Nếu như nông dân xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) thời gian qua rơi vào cảnh khốn đốn khi phải vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắngvì không thể tiêu thụ được khiến không ít người quan tâm.
Tưởng chừng câu chuyện vứt bỏ nông sản sau bao ngày chăm sóc chỉ xảy ra tại Hà Nội thì tại xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ - Hải Dương) rất nhiều gia đình phải vứt bỏ hàng tấn su hào do không bán được.
Ngày 15/3 chúng tôi có mặt tại cánh đồng canh tác rau màu thuộc thôn Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo) vô cùng bất ngờ khi chứng kiến cảnh bà con phá bỏ, vứt bỏ hàng tấn su hào do không tiêu thụ được.
Người nông dân trồng được củ su hào đã trải qua quá nhiều vất vả nhưng đến lúc thu hoạch lại không thể bán được nên đành vứt bỏ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Lý ngậm ngùi nói: "Từ sau Tết do người dân tiêu thụ ít nên các thương lái cũng thu mua cầm chừng, thậm chí không thu mua khiến nhiều hộ nông dân như chúng tôi không biết làm cách nào đành phá bỏ hoặc bán đổ, bán tháo với giá rẻ mạt".
Cũng theo bà Lý, tại địa phương có rất nhiều gia đình trồng su hào, trung bình từ 6-7 sào. Riêng chỉ tính tiền con giống đã mất 200 đồng/cây, mỗi sào trồng được từ 500 - 600 gốc. Sau 2 tháng chăm sóc, mỗi sào su hào sẽ bán cho các thương lái với giá khoảng 7 triệu đồng.
Tuy nhiên từ dịp trước và sau Tết 2018 thì lượng tiêu thụ không đáng là bao nên nhiều hộ dân buộc phải vứt bỏ hoặc chặt làm phân bón. Nhiều thương lái "ôm" su hào của nông dân trước Tết cũng phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí phải bỏ ruộng vì có thu hoạch cũng không đủ chi phí thuê người.
Hiện tại, nhiều gia đình do quá tiếc rẻ công chăm sóc đã buộc phải bán với giá chỉ khoảng 200 đồng/củ, mỗi sào thu được vỏn vẹn chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng.
Trước Tết 2018, nhiều thương lái đã đặt mua những ruộng su hào của người nông dân với giá khoảng 7 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay thuận lợi nên rau củ phát triển mạnh dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu khiến su hào Tứ Kỳ chịu chung số phận với củ cải Mê Linh.
Do không thể tiêu thụ được nên nhiều thương lái bỏ ruộng hoặc những gia đình nông dân giữ lại buộc phải bán su hào với giá rẻ mạt từ 200 - 300 đồng/củ.
Hoặc với những ruộng để quá già người dân buộc phải phá bỏ, vứt đầy đường, ven ruộng. Ước tính số lượng su hào bỏ đi tại địa phương lên đến con số hàng tấn.
Những lứa su hào muộn hơn cũng phải chịu chung tình cảnh, đến thời điểm hiện tại người dân tự thu hoạch bán với giá chỉ bằng lúc mua giống là 200 đồng/củ.
Bà Lê Thị Lý cho biết, tính ra tiền bán su hào thành phẩm sau hơn 2 tháng chăm sóc cộng với tiền phân bón, tưới tiêu chỉ bằng tiền mua giống gieo trồng.
Những củ su hào lứa sau đang đến độ thu hoạch nhưng do quá rẻ, chẳng mấy người mua, thương lái cũng chê nên khiến người nông dân rơi vào cảnh thua lỗ.
Tại khu vực đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xuất hiện những đống su hào do nông dân vứt bỏ.
"Trâu bò, lợn gà cũng không thèm ăn nên chúng tôi chỉ còn cách vứt bỏ, dọn ruộng để lấy đất canh tác tiếp", một nông dân cho hay.
Một số gia đình chất su hào thành đống phía đầu ruộng với mục đích ủ lấy phân bón.
Hoặc băm nát tại ruộng ủ phân bón cho các cây trồng khác.
"Tình trạng bỏ su hào, vứt đi như thế này cũng đã xuất hiện ở những mùa trước, chúng tôi chẳng biết đâu mà lần được nữa".
Những bước chân nặng trĩu của người nông dân trồng su hào Tứ Kỳ trước vụ mùa thất bát.
Những bịch su hào (từ 20 - 30 củ tùy lớn/nhỏ) như thế này nông dân chỉ vớt vát được 6.000 đồng, trong khi đó trước kia mỗi củ su hào họ bán ra thị trường gấp 10-12 lần.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.