Học phí đại học: "Sai lầm nghiêm trọng khi cứ tự chủ là tăng học phí"

(lamchame.vn) - "Khi nói đến tăng học phí, bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận giáo dục. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân".

Tự chủ đại học được xem là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn cầu, là “cuộc cách mạng” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Tuy nhiên, tại nước ta hiện nay, khi tự chủ đại học, nhiều trường đồng loạt tăng học phí khiến xã hội lo ngại sẽ làm gia tăng áp lực về chi phí học tập lên vai người học. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

Học phí đại học: "Sai lầm nghiêm trọng khi cứ tự chủ là tăng học phí" - Ảnh 1.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tuổi trẻ)

PV: Hiện nay, nhiều trường đại học khi chuyển sang tự chủ thì mức thu học phí cũng tăng cao so với trước đây, nguồn đầu tư ngân sách Nhà nước cho những trường này cũng bị giảm dần, ông có nhận định gì về vấn đề này?

TS Lê Viết Khuyến: Hiện nay đang có sự nhầm lẫn về quan điểm ở cả cấp quản lý và cơ sở giáo dục đó là lẫn lộn giữa tự chủ đại học và tự túc nguồn lực, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc các trường đại học phải tự túc về mặt nguồn lực, kinh phí. Đối với các trường công lập, thì nguồn lực được cấp chính là từ ngân sách nhà nước. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại, cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng đào tạo, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Như tại Trung Quốc, khi tự chủ, các trường công lập cũng huy động những nguồn lực khác nhưng nguồn huy động từ học phí không được quá 1/3, số còn lại dựa vào ngân sách Nhà nước cùng các hoạt động như nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh… Còn tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một số rất ít các trường có hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh tương đối tốt, còn lại đào tạo vẫn là hoạt động chính. Như vậy, nếu không được cấp nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì chỉ có một cách là tăng học phí.

Tuy nhiên, khi nói đến tăng học phí, thì bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân. Người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu một gánh nặng lớn về học phí.

PV: Như vậy, theo chuyên gia, khi các trường ồ ạt tăng học phí, sẽ ảnh hưởng trực tiếp ra sao đến cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân?

TS Lê Viết Khuyến: Một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố bao gồm: tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả (cùng một khoản tiền phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất), tính thống nhất (tức cần chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục). Nếu thỏa mãn được cả 4 tiêu chí trên mới có thể coi là một nền giáo dục tốt. Ở nước ta hiện nay đang nói nhiều đến chuyện phải nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đó có thực hay không lại là chuyện khác. Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí tăng nhưng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

PV: Vậy trong bối cảnh tự chủ, các trường cần làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng không tạo ra áp lực quá lớn về chi phí học tập cho sinh viên, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Tôi nói thêm rằng, chúng ta cần phân biệt tự chủ và xã hội hóa là 2 khái niệm khác nhau. Tự chủ là làm sao cho nhà trường được quyền quyết định đường hướng phát triển của mình trong hoàn cảnh cụ thể, không phải theo cơ chế chủ quản cầm tay chỉ việc. Còn khi nguồn lực từ Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì cần huy động nguồn lực từ xã hội, nhưng xã hội hóa giáo dục phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, không thể bắt người dân bỏ ra số tiền lớn, như vậy đang vi phạm nguyên tắc hàng đầu của giáo dục là tính công bằng. Để có thêm nguồn lực, các trường cần xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình, vẫn có những trường dù nguồn lực không nhiều nhưng sử dụng rất hiệu quả, nhận hỗ trợ ít từ ngân sách, song học phí cũng không tăng nhiều và chất lượng đào tạo lại tăng mạnh, đơn cử như ĐH Tôn Đức Thắng.

Tự chủ không có nghĩa là tự túc về mặt nguồn lực, khi các trường ĐH công lập tự chủ, Nhà nước vẫn phải cung cấp nguồn tài chính cho giáo dục đại học, còn tùy vào khả năng cung cấp của Nhà nước đến đâu, ta có thể huy động thêm, cái này thuộc về phạm trù xã hội hóa. Song nhấn mạnh rằng, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là bắt người học đóng thêm tiền, tăng học phí, mà cần tăng các hoạt động dịch vụ của nhà trường, tiến hành triển khai nghiên cứu khoa học, rà soát lại cơ chế quản lý nhà trường làm sao cho hoạt động hiệu quả nhất.

Thật sai lầm khi các trường cứ bấu víu vào xã hội hóa, đi theo hướng cứ tự chủ là tăng học phí – đây là sai lầm nghiêm trọng mà cả cấp hệ thống quản lý cũng như cơ sở đại học đang mắc phải.

PV: Xin cảm ơn ông!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang