Thông tin nhân vật: Chị: Nguyễn Phương Huyền Sinh năm: 1983 Địa chỉ: Tổ 2, thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang Nghề nghiệp: Công chức Thuế thuộc Chi cục Thuế huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang Chủ nhà hàng Biển Rừng, thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang |
Chị Nguyễn Phương Huyền bên những khóm hoa hồng tuyệt đẹp của mình
Vốn là người yêu hoa nên từ năm 2013 chị đã nhen nhóm ý định trồng một vườn hoa tại nhà. Ban đầu chị chỉ trồng những loại hoa thân thảo như dạ yến thảo, thu hải đường để vườn nhà thêm sinh động. Càng trồng càng mê, sau đó 3 tháng chị bắt đầu trồng hoa hồng, loài hoa mà chị yêu thích nhất. Ban đầu chị Huyền trồng hoa hồng ta, sau đó được 3 tháng chị bắt gặp hình ảnh một giàn hoa hồng vàng trên mạng, ngay giây phút đó chị đã quyết định mình cũng phải có những giàn hoa đẹp như vậy mới thỏa mãn đam mê của mình. Từ đó công cuộc săn lùng hoa hồng ngoại bắt đầu.
Chị Huyền cho biết: “Lúc đó ở Việt Nam rất hiếm người chơi hoa hồng ngoại, nhờ có cơ duyên nên mình có được những cây hồng ngoại đầu tiên nhờ một người bạn mang từ Nga về. Sau đó mình quen được một người bạn cũng có đam mê, vừa chơi vừa bán hoa, người đó tìm được nguồn nhập hồng từ Anh, Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc. Từ đó mình bắt đầu có nhiều loại hoa hơn. Mình rất mê màu vàng nên những loại hồng vàng mình gần như đã có đầy đủ, có cả những cây đặc biệt mình nhờ mua từ Hà Lan về. Vì nhà ở mặt phố nên mình chỉ có thể trồng 100% trong chậu và đặt trên sân thượng.”
Trong khu vườn của chị Huyền hiện tại có khoảng 500 gốc hoa hồng từ hồng cổ Sapa, vân khôi, đến tất cả bộ hồng ngoại nổi tiếng về mùi hương và form cánh đẹp như: Red eden, Eden 88, Souer Emmanuelle, Huntington, Guardian angles, Alexandra of Kent, Abraham Darby, Chippendale, Tiny Blue, Sister Elizabeth, Aun’t Margy, Beatice, Fair Bianca, Gentle Hermione, Hot Chocolate, Golden Celebration, Minerva, William Morris, Pat austin, Autumn rouge, Carding mill... Trong số đó, chị Huyền đặc biệt yêu thích Red eden, Souer Emmanulle, Golden Celebration, Guardian Engles.
Chia sẻ về quá trình trồng và chăm sóc vườn hoa của mình, chị Huyền cho biết rằng giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm nên chị cũng làm chết khá nhiều cây. Nhưng vì có đam mê nên chị không ngừng tự tìm tòi, học hỏi từ bạn bè, đúc kết kinh nghiệm từ những lần trồng hoa thất bại. Dần dần chị cũng có cho mình một vốn kinh nghiệm dày dặn và xây dựng được vườn hoa như hiện tại.
Thời tiết Việt Nam thất thường, khi thì nắng gay gắt, lúc lại mưa kéo dài khiến không ít cây mắc bệnh và chết. Đôi lúc chị cũng cảm thấy nản lòng, nhưng mỗi lần nhìn những bông hoa nở rộ chị lại có thêm động lực để tiếp tục phát triển vườn hoa của mình.
Chị Huyền tâm sự mình rất may mắn khi có được ông xã tâm lý và chiều vợ, nên anh rất ủng hộ vườn hoa của chị. Nhiều khi anh còn giúp đỡ chị tưới cây những khi chị Huyền bận rộn hay vắng nhà.
Vì là công chức nhà nước lại thêm việc phụ ông xã kinh doanh nhà hàng nên chị Huyền rất bận rộn. Gần như chị chị có thời gian cuối tuần dành cho hoa. Vào mùa hè thì chị đều tranh thủ dậy sớm từ 5h sáng để chăm chút cho hoa một chút rồi đi làm. Chiều về thì tưới cây rồi chuẩn bị công việc nhà hàng. Đến mùa đông thì cả sáng và chiều chị chỉ có khoảng 30 phút để dành cho hoa, vì mùa đông trời sáng muộn, phải 6h30 mới sáng rõ và chị còn bận chuẩn bị cho con đi học. Cứ đến cuối tuần rảnh rỗi chị mới có nhiều thời gian để chăm chút cho từng bông hoa.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm của mình để có được vườn hoa đẹp như hiện tại chị Huyền cho biết:
“Để có được vườn hoa đẹp trước hết phải là một người thực sự yêu hoa, hoa hồng chăm cầu kỳ hơn các loại hoa khác. Ở Hà Giang nơi mình sống, khí hậu khá ôn hòa nên hoa thường đẹp hơn các vùng khác. Khi chăm sóc hoa hồng, cần chú ý đến các yếu tố như:
1. Đất trồng: đối với trồng chậu thì giá thể gồm: 50% đất thịt + 50% xơ dừa trộn trấu hun + 20 % hạt đá perlife (cái này các cửa hàng hoa thường có bán) + 2 nắm phân gà Dynamic (Úc). Nếu không có Dynamic, bạn có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai mục với tỷ lệ sau: 50% đất vườn, 20% phân hữu cơ hoai mục, 30% xơ dừa trộn trấu hun + đá perlite.
2. Chăm sóc: Hoa hồng ưa nhiều nắng, nên cần đặt cây ở chỗ có nhiều nắng chiếu trực tiếp vào nhất tầm 6-8h/ ngày.
Phân bón: định kỳ 7-10 ngày bón phân gốc và lá, các loại phân nên sử dụng là NPK, phân gà, phân xanh tự ủ ( các loại rau, củ quả), bã cafe nên ủ hoai và trộn chống nấm đến khi mục thì bón cho cây.
Tưới cây: cái này tùy từng khu vực khí hậu mà tưới cho phù hợp, như chỗ mình thì thường tưới vào sáng hoặc chiều, hoặc cả buổi trưa khi cây thiếu nước (lưu ý khi tưới buổi trưa thì phải tưới thật đẫm như mưa để trôi hết hơi nóng, nếu tưới không đẫm sẽ bị nóng rễ và cây sẽ chết).
3. Cắt tỉa: hoa hồng là loại ưa cắt tỉa, khi hết lứa hoa nên cắt sâu xuống 10-15cm để các chồi mới lên sẽ mập hơn và cho hoa to hơn. Nên tỉa các lá già, lá héo để tạo độ thoáng cho cây. Tỉa bỏ những chồi nhánh nhỏ, còi cọc để rễ tập trung nuôi những nhánh lớn.
Mùa xuân là mùa hoa đẹp nhất, nên cắt ngắn các cây hồng trước Tết tầm 1 tháng, cắt xong bổ sung phân cả gốc và lá. Sau 1 tháng sẽ có những bông hoa đẹp.
4. Phòng bệnh: hoa hồng rất hay bị bệnh như trĩ, nhện, phấn... vì vậy cần phun phòng định kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất. Nên phun 7-10 ngày/1 lần, phun kỹ dưới mặt lá và trên bề mặt chậu trồng.”
Cùng ngắm thêm những hình ảnh tuyệt đẹp về vườn hoa cổ tích của chị Phương Huyền dưới đây nhé:
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.