Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin về ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh từ Phòng Xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế).
Theo đó, bệnh nhân là ông N.Q.T (ở thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ), là lao động tự do tại địa phương, không có yếu tố dịch tễ liên quan các ổ dịch có ca bệnh bạch hầu ở Bắc giang và Nghệ An.
Kết quả xác minh thể hiện, ngày 8/7, ông N.Q.T bị sốt 39 độ C, rát họng, mệt mỏi, ăn kém, tự dùng thuốc tại nhà nhưng không cắt sốt. Ngày 10/7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ, được đưa vào Khoa truyền nhiễm.
Sau khi khám, bệnh nhân vẫn có triệu chứng sốt, rát họng, amydal có giả mạc trắng ngà, chảy máu khi bóc, không ho...
Qua xác minh dịch tễ cho thấy, bệnh nhân chưa tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu. Người thân bệnh nhân không có triệu chứng nghi ngờ, không tới các ổ dịch liên quan.
Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy, ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu có kết quả âm tính.
Dù ca bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính, song CDC Hải Dương khuyến cáo, người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh bạch hầu. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch.
Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng. Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.