Khó nghĩ: Con mình đẻ ra, nhưng bà nội lại muốn độc chiếm làm "của riêng"

Ban đầu được bà nội đỡ đần, nhận chăm lo mọi việc cho cháu để mẹ yên tâm, thoải mái đi làm tôi cũng lấy làm mừng lắm. Mấy ai có được mẹ chồng tâm lý và chiều con dâu như vậy. Thế nhưng càng lúc tôi càng thấy sợ hãi bởi tôi cảm nhận rõ, bà dường như muốn độc chiếm con tôi làm của riêng.

Mẹ chồng tôi là một phụ nữ tảo tần, rất mực chăm con. Bà chỉ có một người con duy nhất chính là chồng tôi. Thế nên khi con trai lấy vợ, tôi thấy bà dường như mất mát lắm. Có lẽ vì thế nên dù tôi đã về làm dâu con trong nhà, nhưng bà đối với tôi vẫn vô cùng khách sáo. Bà không bắt tôi làm bất cứ việc gì, ngay đến quần áo của chồng tôi bà cũng tranh giặt. Phải đến khi tôi sinh được cu Tít thì bà nội mới như được bù đắp nỗi buồn “mất con trai”. Từ lúc tôi mang bầu, quan hệ giữa hai mẹ con tốt hẳn lên, bà không còn lạnh nhạt, thờ ơ với tôi như lúc trước nữa.

Ngày cu Tít ra đời, bà nội mừng đến rơi cả nước mắt. Bà bảo thương tôi mới sinh xong vất vả, đau đớn nên mọi việc nặng nhọc bà đảm đương hết, từ bế cháu, thay tã bỉm, rồi thức đêm pha sữa cho cháu ăn. Khi đó tôi cảm động vô cùng, cu Tít chính là thiên thần kéo tôi và mẹ chồng gần nhau hơn. Từ ngày có cháu, mẹ thôi “giành giật” chồng tôi, bà để hai vợ chồng được tự do thoải mái, muốn đi đâu thì đi, chơi đâu thì chơi. Việc chăm con cứ để bà lo hết. Đêm con khóc nhiều, bà bảo sợ tôi không ngủ được sẽ mệt nên bế cháu về phòng, đến tận sáng bà mới đưa cháu về với mẹ để bú sữa.

Những tháng ngày sau sinh đối với tôi đúng là thiên đường. Các bà mẹ khác thì lúc nào cũng cảnh đầu tắt mặt tối, quay cuồng bỉm sữa với con. Con tôi thì bà nội gần như giành hết những việc khó khăn ấy, bà bảo tôi cứ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cho người khỏe mạnh mà đi làm, có cần mua sắm, làm đẹp gì thì tranh thủ đi. Tôi lấy làm mừng lắm, “tung tẩy” dạo phố, tranh thủ gặp bạn bè rồi làm đẹp. Những việc mà khi bầu bí tôi tạm phải trì hoãn lại. Tôi cũng luôn cố gắng bày tỏ lòng biết ơn tới bà, nhờ thế quan hệ giữa hai mẹ con lại càng thêm tốt đẹp.

Nhưng rồi càng lúc tôi càng nhận thấy có điều gì đó không ổn. Tần suất bà bế cháu về phòng mình nhiều hơn. Từ khi con ngủ được xuyên đêm không thức dậy bú mẹ nữa thì bà thường bế cháu về phòng mình ngủ luôn. Ngay cả việc ăn dặm của con, bà cũng thay tôi làm hết. Bà còn khuyên tôi nên cho con cai sữa sớm, để tránh đi làm lại bị tức sữa mà không cho con bú được. Còn cu Tít giờ ăn dặm được rồi thì chuyển sang uống sữa công thức cũng được. Tôi có cảm giác như bà muốn tách dần mối liên kết giữa tôi và con vậy.

Nỗi lo càng tăng lên gấp bội khi tôi bắt đầu trở lại với công việc. Tôi những tưởng sau một ngày xa mẹ, con sẽ phải quấn lấy mình, mắt ánh lên vì niềm vui gặp mẹ. Nhưng không, cu Tít hoàn toàn thờ ơ, như thể dù có tôi hay không cũng không quá quan trọng, bởi con đã có bà nội.

Thấy bà ẵm bồng con tôi trong tay, tíu tít trò chuyện, tôi bỗng thấy lòng mình quặn thắt. Tôi mới là mẹ của cu Tít cơ mà? Tôi rất sợ, tôi cảm giác rõ ràng rằng dường như bà nội đang muốn độc chiếm đứa con của tôi. Nhưng tôi không dám nói điều đó với chồng mình, bởi tôi biết chắc anh sẽ gạt phăng suy nghĩ đó của tôi ngay lập tức.

Tôi âm thầm thực hiện chiến dịch “giành lại con” từ bà nội. Tôi quyết không cai sữa sớm cho con, bởi tôi biết đó là sợi dây liên kết quan trọng. Mặc dù đi làm nhưng tôi vẫn cố gắng tranh thủ buổi trưa về cho con bú, bỏ ngoài tai lời khuyên can của mẹ chồng. Tối đến tôi lấy cớ bà chăm cháu cả ngày mệt rồi cần nghỉ ngơi, nên đỡ đần bà bế con. Tôi dành nhiều thời gian chơi với con hơn, cố gắng trò chuyện cùng con. Đến khi con buồn ngủ, tôi nhanh tay bế con về phòng mình để cu Tít ngủ, trước khi bà nội dành phần dỗ cháu. Hàng ngày tôi vẫn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn vì bà đã giúp tôi chăm cháu để con dâu yên tâm đi làm. Tôi biết bà không hài lòng với việc tôi cố gắng lấy lại vị trí “làm mẹ” của mình, nhưng bà cũng không thể làm gì khác. Thời gian qua đi dần dần bà cũng quen với việc tôi mới thực là mẹ của cu Tít, còn bà vẫn là bà nội kính yêu, vẫn là người chăm sóc cháu hàng ngày khi mẹ đi làm. Giờ đây cu Tít cũng quấn quít với mẹ hơn, con đã biết reo hò mỗi khi thấy mẹ trở về, biết bập bẹ gọi mẹ và nhào vào lòng tôi mỗi khi buồn ngủ. Thực sự tôi đã phải rất kiên trì và nhẫn nại để chinh phục con mà không phải gây chiến với mẹ chồng.

Phải giải quyết thế nào khi ông bà muốn “độc chiếm” cháu?

Theo chuyên gia tâm lý, chuyện ông bà “tranh giành” cháu là tình huống tế nhị xảy ra ở nhiều gia đình, nhất là khi ông bà sống cô đơn. Vì muốn cháu coi mình là nhất, nhiều người chiều cháu vô điều kiện, tìm mọi cách giữ rịt cháu bên mình, không muốn bé gần gũi bố mẹ hay coi bố mẹ hơn mình. Trong một chừng mực, đó là sự ích kỷ đáng yêu của người già, con cái nên thông cảm. Trẻ yêu quý ông bà đặc biệt cũng là điều tốt, và nếu bố mẹ vẫn quan tâm sát sao đến con thì không sợ bị tình cảm kia lấn át hay cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu ông bà muốn độc chiếm cháu đến mức tìm cách loại trừ mọi ảnh hưởng của bố mẹ, không muốn bố mẹ gần con thì thực sự không ổn. Trong trường hợp này, người con dâu nên khéo léo để khẳng định vai trò làm mẹ của mình. Cách tốt nhất là dành thời gian ở bên con nhiều hơn, cố gắng vun đắp tình cảm với trẻ. Điều quan trọng là tuyệt đối không thể hiện thái độ thù địch hay khó chịu với ông bà, không giành giật con một cách quá lộ liễu và cực đoan. Bởi điều đó sẽ dẫn đến mâu thuẫn và “chiến tranh” giữa con dâu với bố mẹ chồng. Đồng thời có thể ảnh hưởng xấu tới tâm lý của đứa trẻ. 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang