Cách đây 3 năm, anh Trần Quốc H. (28 tuổi, TP. HCM) bị viêm tinh hoàn nhưng không hề biết, anh chỉ mua thuốc giảm đau ở hiệu thuốc về uống.
Sau đó bệnh không khỏi mà khiến một bên tinh hoàn của anh cứ nhỏ đi và... dần biến mất. Lúc này, nam thanh niên mới tìm đến bệnh viện khi phát hiện bên tinh hoàn trái teo đi rõ rệt.
Đến với Trung tâm sức khoẻ Nam giới, anh ngập ngừng chia sẻ: “Thực tình em rất tự tị và mặc cảm với bạn bè. Dù bố mẹ hối thúc cưới vợ nhưng em cũng chẳng dám lấy ai trong khi bộ chỉ huy “lệch đũa” thế này”.
Bác sĩ Đoàn Anh Sang - Trung tâm sức khoẻ Nam giới cho biết, để chữa viêm tinh hoàn thì chỉ cần dùng thuốc, không cần phẫu thuật. Việc dùng thuốc chữa viêm tinh hoàn nếu kịp thời sẽ giúp tinh hoàn hết viêm, không gặp biến chứng teo. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, thuốc cũng đành “lực bất tòng tâm”, bệnh nhân chỉ nhìn tinh hoàn teo đi vì đã quá muộn.
Tình trạng teo của anh H. là do chữa trị muộn màng chứ không phải do uống thuốc. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc đời đến nỗi không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Một bên cũng vẫn đủ khả năng để anh có con, vẫn sản xuất testosterone để anh “nam tính” như thường.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, teo tinh hoàn là căn bệnh do viêm nhiễm mạn tính khiến không ít nam giới rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu và thậm chí mặc cảm chẳng dám lấy vợ vì sợ vô sinh.
Chữa trị kịp thời trước khi mọi chuyện chưa quá muộn sẽ giúp các chàng lấy lại niềm vui cuộc sống.
Bệnh có thể là do vi khuẩn lây qua đường tình dục nên việc duy trì một đời sống tình dục an toàn và lành mạnh cũng là điều quan trọng hơn cả: đừng quên mặc áo mưa cho “cậu nhỏ” nếu chưa hiểu rõ bạn tình có “khỏe mạnh” hay không và chung thủy một vợ một chồng/ một bạn tình.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu nam giới có cảm giác đau tức, thốn ở vùng bìu, bìu sưng đỏ, tinh hoàn bên to bên nhỏ cần tìm đến chuyên gia về sức khoẻ nam giới để thăm khám, chữa trị.
Theo bác sĩ, một số quý ông nếu có đủ điều kiện vẫn có thể đặt tinh hoàn nhân tạo để không cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm. Tinh hoàn nhân tạo thực chất là một cục nhựa silicon nhưng chi phí khá đắt đỏ vào khoảng 200-400 đô-la Mỹ nhưng hiện tại vẫn chưa có mặt ở Việt Nam.
Các cơ sở y tế chuyên về Tiết niệu vẫn có thể tiểu phẫu cho bệnh nhân có nguyện vọng đặt tinh hoàn nhân tạo với chi phí thấp nhưng mặt hàng “tinh hoàn nhân tạo” thì tự bệnh nhân phải đặt mua ở tận nước ngoài.
Theo www.giadinhmoi.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.