Đến thời điểm hiện nay, nhiều học sinh lớp 5 chưa hoàn thành học kỳ một, nhưng nhiều bậc phụ huynh đã ráo riết tìm chỗ cho con ôn thi vào lớp 6. Đỉnh điểm, một số cha mẹ tìm chỗ học tốt cho con, kể cả phải đi học xa, "mạnh tay" chi tiền triệu cho buổi học 2 tiếng của con với giáo viên "hot".
Chạy đua từ lớp 1, sẵn sàng chi chục triệu để mong “có suất” vào trường “ngon”?
Ngay từ tháng 7 khi chưa bước vào năm học mới nhưng Nguyễn Thị Diệp (Long Biên, Hà Nội) có con vào lớp 5 đăng ký cho con vào lớp học thêm Toán của một thầy giáo luyện thi có tiếng ở Hà Nội. Trung tâm của thầy luôn có tỉ lệ đậu vào các trường chất lượng cao vào loại “đầu bảng”. Để vào khóa luyện thi, học sinh phải làm bài kiểm tra đầu vào.
Kết quả, con trai chị Diệp đủ điều kiện vào lớp vì được 8 điểm trong khi đó nhiều bạn của con chị chỉ đạt điểm trung bình, một số bạn điểm thấp hơn điểm sàn và không được phép vào học.
Chị Diệp cho rằng, con chị đang học lớp chuyên Toán của một trường tư bên Long Biên. Để được kết qủa đó, con chị đã đi học thêm ròng rã từ hồi lớp 2.
“Con học khá tốt nhưng được các phụ huynh khác rỉ tai, nếu muốn vào các trường chất lượng cao có tiếng bắt buộc phải cho con đi ôn luyện càng sớm càng tốt”- chị Diệp nói.
Không chỉ đầu tư cho con học thêm toán, chị Diệp còn tìm được thông tin một giáo viên dạy môn Tiếng Anh có tiếng là tốt ở khu vực Ba Đình. Thế nên, cứ hai ngày cuối tuần, vợ chồng chị thay nhau đưa con đi học. Học với giáo viên có tiếng, chi phí chị bỏ ra cho con học 1-1 với giáo viên không hề rẻ, 1,5 triệu/ buổi. Thậm chí, nhiều học sinh yếu kém bị liệt vào “ca khó” thì một buổi học 2 tiếng lên tới 2 triệu đồng.
"Vì chúng tôi xác định cho con ôn luyện để có thể thi vào một vài trường có tiếng nên gia đình tôi sẵn sàng chi tiền cho con được học với giáo viên uy tín từ hồi năm học lớp 4. Vì thế, lớp nào của con tôi theo học cũng phải có bài kiểm tra đầu vào, đạt yêu cầu cô mới nhận” – chị Diệp nói.
Còn chị Nguyễn Thị Luyên (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, việc tính đến cho con thi vào lớp 6 vào các trường chất lượng cao ở trong Hà Nội, vợ chồng chị đã tính từ hồi lớp 2. Ngày ngày, cứ học xong ở lớp, về nhà con tắm rửa, ăn tạm rồi lại cắp cặp đến nhà cô theo học.
Năm nay, chị định cho con thử sức vào một vài trường như: THCS chuyên Ngoại ngữ, trường Nguyễn Tất Thành, THCS Nam Từ Liêm,...
Chị Nguyễn Thị Giang, là phụ huynh có con đang học lớp 5 ở một trường ngoại thành của Hà Nội cho biết, để quyết định cho con đi ôn luyện trong nội thành, anh chị đã bàn bạc kĩ vì phải vừa chuẩn bị một khoản tiền khá lớn, vừa là sự đầu tư đưa đón con trong thời gian theo học.
Dù chồng chị là một bác sĩ, chị là một giáo viên dạy cấp tiểu học, quãng đường gần 20km, di chuyển vào giờ tan tầm, đưa con đi nhanh cũng mất khoảng 50 phút để đưa con đến lớp học thêm cũng không ngăn cản được ý định cho con thi vào trường chất lượng cao ở Hà Nội.
“Nhiều bạn bè của cháu đã được bố mẹ cho ra Hà Nội học từ hồi lớp 3. Sau gần 3 năm học thêm, tốn đến 50-60 triệu đồng nhưng nhiều phụ huynh không hề nản lòng. Việc học sinh đến lớp 5 mới ra ôn thi được coi là muộn, rất khó để đảm bảo đỗ được vào các trường có tỉ lệ chọi cao khủng khiếp 1/20 hay 1/30 như năm ngoái”- chị Giang cho biết.
Luyện thi hay không luyện thi: Nằm ở phụ huynh?
Thầy Nguyễn Thành Công- giáo viên trường THPT Chuyên, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, mấy năm trở lại đây việc học sinh vất vả “cày ngày cày đêm” để ôn thi vào đại học hay thi vào các trường THPT Chuyên vẫn đang rất phổ biến.
Bên cạnh đó, xu hướng luyện thi còn lan xuống cả bậc học thấp hơn là bậc tiểu học để ôn thi vào các trường THCS chất lượng cao như trường Trần Đại Nghĩa (TP HCM), trường Nguyễn Tất Thành, trường THCS Chuyên Ngoại Ngữ, THCS Lương Thế Vinh… (Hà Nội).
Khi các trường càng nổi tiếng, việc thi đánh giá năng lực vào trường ngày càng khó khăn khi số lượng thí sinh thi thì nhiều nhưng số chỉ tiêu đào tạo thì không đổi dẫn đến “tỉ lệ chọi” ngày càng tăng gây ra áp lực rất lớn đến nhiều phụ huynh và học sinh trong quá trình cho con ôn luyện.
Việc tổ chức học thêm, ôn luyện ngày càng nở rộ và độ tuổi bắt đầu ôn luyện ngày càng nhỏ, không chỉ là lớp 5, lớp 4 mà thậm chí lan xuống cả lớp 1 hay lớp 2.
Thầy Công cho rằng, điểm tích cực là quá trình này tạo ra các phong trào học tập cho các học sinh ngay từ lứa tuổi còn nhỏ, rèn luyện cho học sinh văn hóa đọc, khả năng tự đọc, tự học và nghiên cứu tài liệu.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ một cuộc chạy đua nào cuộc chạy đua cho các con vào lớp 6 THCS cũng có những mặt tối. Nhiều bố mẹ sống một cuộc đời “không như kỳ vọng của bản thân” nên dồn nén tâm huyết giáo dục cho những đứa con của mình.
Theo đó, những đứa trẻ lớp 4 lớp 5 không còn thời gian vui chơi, giải trí, tương tác với người thân với lịch học thêm dày đặc từ đầu tuần đến cuối tuần. Áp lực tâm lý, căng thẳng thần kinh khiến các em trở nên dễ cáu gắt thậm chí trầm cảm.
Thiếu đi các hoạt động thể chất khiến sức khỏe đi xuống và thị lực giảm đáng kể, tỉ lệ học sinh đeo kính trong 1 lớp học ngày càng tăng. Khi các con đạt điểm chưa tốt trên lớp hay thậm chí ở các lớp học thêm, phụ huynh có thể căng thẳng với chính con mình vì sự kỳ vọng của nhiều cha, mẹ với các con là quá lớn.
"Để đưa ra một giải pháp cho vấn đề này không phải dễ nhất là trong một nền giáo dục trọng thi cử và điểm số. Thiết nghĩ, các nhà trường cũng đang cố gắng làm tốt các phần việc của mình, vấn đề luyện thi hay không luyện thi, các thức thế nào đang nằm ở phụ huynh nhiều hơn"- Thầy Công nói.
Cũng theo thầy Công, nếu không có áp lực, sẽ khó tạo ra động lực cho sự tiến bộ của đứa trẻ nhưng nếu áp lực quá cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Giáo dục đã trở thành một cuộc đua từ rất sớm
Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ xã hội đã thay đổi rất nhiều nhưng tâm thức phụ huynh vẫn chưa bắt kịp. Phụ huynh vẫn nhìn nhận học giỏi-thành tích cao ở các trường điểm, trường chuyên, trường tốp đầu là con đường duy nhất dẫn đến thành công và hạnh phúc.
Vì vậy mà giáo dục đã trở thành một cuộc đua từ rất sớm ngay trong bậc giáo dục nghĩa vụ. Thường ở nước ngoài thì sự phân hóa sẽ diễn ra từ bậc THPT khi phụ huynh lựa chọn cho con những trường tốt, trường phù hợp với năng khiếu, khả năng của con.
Ở Việt Nam có đặc thù riêng làm cho hệ lụy lớn là giáo viên trong các ngôi trường "hot" đó lại chính là người dạy thêm, luyện thi vào trường mình trong khi ở nước ngoài họ cấm giáo viên trường công, giáo viên biên chế dạy thêm dưới bất kì hình thức nào.
Kết quả là là giáo dục đã biến thành "khoa cử" thuần túy.
Đỗ Hợp (ghi)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.