Ảnh minh họa
Đằng sau việc trẻ sợ bị điểm kém
Vụ việc gây rúng động dư luận gần đây là vụ thầy giáo NĐL xâm hại hàng loạt học sinh tiểu học ở Hà Nội suốt một thời gian dài. Gã thầy giáo đó đã đe dọa các em nếu nói ra sẽ bị cho điểm kém, bị trượt môn Toán, bị đúp lại lớp. Liệu điểm kém, có phải là nỗi ám ảnh đủ lớn để bắt những đứa trẻ chịu đựng nỗi ám ảnh này hay đằng sau đó còn có những nguyên nhân sâu xa hơn?
Khi Cao Mạnh Hùng bị bắt trong vụ án ấu dâm, một số em bé khác ở trong cùng khu dân cư của hắn mới thú nhận với bố mẹ là "con cũng bị". Khi được hỏi lý do, các em đều đáp rằng vì sợ bị bố mẹ mắng, sợ bị bố mẹ đánh. Thay vì tin tưởng được bảo vệ thì các em lại sợ bị trừng phạt trong khi các em chính là nạn nhân. Như vậy thì, nỗi sợ bị điểm kém chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều nỗi sợ mà trẻ gặp phải. Bình thường, các phụ huynh vẫn thường kì vọng vào kết quả học tập mà so sánh trẻ với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Bố mẹ cho rằng học kém là xấu, là hư, nếu học kém thì sẽ bị phạt và không được bố mẹ yêu thương. Việc học ở trường cũng đang có quá nhiều áp lực bởi những hình phạt như chép phạt, bị viết bản kiểm điểm, bêu trước lớp hoặc trước toàn trường khiến cho trẻ vô cùng xấu hổ. Quá nhiều áp lực đang phủ bóng lên tuổi thơ của trẻ khiến trẻ sợ hãi cả cha mẹ lẫn thầy cô, dẫn đến việc trẻ không dám lên tiếng.
Hơn nữa, trẻ cũng chưa nhận thức được đúng đắn về giá trị của bản thân dẫn đến việc trẻ mặc cảm, xấu hổ khi bị xâm hại. Hãy thử tưởng tượng về việc một bé gái mách với người lớn về việc bị một bé trai chòng ghẹo, vuốt má hay có những lời lẽ bông đùa. Thường thì người lớn hiếm khi phản ứng bằng nỗi tức giận mà trêu đùa lại chính em bé gái đó bằng cách ghép đôi, khiến bé càng thêm xấu hổ và không dám lên tiếng nếu có ai có hành vi tương tự. Khi bị người khác giới chòng ghẹo, các em gái bên cạnh việc phẫn nộ thì lại thường tự dằn vặt bản thân, tự đổ lỗi cho chính mình đã làm gì đó sai trái hay cư xử không đúng mực khiến mình bị quấy rối.
Khi nhận định về nạn xâm hại tình dục ngày càng gia tăng nhưng ít vụ việc được đưa ra ánh sáng, các chuyên gia đã chỉ ra các nguyên nhân như sau:
Do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và còn quá cứng nhắc. Trong khi, các tổ chức xã hội chưa nhìn nhận nghiêm túc về kỹ năng sống, về tình tục, giáo dục giới tính…; cơ quan chức năng vô tình, không vào cuộc quyết liệt.
Khi trẻ bị xâm hại, các em thông báo cho người xung quanh rằng bị xâm hại nhưng thường người lớn không tin, khiến cho các em bị đơn độc, giữ kín sự việc trong thời gian dài, thậm chí nhiều trẻ sẽ giữ im lặng suốt đời.
Trẻ thiếu kiến thức về quyền trẻ em
TS Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Mọi người đều biết việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm với nạn nhân, nhưng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các con, làm cho con được ổn định. Nhiều phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Điều này làm cho trẻ bị di chấn tâm lý nhiều hơn. Tôi thấy, phụ huynh đang bất an nhiều quá”. TS Thúy lấy ví dụ, trường hợp đau lòng bé gái ở Cà Mau tự vẫn sau khi bị hàng xóm xâm hại tình dục cho thấy sự bế tắc của các nạn nhân.
Theo nhà văn Hàn Băng Vũ thì, trên thực tế cha mẹ hay thầy cô không thể bảo vệ các con suốt 24 giờ. Người duy nhất có thể bảo vệ được trẻ là chính bản thân các em. Do vậy, điểm mấu chốt vẫn chính là các em bị hổng về kiến thức giới tính, về quyền trẻ em và thiếu những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Hiện nay, giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình dường như không dạy cho các em những kiến thức và kỹ năng này. Đó là lý do khi sự việc bị xâm hại xảy ra, nhiều em thậm chí còn không biết mình bị xâm hại, không biết hành vi đó luật pháp nghiêm cấm, là hành vi có thể bị pháp luật xử tù. Các em cũng không biết rằng, mình được luật pháp, được người lớn bảo vệ trong mọi trường hợp khi bị xâm hại. Chính vì không nhận thức rõ điều này, nên khi bị người khác xâm hại, lạm dụng… thay vì “tố giác” hành vi xấu của kẻ xâm hại thì trẻ lại thường đổ lỗi cho chính mình. Cha mẹ cũng đừng nên quá để ý đến kết quả học tập của con, mà hãy để ý nhiều hơn đến tâm sinh lý của con, gần gũi với con hơn, đừng khiến trẻ lo sợ khi mắc lỗi. Bởi trẻ càng im lặng, dù là trong bất cứ vấn đề gì trẻ gặp phải, thì dễ gây nên nhiều tổn thương bản thân trẻ phải chịu đựng.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.