Luyện ngủ là một công cuộc gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn vượt bậc hoặc tinh thần thép của các mẹ. Ngoài những phương pháp luyện ngủ cho con không nước mắt, thì phương pháp luyện ngủ để con có cơ hội xoay xở lại khiến trẻ khóc rất nhiều. Có trẻ khóc đến cả tháng mới chịu tự ngủ, nhưng có trẻ lại khóc chỉ… 2 ngày. Trường hợp 2 ngày ấy hôm nay sẽ được chia sẻ lại qua lời kể của chị Nguyễn Thắm (27 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội).
Bé Tôm (Minh Quân) nay 18 tháng, được mẹ bắt đầu luyện ngủ hơi muộn so với các bạn khác, ở mốc 9 tháng tuổi. Nhưng chỉ mất đúng 2 ngày, bé đã tự ngủ xuyên đêm thành công. Hiện tại con đã đi lớp và sinh hoạt theo lịch của nhà trường, chiều tối con về vẫn sinh hoạt nề nếp, tự giác ăn ngủ như mọi khi. 19h con đi ngủ đến 6h sáng hôm sau con mới thức dậy.
Bé Tôm được mẹ luyện ngủ thành công, trở nên tự lập và vui vẻ hơn rất nhiều.
Chị Thắm chia sẻ, đã có những ngày tháng chị cảm thấy bản thân kiệt quệ và trầm cảm vì con ngủ phụ thuộc vào ti mẹ: "Tôm vốn sinh non. Sau khi về nhà, con thường ngủ ngày, thức đêm, khóc rồi rướn người rất nhiều đến mức lồi cả rốn lên rất to. Những đêm nhìn con vừa quấy khóc vừa bị như vậy khiến mình rất lo lắng và bất an. Hôm nào con cũng khóc từ 10 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng, hai mẹ con ôm nhau cả đêm. Con cứ khóc là mình lại cho con ti, rồi bế vác, đung đưa, bế rong… làm đủ mọi thứ nhưng con không nín. Cứ vậy suốt một thời gian dài, mình bị thiếu ngủ trầm trọng và stress nặng, rất mệt mỏi".
Có những đêm con khóc, mẹ khóc, chị Thắm luôn cảm thấy bế tắc. Cộng với việc chồng đi làm xa, không có chồng ở cạnh chia sẻ càng khiến chị rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ với những suy nghĩ tiêu cực, tăm tối. Nhiều lúc chị đã cùng quẫn nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi khi nhìn lại đứa con kháu khỉnh nằm bên cạnh, chị đã giật mình thương xót và may mắn dừng được những ý nghĩ xấu.
Chị mua một cái cũi và để con ngủ riêng ngay trong phòng của bố mẹ.
Đó cũng là những ngày chị Thắm như đi đến giới hạn của trầm cảm và vùng dậy muốn phải làm điều gì đó để cảm thấy tốt hơn. Chị tìm hiểu thông tin, kiến thức nuôi con và hỏi kinh nghiệm từ những bà mẹ khác. Giữa một rừng ý kiến, thông tin đa chiều, cuối cùng chị cũng vớt được một cái phao cứu sinh, đó là lời chỉ dẫn từ một mẹ khác để luyện ngủ cho con. Nhưng chị vẫn lần lữa vì không tin bản thân mình có thể làm được. Vòng tròn luẩn quẩn con dậy khóc, ti, vật vã, cả nhà mệt mỏi… cứ tiếp diễn nhiều ngày.
Bắt đầu khi bé Tôm được 9 tháng tuổi, chị mới quyết tâm luyện ngủ cho con đến cùng. Dù khi ấy bé đã lớn, nhưng chị nghĩ thà thử một lần rồi thôi để không phải tiếc nuối.
Quy trình chị thực hiện để dạy con tự ngủ thực ra là hướng dẫn bé các cách để bé có thể tự mình đi vào giấc ngủ mà không cần mẹ hỗ trợ cho ti, hay ôm ấp. Chị thực hiện các bước trong việc tạo môi trường ngủ riêng tư cho con: mua cho con 1 chiếc cũi, màn, 1 chiếc camera, 1 chiếc loa bật tiếng ồn trắng để át tiếng ồn bên ngoài (vì bé ở chung phòng sinh hoạt cùng bố mẹ và gần đường phố đi lại).
Cho đến bây giờ nhìn lại, chị Thắm vẫn thấy luyện ngủ là một quyết định sáng suốt nhất của mình.
Quá trình luyện ngủ bắt đầu. Đến 7h tối, khi con có dấu hiệu buồn ngủ, chị cùng con đi tắt điện, cùng nhau kéo rèm, cùng nhau bật nhạc, rồi mẹ thủ thỉ những lời yêu thương với con. Ngày đầu tiên khi mới bắt đầu làm những thao tác đó con rất hào hứng, nhưng khi mẹ đặt con xuống vào cũi thì con chưa quen, chưa bao giờ ngủ xa mẹ nên bé phản kháng rất dữ dội, còn đòi trèo ra ngoài. Nhưng chị Thắm vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chừng như khóc 30 phút là đã quá mệt, bé tự nằm xuống ngủ. Trước đó bé đi ngủ đều được mẹ cho ti, mẹ ôm bế ru mới ngủ.
Khoảng 2 giờ sáng bé tỉnh dậy, con ngồi khóc rất to vì không có mẹ ở bên và không được mẹ cho ti. Bố bé không chịu được tiếng khóc của con, đòi vào bế và bảo không muốn luyện nữa thì chị Thắm cố gắng ngăn chồng lại. Khi con khóc được khoảng 20 phút, chính chị cũng không đủ quyết tâm nên đã sốt ruột vào bế con ra khỏi cũi và cho ti. Chị sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của chồng và cũng sợ con mệt. Việc luyện ngủ ngày đầu tiên dừng lại như vậy.
Đến ngày thứ 2, chị nhất quán hơn và tự tin hơn. Bé cũng có vẻ hợp tác hơn rất nhiều khi 7h tối mẹ đặt xuống đã tự ngủ được. Đêm con thức dậy một lần, con khóc chừng 15 phút, nhưng khóc bé và không khóc to như trước. Lần này chị Thắm kiên quyết không bế con ra nữa. Khi con biết mình khóc nữa cũng không giải quyết được gì, nên con đã tự ngủ khi không có mẹ hỗ trợ nữa.
Nhờ luyện ngủ thành công cho con mà chị Thắm cảm thấy cuộc sống hạnh phúc, cân bằng hơn.
Chị Thắm thở phào nhẹ nhõm và thật sự không tin rằng kết quả lại đến nhanh thế. Kể từ đó trở đi, bé Tôm không còn phụ thuộc vào mẹ để ngủ. Chị càng tin rằng con vốn đã đến lúc cần phải độc lập trong giấc ngủ thay vì được mẹ ôm bồng bế. Dạy con tự ngủ cũng là một trong những quyết định sáng suốt nhất của chị.
Chị Thắm tâm sự, con ngủ ngoan, 2 vợ chồng chị có thời gian rảnh nhiều hơn để dành cho nhau, giúp cho tình cảm vợ chồng luôn được vui vẻ, và có những giấc ngủ thực sự mà trước giờ không có được. Đặc biệt hơn là con ngoan ngoãn, tự lập, còn giúp chị vui vẻ hơn, thoải mái hơn, yêu đời hơn, có nhiều thời gian dành cho bản thân và căn bệnh trầm cảm không cần phải đi bác sĩ tư vấn để chữa khỏi mà nó đã tự biến mất lúc nào không hay.
Chị muốn qua câu chuyện của mình có thể truyền động lực thêm cho các mẹ khác. Bởi dù bé Tôm được luyện ngủ muộn, nhà chị lại không có phòng riêng mà chỉ mua cũi để con ngủ riêng… nhưng vẫn thành công ngoài sức mong đợi. Vậy nên chị tin các mẹ chỉ cần quyết tâm, cố gắng và đặc biệt là phải hành động, tự tin vào chính mình thì nhất định sẽ thành công bởi có một câu nói, rằng "Đẻ con có thể không cần phải học nhưng nuôi con thì nhất định phải học!".
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(1) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.