Kịch bản của ngành y tế TP.HCM khi lực lượng chi viện rút về

Hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 vẫn còn hơn 18.000 người, ngành y tế TP.HCM đã có kịch bản chuẩn bị cho việc tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đến thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, lực lượng chi viện chống dịch sẽ rút hoàn toàn khỏi TP từ nay đến 15/10 để trở về địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 vẫn còn hơn 18.000 người, ngành y tế TP.HCM đã có kịch bản chuẩn bị cho việc tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19.

 

Kịch bản của ngành y tế TP.HCM khi lực lượng chi viện rút về - Ảnh 1.

Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục hỗ trợ TP.HCM vận hành Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện Dã chiến số 14 đến cuối năm 2021

 

Đào tạo nhân lực trước khi rút quân

 

Tính đến nay, TP.HCM đã nhận được sự tăng cường của 6.599 cán bộ, nhân viên y tế từ 40 bệnh viện thuộc các Bộ, ngành Trung ương và 37 Sở Y tế của các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 4.513 người tham gia công tác tại các Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện Điều trị COVID-19, Bệnh viện Hồi sức và tại các cơ sở cách ly ở quận, huyện. Bộ Quốc phòng cũng đã kịp thời bổ sung 1.434 y bác sĩ để tham gia vận hành các trạm y tế lưu động. Ngoài ra còn có sự tham gia của 3.385 giảng viên, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y thuộc Bộ, ngành Trung ương tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP.

 

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện chống dịch rút về. Hàng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban với các tầng điều trị để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện.

 

"Cùng với các bệnh viện Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức hay Trung ương Huế, đã có những buổi giao ban cũng như tập huấn, đào tạo để những nhân viên y tế không phải khoa nhiễm, không phải khoa hồi sức cũng có thể nắm, sẵn sàng tiếp nhận công việc ngay sau khi đội ngũ chi viện phía Bắc rút đi thì vẫn có thể đảm đương được công việc này"- bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

 

 

Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện Dã chiến số 3, số 6, số 8 là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021.

 

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết, hiện Bệnh viện Dã chiến số 3 còn khoảng 1.000 bệnh nhân, trong đó có khoảng 60 ca cấp cứu và 25 trường hợp nặng. Bệnh viện hiện có khoảng 250 nhân viên y tế cũng như lực lượng hậu cần, trong đó có khoảng 40 người là lực lượng chi viện từ các tỉnh phía Bắc. Khi các đồng nghiệp chi viện rút quân về thì cần được tăng cường nhân sự tương đương nhằm phục vụ tốt điều trị và chăm sóc người bệnh. Trong khi đó, hiện nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng phải sắp xếp lại khoa phòng, bộ máy cho tinh gọn, để đảm bảo có lực lượng khám chữa bệnh thông thường tại bệnh viện.

 

Sau khi được chữa khỏi, bệnh nhân mắc COVID-19 sau xuất viện vẫn cần được chăm sóc. Do đó, theo bác sĩ Khanh, cần tính toán phương án chuyển đổi, bổ sung công năng nhằm tập trung điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 như tập vật lý trị liệu, cải thiện hô hấp, dinh dưỡng... Hiện Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai Trung tâm vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu cho F0 khỏi bệnh.

 

"Bệnh viện tiếp tục duy trì các hoạt động chăm sóc F0 có triệu chứng và F0 trở nặng, đòi hỏi Sở Y tế tăng cường lực lượng này để đảm bảo điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đồng thời tăng cường các hoạt động chăm sóc người bệnh sau COVID-19 vì có những tai biến và di chứng để lại" - BS Trần Văn Khanh cho biết.

 

Sẵn sàng chi viện tiếp tục điều trị COVID-19

 

Theo kế hoạch, ngành y tế TP.HCM sẽ triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" tại các Bệnh viện Dã chiến số 16, số 13 và số 14 tương ứng với các trung tâm hồi sức nằm bên cạnh. Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng". PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (trực thuộc Bộ Y tế) nhận định, đây là một chỉ đạo đúng hướng.

 

Bác sĩ Thanh chia sẻ, ngay từ đầu đợt dịch, bệnh viện đã cử hàng trăm nhân viên y tế đến các Bệnh viện Dã chiến số 8, số 6, Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức), trong đó, đơn vị đã cùng Bệnh viện Bình Dân phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 8. Ngoài ra, Bệnh viện Thống Nhất cũng đang chịu trách nhiệm chính tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình. Tổng số nhân viên đang làm nhiệm vụ tại các cơ sở nói trên khoảng 400 người. Vì vậy, khi các lực lượng chi viện rút về, nếu Sở Y tế TP.HCM cần thì Bệnh viện Thống Nhất sẽ thay thế một lực lượng mới tại các bệnh viện dã chiến, đảm bảo đủ sức khỏe làm việc.

 

"Nếu như bệnh viện còn phải tham gia vào những bệnh viện dã chiến thì sẵn sàng bố trí lực lượng một cách hợp lý nhất, với một con số vừa phải. Chúng tôi đang cố gắng làm việc gấp 2, 3 lần để vừa làm song song cả 2 nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa điều trị cho các bệnh nhân không COVID-19, ngoài ra vẫn duy trì các điểm tiêm vaccine" - BS Thanh cho biết.

 

Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dự kiến vào ngày 15/10/2021; Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai, dự kiến ngày 20/10/2021. Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM vận hành Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện Dã chiến số 14 đến cuối năm 2021, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận và vận hành trung tâm này.

 

 

 

Link gốc: https://vov.vn/xa-hoi/kich-ban-cua-nganh-y-te-tphcm-khi-luc-luong-chi-vien-rut-ve-896811.vov

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang