Hiện thực kinh hoàng ở Nhật Bản: Số người tự tử suốt 1 tháng qua còn nhiều hơn lượng người chết vì Covid-19 kể từ đầu đại dịch

Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi chịu ảnh hưởng khá ít từ đại dịch Covid-19. Họ không phải phong tỏa toàn bộ, nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng dẫu vậy, đại dịch vẫn mang lại một xu hướng đáng sợ.

Eriko Kobayashi đã từng cố gắng tự sát nhưng không thành. Mà tận 4 lần!

Lần đầu tiên là vào năm 22 tuổi, khi công việc của cô không thể đủ để trả tiền thuê nhà và khoản chi cho nhu yếu phẩm ở Tokyo. "Tôi đã thực sự rất nghèo," - trích lời Kobayashi. Cô trải qua 3 ngày bất tỉnh nhân sự trong bệnh viện.

Giờ đây ở tuổi 43, Kobayashi là tác giả của một cuốn sách về những vấn đề tâm lý mà cô gặp phải. Cô cũng đang có công việc ổn định tại một tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã kéo về những căng thẳng đáng sợ mà cô từng đối mặt.

"Lương tôi giảm đi, và tôi chẳng tìm thấy lối ra trên con đường này," - cô cho biết. "Tôi liên tục cảm thấy cơn khủng hoảng chực chờ, kéo tôi lại sự nghèo khổ như trước." 

 - Ảnh 1.

Eriko Kobayashi - người đã từng cố gắng tự sát tới 4 lần vì những cơn khủng hoảng tâm lý

Trên thực tế, các chuyên gia từ lâu đã lo ngại rằng đại dịch sẽ tạo ra cơn khủng hoảng tâm lý đối với nhân loại. Chuyện thất nghiệp hàng loạt, giãn cách xã hội quá lâu và căng thẳng kéo dài đang tra tấn người dân trên toàn cầu.

Và điều đó được thể hiện rất rõ ở Nhật Bản. Theo số liệu thống kê từ chính phủ, số người tự sát tại Nhật trong tháng 10 thậm chí còn lớn hơn số nạn nhân tử vong vì Covid-19 tính đến thời điểm đó. Cụ thể, con số tự sát trong tháng ấy là 2153 người, trong khi số người bị Covid-19 mang đi chỉ là 2087.

"Chúng tôi thậm chí còn không phong tỏa, và ảnh hưởng của Covid-19 là khá nhỏ nếu so với nhiều quốc gia khác... nhưng số người tự tử vẫn tăng lên," - trích lời Michiko Ueda, phó giáo sư ĐH Waseda chuyên nghiên cứu về tự sát.

"Điều này cho thấy, các quốc gia khác cũng có khả năng đang hoặc sẽ chứng kiến hiện tượng tương tự, chỉ là chưa có số liệu thôi."

 - Ảnh 2.

Sự tra tấn với phụ nữ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Nhật Bản từ lâu đã nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ tự sát cao nhất. Năm 2016, tỉ lệ tự sát tại đây là 18,5:100.000 dân, chỉ đứng sau Hàn Quốc trong khu vực Tây Thái Bình Dương, và cao hơn con số trung bình toàn cầu gần gấp đôi. 

Có khá nhiều nguyên nhân phức tạp đứng sau tỉ lệ này, như làm việc quá nhiều, áp lực từ trường học, xa lánh xã hội, và những định kiến xung quanh các chứng bệnh tâm thần.

Nhưng tính chung trong vòng 10 năm từ 2009 - 2019, số người tự tử ở Nhật đã giảm đi, chỉ còn khoảng 20.000 người tính đến năm 2019. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1978. Có điều khi Covid-19 xuất hiện, mọi chuyện lại đang diễn biến theo chiều hướng xấu, và đặc biệt là đang nghiêng về phụ nữ nhiều hơn.

 - Ảnh 3.

Dù vẫn thấp hơn so với nam giới, nhưng tỉ lệ phụ nữ tự sát đang dần tăng lên. Trong tháng 10/2020, số phụ nữ tự sát đã tăng tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỉ lệ ở nam chỉ là 22%.

Các chuyên gia cho rằng có một số nguyên nhân có khả năng đứng sau chuyện này. Phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn về công việc bán thời gian tại các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng và bán lẻ - những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất vì dịch bệnh. "Xã hội Nhật vốn đã phân biệt đối với phụ nữ. Đây là một xã hội nơi kẻ yếu bị đào thải khi có sự cố xảy ra."

Nghiên cứu toàn cầu trên 10.000 người do tổ chức CARE thực hiện đã chỉ ra rằng, có 27% phụ nữ gặp khó khăn với các chứng bệnh tâm lý trong đại dịch, hơn gấp đôi so với mức 10% ở nam giới. Cùng với nỗi lo thu nhập, họ phải đối mặt với nhiều gánh nặng khác nữa. Như những người may mắn giữ được việc, phụ nữ vẫn phải chăm lo cho con cái, đưa đón con và chịu trách nhiệm cho nhiều việc không tên khác.

Akari (tên đã được thay đổi), 35 tuổi cho biết, cô đã phải nhờ đến bác sĩ tâm lý sau khi con trai mình nhập viện suốt 6 tuần. "Tôi chưa từng có tiền sử bệnh tâm lý trước kia, nhưng lần này tôi thấy mình căng thẳng gần như mọi lúc," - cô chia sẻ. Tâm trạng của Akari còn tệ hơn vì đại dịch, vì cô lo con sẽ nhiễm bệnh.

"Đã có lúc tôi cảm thấy vô vọng, luôn nghĩ đến những kịch bản tồi tệ nhất." 

"Bom" dội lên đường dây nóng tự tử

Tháng 3/2020, Koki Ozora - một sinh viên đại học đã mở Anata no Ibasho - đường dây nóng hỗ trợ các vấn đề tâm lý 24/24. Anh cho biết, mỗi ngày có trung bình khoảng 200 cuộc gọi, và đa số là phụ nữ.

"Họ mất việc, họ cần phải nuôi con, và họ lại không có tiền. Vậy là họ có ý định tự sát," - Ozora cho biết.

 - Ảnh 4.

Koki Ozora

Hầu hết các cuộc gọi đều vào khung giờ đêm - từ 10h tối đến 4h sáng. Dù có tới 600 tình nguyện viên trên toàn cầu, nhưng họ vẫn gặp khó khăn đối với số lượng tin nhắn quá lớn gửi tới. Họ ưu tiên nhắn tin hơn, để tìm kiếm các từ khóa đáng ngại như tự sát hoặc lạm dụng. 

Do bản chất giấu kín danh tính, mọi người sẵn sàng chia sẻ những điều thầm kín nhất. Trong tháng 4, hầu hết các tin nhắn đều từ những bà mẹ cảm thấy căng thẳng khi nuôi con. Thậm chí một số còn lộ ý định giết con rồi tự sát. Ngoài ra, tin nhắn về bạo lực gia đình cũng phổ biến. 

"Tôi đã từng nhận các tin kiểu: 'Tôi mới bị cha cưỡng hiếp' hoặc 'Chồng tôi muốn giết tôi'," - trích lời Ozora. Cũng theo anh, số lượng tin nhắn tăng lên một phần là vì đại dịch. Trước kia, mọi người còn có nơi để tạm thời giải thoát như trường học, công ty, nhà bạn bè... Nhưng giờ thì không còn nữa.

Những định kiến quá nhiều

Tại Nhật Bản, hiện vẫn còn những định kiến liên quan việc thừa nhận sự cô đơn và rắc rối. Ozora cho biết, định kiến ấy đã tạo ra cảm giác "xấu hổ" cho những người đang gặp vấn đề, và cuối cùng ngăn họ nói ra.

"Đó không phải là thứ bạn có thể tùy tiện nói ra. Bạn không thể chia sẻ với người thân hoặc bạn bè. Điều này khiến sự giúp đỡ sẽ đến chậm, và một người có thể nghĩ đến chuyện tự sát sau đó."

Akari cũng đồng tình với câu chuyện này. Trước kia cô từng sống tại Mỹ, nơi cô cho rằng sự giúp đỡ dễ kiếm tìm hơn. "Khi sống tại Mỹ, tôi biết nhiều người tìm đến bác sĩ tâm lý và nó rất phổ biến. Còn tại Nhật Bản, mọi thứ khó khăn hơn."

 - Ảnh 5.

Sau khủng hoảng tài chính thập niên 1990, tỉ lệ tự sát tại Nhật Bản trong 10 năm kế tiếp tăng đến kỷ lục, với ít nhất 34.000 người tự chấm dứt cuộc sống. Các chuyên gia cho biết sự xấu hổ và nỗi lo khi bị sa thải - nhất là cánh nam giới ở thời điểm ấy - đã tạo ra một làn sóng trầm cảm cùng tỉ lệ tự sát gia tăng.

Đầu thập niên 2000, chính phủ Nhật Bản đầu tư mạnh vào công tác ngăn chặn tự tử và hỗ trợ những người tự tử không thành. Tuy nhiên, cả Ozora và Kobayashi cho rằng tất cả những nỗ lực ấy là chưa đủ. Để giảm được tỉ lệ tự sát, sự thay đổi phải là ở cả xã hội.

"Vì để người khác biết yếu điểm là sự hổ thẹn, nên cần phải giữ trong lòng và chịu đựng," - Kobayashi nhận định. "Chúng ta cần tạo một văn hóa, nơi việc chia sẻ yếu điểm và nỗi lòng được chấp nhận."

Làn sóng dịch bệnh thứ 3 - cơn ác mộng tiếp tục kéo đến

Những tuần gần đây, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục, trong khi các bác sĩ cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang tới trong các tháng mùa đông. Chính bởi vậy, giới chuyên gia đang lo sợ tỉ lệ tự sát sẽ nhanh chóng tăng lên, nếu như dịch bệnh tác động mạnh tới nền kinh tế.

"Chúng ta vẫn chưa chứng kiến toàn bộ ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế," - Ueda chia sẻ. "Bản thân đại dịch có thể tệ hơn, dẫn đến một đợt bán phong tỏa nữa. Và nếu điều đó xảy ra, tác động sẽ là rất lớn."

 - Ảnh 6.

Nếu so sánh với những quốc gia khác, các hạn chế liên quan đến virus corona tại Nhật Bản thực ra là không nhiều. Dù ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng quốc gia này chưa khi nào bị phong tỏa quá chặt cả, giống như những gì từng xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Nhưng khi các ca nhiễm mới tăng lên, nhiều khả năng tình trạng sẽ phải bị kiểm soát nhiều hơn, dẫn đến lo ngại ảnh hưởng về tâm lý.

Với Kobayashi, mọi thứ với cô không đến nỗi quá tiêu cực. Dù phải đối mặt với chuyện giảm thu nhập và mất ổn định tài chính, cô đã tìm ra cách kiểm soát nỗi lo. Hiện tại, cô hy vọng rằng việc công bố câu chuyện của mình ra công chúng sẽ trở thành một nguồn cảm hứng, để những người có hoàn cảnh tương tự có động lực nói lên nỗi lòng của mình trước khi quá muộn.

Nguồn: CNN

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/hien-thuc-kinh-hoang-o-nhat-ban-so-nguoi-tu-tu-suot-1-thang-qua-con-nhieu-hon-luong-nguoi-chet-vi-covid-19-ke-tu-dau-dai-dich-2202030112387533.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang