Hầu hết người lớn không nhớ được gì về thời gian đầu đời của mình. Nhiều người chỉ nhớ được một số ít kỷ niệm từ lúc 3 đến 7 tuổi, dù có sự trợ giúp từ album ảnh gia đình hay người thân thuật lại.
Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là chứng mất trí nhớ thơ ấu. Nhà tâm lý học Sigmund Freud đã nghiên cứu từ bệnh nhân của mình và nhận thấy việc quên lãng này có lợi khi giúp họ tránh lặp lại những ký ức xấu từng diễn ra trong vô thức.
Hầu hết chúng ta không nhớ được ký ức thời bé, đặc biệt là lúc dưới 3 tuổi. Ảnh: BM |
Khi 3 tuổi trẻ có thể nhớ được các sự kiện quan trọng xảy ra trong năm qua. Khả năng nhớ vẫn giữ tỷ lệ cao cho đến 7 tuổi. Trẻ sẽ nhớ đến 70% diễn biến của sự kiện tương tự so với lúc 3 tuổi. Tuy nhiên, đến độ tuổi 8 hay 9, hầu hết chỉ còn nhớ 35% những kỷ niệm trước đây.Các nhà khoa học cũng khám phá ra trẻ nhỏ từ 3 đến 6 tháng có thể hình thành những ký ức hằn sâu trong tiềm thức. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra thường bị ngắt quãng và không được hồi tưởng lại nên tất cả sẽ chìm vào quên lãng. Các nhà nghiên cứu tin rằng khi đứa trẻ có trải nghiệm mới thì một vài ký ức trước đó buộc phải biến mất dần.
Các nhà nghiên cứu kết luận, sự thay đổi này do ký ức được hình thành ngày càng nhiều ở từng độ tuổi trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ lớn và người lớn loại bớt những ký ức đầu đời để nhớ cụ thể chi tiết những sự kiện khác.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science làm sáng tỏ phần nào hiện tượng mất trí nhớ phổ biến này. Nghiên cứu tập trung vào sự hình thành liên tục của tế bào não ở trẻ sơ sinh.
Cụ thể, để ghi nhận được ký ức, những liên kết thần kinh giữa các tế bào não phải được hình thành để tiếp nhận thông tin. Những dữ liệu này sẽ được não bộ hợp nhất, từ đó ký ức được hình thành. Để lưu giữ trong trí nhớ bắt buộc chúng ta phải hồi tưởng lại để các liên kết thần kinh hoạt động. Nhưng việc hồi tưởng này ở trẻ nhỏ là điều khó được thực hiện.
Bên cạnh đó, khả năng diễn đạt thành lời có vai trò quan trọng trong việc hình thành trí nhớ. Chúng ta không nhớ được những gì đã từng xảy ra vào 3 năm đầu cuộc đời có thể vì khi ấy ta chưa biết sử dụng ngôn ngữ.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Neuropsychology chỉ ra người thuận cả hai tay có thể ghi nhớ những ký ức ở độ tuổi nhỏ nhiều hơn so với người thuận tay phải. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân do người thuận hai tay có thể liên kết hai bán cầu não.
Chức năng này sẽ bắt đầu thực hiện lúc trẻ 4-5 tuổi. Tại thời điểm này, hiện tượng mất trí nhớ thơ ấu cũng bắt đầu biến mất, khi bộ nhớ tiến hành mã hóa thông tin ở não trái và xuất ra ở não phải.
Theo suckhoe.vnexpress.net
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.