Khi con có dấu hiệu nghĩ tiêu cực về cuộc sống, hãy làm những điều này để không ân hận khi quá muộn

Nhiều học sinh tự tử vì áp lực học hành hay gặp khúc mắc ở học đường xảy ra gần đây khiến bố mẹ cần lưu tâm để tránh xảy ra hậu quả đau lòng.

Về mặt tâm lý, mỗi người có ngưỡng cảm xúc khác nhau, sức chịu đựng trước biến cố tiêu cực cũng khác nhau, tùy mức độ, tính chất của khủng hoảng; đặc điểm nhân cách của mỗi người mà họ có phản ứng về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi đối với khủng hoảng khác nhau.

Trong đó, khủng hoảng giá trị sống hiện nay dễ làm nhiều người trẻ bối rối đến buông xuôi, vô vọng. Thêm vào đó, các em đang độ tuổi teen, khủng hoảng dậy thì, cảm xúc rất bất ổn. Các em nhạy cảm, dễ bị tổn thương, niềm tin chưa vững chắc, lại liên tục bị lung lay bởi cách sống và đối đãi của người lớn. Mỗi trường hợp tự tử mà chúng ta biết, chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, mà phần chìm bên dưới - là một câu chuyện khác, mới là nguyên nhân căn cốt dẫn tới việc tự tử. 
 
Thực trạng xã hội phức tạp, thiếu sân chơi lành mạnh, các em lại thiếu người dẫn dắt, không được hiểu, tôn trọng và cảm thông, chăm sóc, từ nhà trường gia đình, dẫn đến các em thiếu kỹ năng sống và giải quyết vấn đề. 

Con người luôn rơi vào tình trạng dễ tổn thương khi đối mặt với biến cố. Sự tổn thương ở họ xuất phát từ nhiều yếu tố (1) là người hứng chịu những tác động trực tiếp của những sự kiện gây khủng hoảng, (2) thiếu sự hỗ trợ hiệu quả, (3) có tiền sử chịu đựng những sang chấn hay rối loạn cảm xúc, sức khỏe thể chất cũng ảnh hưởng đến tình trạng của họ (mất ngủ, bệnh cơ thể…). 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, số người chết do tự tử khoảng 1 triệu người, số muốn tự tử nhưng không thành khoảng 10-20 triệu người. Nhóm người dễ tự tử là những người trẻ: nhóm trẻ vị thành niên và nhóm tuổi dưới 35. 

Vì đâu tìm tới cái chết?

Trầm cảm là tình trạng quan trọng nhất ảnh hưởng đến 2/3 các trường hợp tự tử. Trong khi đó, hiện nay có quá nhiều người sống trong sự bất an, rối loạn, căng thẳng tinh thần, nhưng họ vẫn cứ chịu đựng sống như vậy, ủ bệnh, cho đến khi rơi vào trầm cảm mà không hề biết. 

Họ có thể là những người có vấn đề về tâm thần (hoang tưởng về một lỗi lầm không có thực nào đó), hoặc thuộc lứa tuổi vị thành niên với những kỹ năng sống chưa vững vàng, dễ vấp ngã do thiếu kinh nghiệm và tự ti về bản thân trong các mối quan hệ bạn bè.


Tự tử là sự trốn chạy của các cá nhân để giải quyết khủng hoảng, giúp họ thoát khỏi một tình huống mà họ coi là không thể đương đầu, sự tuyệt vọng, trạng thái tinh thần suy sụp, mất hy vọng vào hiện tại, không niềm tin vào tương lai, không tìm được sự giúp đỡ từ người khác, không có nguồn lực nâng đỡ tinh thần. 

Những người muốn tự tử “mắc kẹt” trong những mâu thuẫn, xung đột nội tâm, những thất bại to lớn, đánh mất những điều có ý nghĩa trong đời sống tình cảm, sự tan vỡ, mất mát các mối quan hệ thân thiết. Họ tự trừng phạt bản thân, một mặc cảm tội lỗi, cho rằng chỉ có cái chết mới đủ chuộc lại sai lầm của mình... Tất cả đều có thể là nguyên nhân cho nhiều cuộc tự tử. 

Trong một xã hội mà sự nhận thức về việc chăm sóc tinh thần chưa được coi trọng, các trung tâm chăm sóc tinh thần vẫn là địa chỉ xa lạ với nhiều người, xã hội không có những dự án về phát triển hệ thống mạng lưới hỗ trợ tâm lý và chăm sóc tinh thần cho con người, thì tình trạng tự tử sẽ còn gia tăng. 

Làm gì khi thấy người thân có dấu hiệu muốn tự tử

Tự tử có nguyên nhân kết hợp giữa các vấn đề sinh lý, xã hội và tâm lý con người. Chúng chi phối, tương tác lẫn nhau, khó thể phân tách xuất phát từ những ảnh hưởng duy nhất nào. Các nhà nghiên cứu đã xem xét hành vi ấy trên cả ba mặt tác động, nhằm chỉ ra những nguy cơ hay yếu tố bảo vệ một người trước quyết định thực hiện hành vi tự tử.

Người có ý định tự tử thường do cảm xúc tiêu cực chi phối quá mạnh đến mức họ bị khủng hoảng tinh thần, mất hết lý trí. Những bế tắc và tuyệt vọng, sự trầm cảm làm cho họ luẩn quẩn trong nỗi đau của mình, cho nên nếu tự tử không thành, vấn đề của họ vẫn chưa được giải quyết, họ sẽ lên kế hoạch cho lần tự tử kế tiếp.

Nên làm gì khi người thân muốn tự tử? - 3


Vì vậy, khi phát hiện và cứu sống một người tự tử, không có nghĩa người đó đã thoát chết. Vấn đề chỉ được giải quyết khi họ được trợ giúp, cứu chữa về mặt tâm lý, giúp thay đổi nhận thức tích cực, chỉnh sửa cảm xúc sao cho họ tự nhận ra hành vi tự tử là sai lầm, dại dột, chẳng ý nghĩa gì, giúp họ biết giá trị của bản thân, biết yêu quý chính mình, xây dựng lại niềm tin và thái độ sống tích cực. 

Khi thấy người thân có những biểu hiện lạ hoặc nói những câu như “tôi muốn chết”, “thà chết còn hơn”, chúng ta phải nghĩ đó là lời nói thật, do quá bức xúc nên họ thốt ra. Họ cần được người xung quanh chú ý, yêu thương, được quan tâm, chia sẻ lắng nghe. Chúng ta phải dành thời gian ở bên họ, để hiểu xem cảm xúc họ tiêu cực đến mức nào, họ bị mắc kẹt vào việc gì, cần chúng ta điều gì, hoặc đưa họ đến những nhà tâm lý trị liệu hoặc bác sỹ tâm thần kinh.

Dấu hiệu của người muốn tự tử

Người muốn tự tử thường hay bị kích động trong các hành vi ứng xử, mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Họ nói về cái chết, nghĩ đến những cách thức tự tử, lập kế hoạch tự tử. Mỗi lần có chuyện gì chạm đến nỗi buồn đau, họ thường nói những lời như trăn trối, họ hay viết thư tuyệt mệnh, có những hành vi lạ lùng, những câu nói khó hiểu, vô nghĩa (nhưng có nghĩa đối với riêng họ), như “thà chết còn hơn”, “chết còn sướng hơn”, “chết là giải thoát”… 

Họ cũng thường cười vu vơ không có nguyên do, khóc dễ dàng hoặc câm lặng, co mình lại, né tránh đám đông để gặm nhấm nỗi cô đơn bế tắc. 

Biểu hiện về mặt cơ thể: cơ bắp bị run hoặc co giật, ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, tim đập nhanh, không tập trung, mất trí nhớ, suy nhược cơ thể

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang