"Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu" và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ

Giống như dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi, nhiều cha mẹ tự cho mình quyền đánh trẻ để ép chúng nghe lời, thể hiện mình “có quyền lực”.

Câu chuyện dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi đến chết ở Sài Gòn đã khiến dư luận phẫn nộ và cảm thương. Dì ghẻ khai rằng, cô ta nhiều lần đánh bé V.A để “dạy dỗ”. Đó rõ ràng là một câu chuyện đáng lên án, nhưng với những chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, câu chuyện đau lòng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Việc trẻ em bị cha mẹ, người nuôi dưỡng đánh đập với lý do rất nhân văn là “dạy dỗ” không phải là chuyện hiếm, thậm chí nhiều người còn cho là “bình thường”. V.A đã mất, nhưng còn nhiều em bé khác bị âm thầm bạo hành, chịu đựng những tổn thương về thể chất và tâm lý vĩnh viễn thì sao?

Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.

Ông Lê Khanh, chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kidstime tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với chúng tôi về vấn đề trên.

Nhiều cha mẹ coi con là tài sản để tùy ý “sử dụng”

PV: Xin chào chuyên gia. Ông nghĩ gì về việc có những phụ huynh quát mắng, đánh đập trẻ em như một cách dạy dỗ?

Chuyên gia Lê Khanh: Trong việc giáo dục con, việc trừng phạt bằng đòn roi và một số hành vi mang tính bạo lực khác (quát mắng, đe dọa, mỉa mai và sỉ nhục) luôn tạo ra hai quan điểm trái chiều: Một là ủng hộ, với dẫn chứng là chính nhờ các hành vi bạo lực đó mà bản thân họ được rèn luyện, trở nên ngoan ngoãn và lớn lên sẽ là những người biết tôn trọng kỷ luật. 

Còn quan điểm ngược lại thì cho rằng các hành vi trừng phạt thể xác hay tinh thần, chỉ để lại những sang chấn tâm lý, lệch lạc về nhân cách như ích kỷ, độc tài hoặc nhu nhược, cam chịu và chấp nhận lối suy nghĩ: Chân lý thuộc về kẻ mạnh.

Chính sự “quen thuộc” trong việc đánh đập trẻ có thể tạo ra những con người độc ác, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Về thể chất, trẻ có thể sẽ bình phục, nhưng về tinh thần, việc bạo hành sẽ để lại hậu quả lâu dài, “di truyền” đến cách dạy dỗ thế hệ sau. 

Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ - Ảnh 2.

Dì ghẻ đã đánh đập bé V.A nhiều lần, cha ruột bé biết nhưng không can thiệp.

PV: Điều phi lý là nhiều bố mẹ cho rằng họ được phép đánh con; ngược lại, người ngoài mà đánh trẻ sẽ bị phản ứng mạnh?

Chuyên gia Lê Khanh: Với phần lớn người Việt, con cái được xem là “tài sản quý báu”. Các bà mẹ thì xem đứa con là một phần máu mủ, ôm ấp chiều chuộng và bao bọc ngay cả khi con đã lớn. Các ông bố thì lại xem trẻ như một “ước mơ nối dài”, những gì mà họ chưa đạt được thì con cái sẽ phải làm được.

Chính cái tư tưởng con cái là tài sản quý báu hay là ước mơ của bố mẹ đó khiến họ cho rằng họ có quyền “xử lý” một cách toàn diện trên con. Khái niệm tôn trọng con như một nhân vị còn khá xa lạ với nhiều người. Từ đó, dẫn đến quan niệm “con của tôi thì tôi có quyền đánh mắng”, thậm chí là nhục mạ hay hành hạ mà không cho phép trẻ có phản ứng.

Ngược lại, khi con mình bị người khác hành hạ, cha mẹ lại có những phản ứng bênh con thái quá, có khi không phân biệt đúng sai, dẫn đến hành động hay phản ứng đôi khi giẫm trên cả luật pháp. 

Ai cũng nghĩ là vì con, nhưng thực ra là do sĩ diện hay tự ái bản thân chứ không phải là lo lắng hay quan tâm gì đến con. Nếu thực sự yêu thương, họ sẽ không cho phép ai làm tổn hại đến trẻ, kể cả bản thân mình. 

Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ - Ảnh 3.

Bé V.A đã ra đi tức tưởi dưới đòn roi mang tên "dạy dỗ".

PV: Lý lẽ của họ là đánh không làm con chết được; còn chiều chuộng thì con sẽ hư hỏng, thế còn nguy hiểm hơn?

Chuyên gia Lê Khanh: Đúng như vậy, ngược lại với việc hành hạ con, nhiều người lại chiều chuộng con một cách thái quá. Nghịch lý là có khi chính họ cũng là người đã từng cho con những trận đòn vô tội vạ nếu làm trái ý mình.

Việc chiều chuộng con ở đây là hoàn toàn sai vì nó khác hẳn với việc quan tâm, chăm sóc, yêu thương và tạo những điều kiện thuận lợi cho con phát triển. Chớ nhầm lẫn giữa tình yêu thương đúng cách dành cho con với sự cưng chiều, không dám đánh đòn một cách mù quáng. 

Đứa con được cưng chiều thái quá sẽ có thể bị xã hội làm hư, thậm chí có thể hư mà không cần đến tác động xã hội; nhưng đứa con được yêu thương và tôn trọng thì sẽ đủ tự tin mà không bị tác động bởi xã hội.

Vấn đề không phải đánh hay không, mà là giáo dục thế nào

PV: Nhiều cha mẹ khẳng định, họ cũng bị đánh, mắng trong suốt những năm tháng tuổi thơ nhưng vẫn lớn lên bình thường và trở thành người tốt. Nên đánh con cũng là một cách dạy? 

Chuyên gia Lê Khanh: Điều quan trọng ở đây không phải là đánh hay không đánh mà là cách nhìn nhận bản chất của vấn đề. Chúng ta cần nghiêm khắc trong việc dạy con, và điều này không có nghĩa là phải dùng đến roi, hay chửi bới, nhục mạ, mà là thái độ kiên quyết trong các biện pháp kỷ luật không bạo lực.

Ngoài ra, việc đánh con một, hai roi, nếu đúng cách thì vẫn có những giá trị nhất định. Nhưng đó chỉ có thể là một trong những biện pháp kỷ luật và phải được vận dụng phù hợp, chứ không phải lúc nào cũng dựa vào cái roi. 

Khi đứng trước một hành vi sai trái của con, tùy theo vấn đề mà sẽ có những biện pháp kỷ luật khác nhau từ nặng đến nhẹ. Điều quan trọng là mức độ nặng nhẹ này tùy vào tính cách và nhu cầu của trẻ, chứ không phải tùy vào cảm xúc của bố mẹ.

Nếu vui vẻ thì xử nhẹ còn cáu giận thì xử nặng, cảm thấy mất mặt với mọi người thì “ra tay” không thương tiếc, đó là chúng ta “xử” đứa trẻ theo nhu cầu của chính mình, chứ không phải là dạy bảo đứa trẻ.

Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ - Ảnh 4.

Chiếc gậy gỗ mà dì ghẻ dùng để đánh bé V.A.

PV: Vậy thì phải làm sao để có thể dạy trẻ ngoan nếu không sử dụng đòn roi, thưa ông?

Chuyên gia Lê Khanh: Đi học một vài khóa “Kỷ luật không nước mắt” chăng? Không hẳn. Việc “học nghề làm cha mẹ” là điều cần thiết, nhưng ta có thể học ở nhiều nguồn khác nhau, mà nguồn tốt nhất chính là sự làm gương và khả năng tự học.

Điều đầu tiên trong việc dạy con, chính là việc phải hiểu con, hiểu về tính cách, năng lực, nhu cầu và sở thích của con. Điều thứ hai là cần tôn trọng sự khác biệt, đừng suy nghĩ con tôi phải giống tính tôi để rồi ép con vào khuôn khổ bằng sự áp đặt và chiều chuộng, thậm chí là mua chuộc. Điều thứ ba là phải biết cách chọn cho con môi trường giáo dục phù hợp. 

Sự rõ ràng, nghiêm khắc và yêu thương, tôn trọng sự khác biệt để giúp trẻ rút ra những bài học cho chính mình là điều cần thiết cho sự phát triển. Điều này thì đòn roi hay những biện pháp trừng phạt không bao giờ có thể đem lại cho đứa trẻ. Chỉ có sự làm gương cùng những biện pháp giáo dục phù hợp mới có thể giúp cho trẻ trở nên những con người trưởng thành một cách lành mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang