Khẩu trang mùa dịch Covid-19: Chỉ cần làm "điều nhỏ" sẽ có ý nghĩa lớn với nhân viên y tế

Đó là lời kêu gọi của rất nhiều người về việc người dân trong tình huống không cần thiết có thể dùng khẩu trang vải thông thường còn khẩu trang y tế ưu tiên cho nhân viên y tế.

Cần tiết kiệm khẩu trang y tế

Khi dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán với số ca mắc, ca tử vong tăng lên hàng ngày, người dân đổ xô mua khẩu trang y tế phòng bệnh vì được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế phòng được bệnh. Điều này đã khiến tình trạng khẩu trang y tế tăng giá phi mã, nguồn hàng ngày càng khan hiếm.

Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng không có khẩu trang y tế dùng cho nhân viên. Nhân viên bệnh viện phải sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn vì không mua được khẩu trang y tế.

GS Nguyễn Gia Bình – Nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhân viên y tế rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang thì rất nguy hiểm vì nguy cơ lây chéo mọi loại bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện lúc nào cũng cao không riêng gì với dịch Covid-19.

Khẩu trang mùa dịch Covid-19: Chỉ cần làm điều nhỏ sẽ có ý nghĩa lớn với nhân viên y tế - Ảnh 1.

Các bác sĩ làm việc trong bệnh viện nhưng cũng chỉ được cấp khẩu trang kháng khuẩn bằng vải và tự giặt.

GS Bình khuyến cáo người dân nếu không đi vào các khu vực như bệnh viện, khu đông người, nơi có nguy cơ cao như sân bay thì có thể dùng khẩu trang vải thông thường thay vì khẩu trang y tế.

Về nguyên tắc lây nhiễm Covid-19 là các virur Sars-CoV-2 lây qua các giọt bắn chứa protein. Những giọt bắn này từ người mang virus phát ra qua ho, hắt hơi hoặc nói quá to. Nếu đeo khẩu trang vải cũng có thể ngăn được giọt bắn tiếp xúc với chính mình. Vì thế, những người không đi lại ở khu vực nguy hiểm thì dùng khẩu trang vải là đủ phòng bệnh.

Nhiều nhân viên y tế ở Hà Nội tâm sự với GS Bình họ không còn khẩu trang y tế để dùng mà phải tự mua hoặc chờ được tặng nhưng cũng chỉ dùng tiết kiệm ngày 1 cái. Khẩu trang khuyến cáo dùng 1 lần còn họ phải học cách tháo khẩu trang an toàn để tái sử dụng. Một số người được bệnh viện cấp cho 5 khẩu trang vải kháng khuẩn và phải tự giặt.

Việc người dân mua ào ạt khẩu trang N95 trong thời gian qua cũng có thể làm giảm khả năng cung cấp cho các bệnh viện và dẫn đến khả năng có thể không đủ N95 khi bệnh nhân tiếp tục tăng lên, mà dịch thì còn diễn biến phức tạp.

Bảo vệ nhân viên y tế

Theo bác sĩ Trần Ánh Dương – Bệnh viện Việt Nam Cu Ba, Đồng Hới, Quảng Bình, trong tình hình dịch bệnh trên toàn cầu như hiện nay, nhân viên y tế được xem là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia. Do vậy, họ là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu.

Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy hơn 3.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19 và ít nhất 22 người đã chết.

Khẩu trang mùa dịch Covid-19: Chỉ cần làm điều nhỏ sẽ có ý nghĩa lớn với nhân viên y tế - Ảnh 2.

Bác sĩ Dương cho rằng nên bảo vệ nhân viên y tế từ việc nhỏ nhất đó là ưu tiên nguồn cung khẩu trang y tế cho họ.

Italy có 20% nhân viên y tế nhiễm bệnh và có nhiều bác sĩ đã chết. Họ kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần. Họ bị dằn vặt về lương tâm khi đưa ra các quyết định trong những tình huống khó khăn như sẽ cứu ai, ai sẽ chết vì thiếu thiết bị y tế. Ngoài ra, họ rất đau đớn khi đồng nghiệp ra đi trong tay mình.

Làm việc trong môi trường thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (personal protective equipment -PPE) dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Ở mọi quốc gia, khi dịch bệnh xảy ra, nhân viên y tế được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận với PPE. Vì nếu, nhân viên y tế nhiễm bệnh thì sẽ dẫn đến thiếu nhân lực y tế điều trị cho người bệnh.

"Nhân viên y tế, không giống như máy thở hoạt động liên tục 24/24h mà không ngơi nghỉ. Máy móc thiết bị y tế thiếu thì có thể sản xuất lấp đầy trong vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng thời gian để đào tạo ra một bác sĩ lành nghề lên đến 10 năm" - bác sĩ Dương nhấn mạnh. 

Hiện nay ở nước ta, rất nhiều bệnh viện đang xảy ra tình trạng thiếu PPE cho các nhân viên y tế tuyến đầu, đặc biệt là khẩu trang y tế. Nhiều nơi, nhân viên y tế chỉ được dùng khẩu trang vải để cấp cứu và khám bệnh hàng ngày. Nhiều bệnh viện đặt hàng cho các công ty sản xuất khẩu trang y tế trong nước với giá cao hơn bình thường nhưng vẫn không có. 

Trong mấy ngày qua, đã có 2 nữ điều dưỡng thuộc Trung tâm Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai đã nhiễm Covid-19. Một nam bác sĩ 29 tuổi, thuộc khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã nhiễm bệnh. Là một bác sĩ, anh Dương khẳng định "chúng tôi đang rất cần khẩu trang y tế".

Link bài gốc

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang