Khi con mắc lỗi nhưng lại khóc lóc, ăn vạ, mẹ sử dụng cách này, bé sẽ nhận lỗi ngay lập tức

Khi con mắc lỗi mà không chịu nhận lỗi lại còn khóc lóc và ăn vạ thì hẳn mẹ nào cũng sẽ cảm thấy vô cùng bực mình. Phải giải quyết ra sao trong trường hợp này để con chịu nhận lỗi và bỏ thói ăn vạ?

Trẻ ăn vạ và khóc lâu là một trong những vấn đề luôn khiến các mẹ bỉm sữa phải đau đầu. Không ít người vì quá bực bội mà thiếu kiềm chế nên đã quát nạt con nặng lời, thậm chí là dùng đến đòn roi. Điều đó có thể làm tổn thương sâu sắc tâm hồn của trẻ.

Phải làm sao khi con ăn vạ, khóc lâu?

Phần lớn những đứa trẻ đều có tính ăn vạ, khi trẻ muốn một điều gì đó mà không được đáp ứng, hoặc khi trẻ cảm thấy không hài lòng, vừa ý con sẽ chọn cách gào khóc thật to, nhiều trẻ còn thể hiện bằng cách lăn ra đất để buộc người lớn phải dỗ dành hoặc tuân theo ý của con. Rất nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, ban đầu khi bé mới dở thói ăn vạ, bố mẹ đã nói nhẹ nhàng nhưng con càng gào khóc lớn hơn, kết quả là bố mẹ không thể tiếp tục kiên nhẫn và trở nên mất bình tĩnh, có thể quát mắng hoặc ra tay đánh con.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ gào khóc và ăn vạ là một hành động để thu hút sự chú ý của người khác tới mình và buộc mọi người phải tuân theo ý của mình. Nếu ngay lúc đó bạn ra sức dỗ dành hoặc đáp ứng yêu cầu của trẻ, con sẽ nhận thức rằng người lớn sợ mình và chỉ cần mình khóc chắc chắn sẽ được đáp ứng. Chính điều này sẽ dẫn tới việc con hơi một chút là lăn ra ăn vạ, càng ngày càng trở nên bướng bỉnh, không nghe lời bất cứ ai.

Cách tốt nhất để xử lý khi trẻ ăn vạ đó là hãy lờ đi, không nhìn vào mắt con và không nói năng gì cả. Nếu tất cả mọi người xung quanh đều như vậy, trẻ sẽ tự nhận thấy rằng việc ăn vạ của mình không có ý nghĩa và tác dụng gì cả nên con sẽ tự động ngưng khóc. Cách này hiệu quả với tất cả các bé dù ở độ tuổi nào.

Điều quan trọng là bạn cần thống nhất cách xử lý với tất cả mọi người trong nhà, bởi chỉ cần 1 người tỏ ra quan tâm, bênh vực, dỗ dành hay quát mắng con sẽ lập tức biết rằng “chiêu” ăn vạ của mình đang được chú ý và sẽ ra sức khóc.

Nếu bạn không thể thống nhất cách xử lý với người nhà thì có một giải pháp khác, hãy bế con vào một phòng kín, đóng cửa lại và nhẹ nhàng nói với con một câu chuyện khác. Nếu con vẫn cố tình khóc, bạn hãy lờ đi, không nhìn vào mắt con cho đến khi nào bé ngừng hẳn. Sau đó, hãy tiếp tục nói chuyện với con, nhưng không nói về vấn đề khiến con ăn vạ.

Sau khi con đã bình tĩnh trở lại và không còn khóc lóc, ăn vạ nữa bố mẹ cũng không nên phạt con ngay lúc đó. Bởi kỷ luật vào lúc này có thể khiến con khóc lóc trở lại và cảm thấy bị tổn thương. Hãy kéo sự chú ý của con vào một câu chuyện hoặc một trò chơi khác để con cảm thấy thoải mái hơn.

Xử lý thế nào nếu con làm sai nhưng quyết không nhận lỗi?

Trẻ nhỏ thường rất bướng bỉnh và không bao giờ muốn nhận lỗi về mình. Hoặc đôi khi bản thân trẻ không hề nghĩ rằng hành động đó là sai, vì thế con sẽ không nhận lỗi. Trong trường hợp này mẹ sẽ xử lý theo hai hướng.

Nếu con đã biết viết, mẹ hãy đưa cho con một tờ giấy và một chiếc bút, đề nghị con viết xem người khác đã sai ở đâu. Khi có mâu thuẫn xảy ra, trẻ rất muốn chỉ ra là người khác sai chứ không phải mình. Bạn hãy giúp con thỏa mãn điều đó. Sau khi con đã viết xong, bố mẹ ghi nhận những điều mà bé chỉ ra. Sau đó, bạn hãy bảo con ghi tiếp những lỗi sai của mình ra. Nếu con chịu viết nghĩa là mọi chuyện đã ổn. Trong trường hợp con kiên quyết không viết, bố mẹ hãy phân tích cho con: “Vấn đề gì cũng vậy, nếu chỉ có 1 người thì không thể gây ra chuyện, bao giờ cũng phải xuất phát từ hai người. Người khác sai, nhưng con cũng có lỗi của mình. Con thử nghĩ lại xem lỗi của mình là gì nào?”

Sau khi con nhận lỗi thì bố mẹ hãy khen con, tuyệt đối không trách mắng trẻ. Bạn có thể nói rằng “Bố mẹ rất vui và tự hào vì con đã dũng cảm nhận ra lỗi của mình. Chỉ có những em bé ngoan thì mới biết tự nhận lỗi.”

Nếu con chưa biết viết thì bố mẹ xử lý bằng cách trò chuyện cùng con, cố gắng nói chuyện một cách thật nhẹ nhàng và phân tích từ từ để con hiểu. Trước hết hãy để bé nói ra nguyên nhân hoặc chỉ ra lỗi của người khác. Chẳng hạn nếu con đánh em vì bị em giành đồ chơi thì con sẽ không nhận mình sai, mà nói rằng tại em trước. Bạn hãy thể hiện sự đồng tình rằng “Em giật đồ chơi của con là em sai rồi. Nhưng con đánh em thì con có sai không?”. Nếu con nói là mình sai thì bố mẹ hãy khen ngợi con vì đã biết nhận lỗi.

Thay vì dùng đòn roi hay quát nạt mỗi khi con mắc lỗi, hãy để con tự nhận ra lỗi lầm của mình, như vậy bé sẽ nghe lời và ít tái phạm hơn. Trong trường hợp con mắc lỗi quá lớn, thì bố mẹ vẫn áp dụng hình phạt phù hợp, nhưng vẫn cần để con nhận ra lỗi của mình rồi mới phạt. Tuyệt đối không phạt con vì tội không chịu nhận lỗi.

TH

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang