác… Nhưng, thất nghiệp dài hạn đã khiến họ không thể bám víu, neo buộc nổi ở Sài Gòn.
Vẫn biết cơm, quà từ thiện Sài Gòn không thiếu, vẫn có thể cầm cự, cầm hơi nhưng họ có lòng tự trọng - ai lại ăn hoài, khi không làm gì đóng góp cho thành phố, và còn thêm gánh nặng khi thành phố đang hao gầy từng ngày, họ thấy kỳ. Ăn có thể có cơm từ thiện, nhưng còn nhà trọ, điện nước..., tiền mỗi ngày mỗi cạn, mà dịch bệnh biết ngày nào sẽ hết. Thôi đành "dứt tình" tạm xa thành phố.
“Những ngày trong nhà không còn gì để ăn, tui lại chạy sang hàng xóm xin mì gói hay cơm trắng ăn tạm. Nhưng mình cũng hiểu, khó khăn chung cả, họ còn gia đình, mình cũng không thể nào cứ xin hoài, xin hoài cũng ngại. Giờ tui chỉ có thể về thôi chứ không thể ở lại được nữa…”, anh Danh Nưa cùng vợ về Bạc Liêu cho hay.
Rời khỏi mảnh đất phồn hoa, biết bao người không khỏi rơi nước mắt, dù ít dù nhiều, nơi đây vẫn là nơi gắn bó với họ bao năm qua, đau lắm, xót lắm...
“Lênh đênh trên mảnh đất sông nước là cách người ta hay định danh cho người dân miền Tây chúng tôi. Nhưng giờ tôi lại thấy ở Sài Gòn chèo ngược, chèo xuôi để kiếm đường sống còn khó hơn ở quê, hi vọng Sài Gòn mau hết dịch để bà con có thể tiếp tục đi làm”, chị Phan Thùy Linh bộc bạch.
Chị Linh kể, chị sống tại tâm dịch của quận Bình Tân, cách đây 1 tháng chị được gọi lên phường để nhận trợ cấp 1.500.000 đồng, và đó cũng là lần hỗ trợ duy nhất chị được nhận trong 4 tháng qua. Sau khi nhận tiền chị mua thêm cả loạt trứng vịt cùng mì gói dự trữ phòng đói.
Trong suốt những ngày đó, món ăn chủ đạo của gia đình chị là trứng chiên, trứng luộc, trứng ốp la, còn canh thì lấy nước lã bỏ muối vắt chanh vào. Chính vì thế giờ con trai hay chồng chị thấy trứng vịt hay mì gói đều nhức đầu, buồn nôn.
“Vợ chồng tôi không còn gì hết, nói chung không còn gì hết nữa rồi, cơm hết, gạo hết tiền sạch túi, phải về thôi. Về để sống, đợi dịch hết hẳn chúng tôi mới dám lên, sống ở Sài Gòn nhiều năm tôi thương lắm chứ, đợi ngày hết dịch chúng tôi lại quay về kiếm kế mưu sinh”, chị Linh nói.
Sài Gòn rộng lớn, hào phóng đón nhận người dân trên mọi miền đất nước đến mưu sinh, lập nghiệp. Người tứ xứ và người bản địa cùng làm nên một bản sắc Sài Gòn hôm nay. Thành phố này hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn luôn bao dung, chở che cho biết bao người, nay thành phố “bệnh”, đường phố khắp nơi chỉ còn văng vẳng tiếng còi xe cứu thương...
Không còn đường sống, nhiều người buộc phải rời khỏi mảnh đất này, nhưng họ vẫn luôn nhen nhóm hy vọng chờ ngày Sài Gòn hết bệnh, quay trở lại cuộc sống nhộn nhịp như xưa, khi đó họ sẽ trở về, lại tiếp tục mưu sinh và đồng hành cùng Sài Gòn mai sau.
Thống kê sơ bộ từ các tỉnh, thành ở ĐBSCL, chỉ trong vòng vài ngày qua đã có gần 80.000 người dân tự phát về quê. Có nơi, con số lên đến 20.000-30.000 người như An Giang, Sóc Trăng, nơi ít cũng 1.000-2.000 người.
Chiều 5-10, theo thông tin từ cơ quan chức năng, Bộ tư lệnh TP.HCM sẽ cùng với các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức đưa, đón người dân có nhu cầu rời thành phố về quê.
Theo Bộ tư lệnh TP.HCM, đối tượng được ưu tiên giải quyết về quê là người tuổi cao, sức yếu, trẻ em, người mất sức lao động. Người thuộc diện đối tượng trên, có nhu cầu về quê cần liên hệ với Tổ dân phố, UBND phường, xã, thị trấn nơi đang tạm trú tại thành phố để đăng ký. Khi có số lượng và điểm đến địa phương người dân đăng ký về, Bộ tư lệnh TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị của thành phố và các địa phương để tổ chức đưa, đón chu đáo.
Bộ tư lệnh Thành phố lưu ý, trước khi lên đường về quê, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm, khám sức khỏe cho người dân. Sau khi kiểm tra sức khỏe xong, Bộ tư lệnh Thành phố sẽ bảo đảm phương tiện và cử cán bộ, chiến sĩ đi cùng xe để đưa người dân về quê theo nguyện vọng.
Người dân thuộc đối tượng trên có nhu cầu về quê có thể liên hệ đến đường dây nóng: 069.652.401 và 02866.822.000 để được cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang TP.HCM tin, hướng dẫn cụ thể.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.