“ĐẬU BẮP – Sản xuất tại Congo
- Thành phần: 50% Việt nam, 50% Pháp
- Giặt tay ở nhiệt độ 37 độ C
- Sở thích: Đọc sách.
- Mơ ước trở thành một nhà khoa học dốt toán hay một nhà văn lắm tiền như cô J.K Rowling, mẹ đẻ của Harry Potter
- Bài hát ưa thích: Biến đi cho khuất mắt của Ray Charles
- Châm ngôn: Bọn em trai chỉ dễ thương lúc còn đóng bỉm. Thằng Pho Mát kể từ khi biết nói là một thằng khùng, tính nết trập trùng...”
Bé Dưa, học lớp 4 ở Hà Nội và ưa thích việc đọc sách oang oang, dính hết từ vào nhau khi phấn khích, không hề biết mình đang là một trong số những độc giả nhí đầu tiên được đọc cuốn sách Pho mát, Đậu bắp làm trẻ em ở Thụy Sĩ vừa mới ra lò.
Và mặc dù Nhà xuất bản Trẻ ghi trên bìa, cạnh tên sách, dòng thể loại: “Tản văn”, nhưng Pho mát, Đậu bắp làm trẻ em ở Thụy Sĩ của Quỳnh Lê, thực sự còn hơn thế! Nó gần với một cuốn truyện, có nhân vật, có cốt truyện với cách kể chuyện có duyên, ẩn nụ cười hóm hỉnh, hài hước, mang phong vị như những câu chuyện trong “Nhóc Nicolas” của Goscinny &Sempé (qua bản dịch cũ rất tinh tế của Tú Châu do NXB Kim Đồng phát hành.)
Đây là câu chuyện thật của một bà mẹ kể lại về các con mình, đang sinh sống ở một thành phố Thụy Sỹ, thông qua lăng kính của trẻ con, nên như chính tác giả Quỳnh Lê cho biết:“Tôi đã chọn một lối hành văn đơn giản, dễ hiểu và ngộ nghĩnh để các bạn nhỏ có thể tìm thấy những giây phút thư giãn, niềm vui cũng như sự đồng cảm trong những câu chuyện đó.”
Quỳnh Lê hiện đang sống tại Thụy Sĩ.
Quỳnh Lê, từng là một phóng viên chuyên viết quốc tế của Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi làm cho văn phòng AFP tại Hà Nội, hiện là dịch giả tự do, có một gia đình đa quốc tịch và sinh sống ở nước ngoài. Ngoài việc biên dịch, chị đã viết truyện thiếu nhi San San chân to đi dép xốp và tiểu thuyết Kinshasa, không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ, đều do NXB Trẻ ấn hành.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý, người biên tập bản thảo Pho mát, Đậu bắp làm trẻ em ở Thụy Sĩ cho biết: “Cách đây vài năm Quỳnh Lê có gửi cho tôi một bản thảo tên là San san chân to đi dép xốp, và Kinshasa, không niềm hân hoan dưới mặt trởi rực rỡ. Tôi rất chú ý đến khía cạnh thời ấu thơ của nhân vật trong đó. Quỳnh cũng rất dồi dào tiềm năng khi viết về những kỷ niệm tuổi nhỏ, nhất là quan sát cái ánh sáng trong trẻo của thế giới thiện lương trong con người khi còn nhỏ. Tôi có nói với Quỳnh là Quỳnh nên viết cái gì đó theo một vệt của các bạn nhỏ. Tôi cũng đã gặp hai bạn nhỏ nhà Quỳnh, thấy không khí mấy gia đình mấy mẹ con rất đáng yêu, nhiều chuyện hay. Và kinh nghiệm nuôi dạy con ở một đất nước như Thụy Sỹ cũng rất đáng để tìm hiểu Tôi gợi ý như vậy. Nhưng cái chính vẫn ở Quỳnh. Quỳnh có mong muốn kể lại một câu chuyện của chính gia đình mình, về các con mình ở một nền văn hóa mà mình là người nhập cư… Nhất là ở Việt Nam bây giờ việc dạy con là mối bận tâm của mọi nhà…"
Quỳnh Lê cùng với mẹ và Đậu Bắp, Pho Mát
Quỳnh Lê vẫn luôn cho rằng chị là một trong số những bà mẹ may mắn khi có điều kiện dành phần lớn thời gian của mình cho con cái lúc các cháu còn nhỏ: “Trẻ con như chị biết đấy, rất giỏi trong việc truyền cảm hứng cho người khác. Nếu như tôi viết San San chân to đi xốp là để kể cho các con về tuổi thơ của chính mình trong phố cổ Hà nội thời bao cấp thì Pho mát và Đậu bắp là những câu chuyện nhỏ về cuộc sống thường nhật, về môi trường văn hoá và giáo dục của trẻ em ở Thuỵ sỹ ở thời điểm hiện tại. Mỗi ngày, tôi luôn học được những điều bất ngờ từ lũ trẻ.”
Đậu Bắp là một mọt sách chính hiệu, qua nét vẽ minh họa của Xuân Lan.
Nhưng Đậu Bắp (bên trái) và bạn cũng tự làm bánh, tự cùng nhau xin phép siêu thị mang bánh ra bán trước cửa siêu thị với một cái bảng ghi rõ: "Xin mọi người mua bánh ủng hộ học sinh nghèo ở Senegal và Việt Nam", thu được gần 10 triệu tiền Việt để gửi về hai Quỹ từ thiện của hai nước.
Đây vốn không phải là một cuốn sách về giáo dục hay cách nuôi dạy một đứa trẻ thiên tài, mà là câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của những bạn nhỏ rất đỗi bình thường ở Thuỵ sỹ, mà như nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Cuốn sách này vừa cho các bạn nhỏ đọc được, và ngay cả các phụ huynh cũng sẽ thấy là một nguồn tham khảo thú vị. Không phải kiểu nuôi dạy con sao cho tốt hay các gạch đầu dòng ăn gì làm gì chi tiêu bao nhiêu…không khoe kiến thức, cũng không kịch tính hóa những vấn đề xung đột mà thuần túy là những câu chuyện đời thường, những trải nghiệm rất thật.
Và làm cho trẻ em cũng hiểu được qua những tình tiết rất đơn giản, mà vẫn đầy chất thơ, của một người có vốn văn hóa đa dạng, từ Việt Nam kết hôn với một người Pháp, trải nghiệm nhiều lối sống khác nhau từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu. Nó vừa rất toàn cầu, nhưng cũng rất đặc trưng Việt Nam.”
Đậu Bắp và Pho mát.
Pho mát, Đậu bắp làm trẻ em ở Thụy Sĩ cho thấy vốn tiếng Việt phong phú, tinh trong cách dùng từ, mà vẫn cùng nhịp với ngôn ngữ tuổi teen, của tác giả.
Trong những câu chuyện tinh nghịch Quỳnh Lê kể lại, Pho Mát và Đậu Bắp hiện ta là hai bạn nhỏ ham chơi, thích lý luận với bố mẹ, ở trường không phải lúc nào cũng gương mẫu, thỉnh thoảng cũng làm những trò dại dột. “Trong khi người ta đi thi The Voice hay Thần tượng âm nhạc gì đó thì đỉnh cao của Đậu Bắp và Pho Mát là vào vai con chuột và con cừu trong một dàn hợp ca nói tiếng người”!!! Nhưng trong môi trường giáo dục đặc thù của Thuỵ Sỹ, đó chính là những dấu hiệu tốt.
“Tôi hy vọng những câu chuyện nhẹ nhàng và ngộ nghĩnh trong cuốn sách này sẽ mang lại những phút giây thư giãn cho các bạn nhỏ. Và có lẽ, nhiều phụ huynh cũng sẽ chia sẻ quan điểm này của tôi, rằng phải chăng cách giáo dục tốt nhất để có một đứa trẻ thông minh và hạnh phúc chính là hãy để con lớn lên như một đứa trẻ bình thường không bị chi phối bởi áp lực điểm số, thành kiến của xã hội hay những tham vọng của chính chúng ta.” – Quỳnh Lê nói.
Cuốn sách còn ghi điểm với những hình minh họa thú vị của Xuân Lan, khi nữ họa sĩ trẻ hiểu và đồng cảm được tinh thần hài hước, “cái ánh sáng trong trẻo của thế giới thiện lương” tuổi nhỏ của cả tác giả và người biên tập sách.
Còn độc giả nhí Dưa, khi đọc một lèo Pho mát, Đậu bắp làm trẻ con ở Thụy Sĩ, thích thú ngắm đi xoay lại những trang minh họa, lại như hiểu ngay khái niệm vô cùng ngộ nghĩnh về “những đứa trẻ của các cuộc hôn nhân gập bản đồ”.
Thế nào là “những cuộc hôn nhân gập bản đồ”? Gặp gỡ Pho Mát và Đậu Bắp là sẽ hiểu liền thôi!
Theo vovworld.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.