Nhiều mẹ tâm sự việc chăm sóc và nuôi dạy 1 em bé thực sự quá vất vả, chính vì vậy họ càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ những mẹ chăm 2, thậm chí là 3, 4 em bé cùng một lúc. Đó cũng là câu chuyện của chị Hy Vũ (35 tuổi, sống tại TP. HCM) vừa mang thai và sinh 3 em bé cùng trứng khỏe mạnh, bình an.
3 bé gái nhà chị Hy Vũ sinh ngày 22/8/2022. Khi sinh, các bé chỉ được 34 tuần, nặng lần lượt 1,9kg - 1,5kg - 1,7kg. Cả 3 bé đều phải nằm lồng ấp mất 5 ngày để theo dõi ổn định hô hấp và thân nhiệt. Tới ngày thứ 8, các bé được về nhà. Giống như được sinh ra cùng 1 bộ gen nên các bé phát triển và sinh hoạt tương đối giống nhau. Chị Hy Vũ được rất nhiều bạn bè gọi là "mẹ siêu nhân" vì tự tay chăm sóc con cả và 3 em bé mới sinh. Vậy kinh nghiệm của bà mẹ 8x là gì?
Luôn chủ động làm mọi việc, hạn chế nhờ sự giúp đỡ
Đây cũng là quan điểm khi chăm sóc và nuôi dạy con của chị Hy Vũ. Việc này cũng giúp các mẹ có thể nuôi con một cách chủ động, độc lập, không bị ảnh hưởng hay chi phối quá nhiều bởi người khác. Dù sinh 3 nhưng chị Hy Vũ được ra viện khá sớm và tự tay chăm sóc bé từ A-Z.
"Lần 2 này, mình vẫn sinh mổ theo chỉ định của bác sĩ, ngày 3 đã xuất viện để có thể dành thời gian cho bé lớn và vẫn vào lại viện để ấp kangaroo cho các bé mỗi ngày. Mình tự chăm lo bé lớn, cũng như cơm nước cho gia đình tới lúc gần sinh. Phải tới lúc sinh xong được 1 tuần mình mới thông báo cho mẹ đẻ biết và nhờ bà từ ngoài Bắc vào TP. HCM để giúp chăm con.
Vì quan điểm của mình là tự chủ động làm mọi việc, chỉ khi nào không xoay xở được nữa thì mới nhờ tới sự giúp đỡ của ba mẹ. Chồng mình tuy bận công việc nhưng luôn dành thời gian tối đa để chăm sóc vợ con, từ miếng ăn tới giấc ngủ. Anh biết phụ việc nhà và phụ chăm con", chị Hy Vũ hạnh phúc chia sẻ.
Tương tự như bé lớn, 3 em bé mới chào đời của chị Hy Vũ được nuôi theo "kiểu Mẹ". Bà mẹ 4 con nhận định việc chăm sóc các bé không theo một quy chuẩn hay phương pháp nào vì mọi thứ đều chỉ là lý thuyết nếu không phù hợp với con. Mỗi bé có 1 tính cách, 1 biểu đồ sinh học riêng, bởi vậy chị Hy Vũ chăm con theo nhu cầu của bé.
"Con muốn ăn, hãy cứ để con ăn, nếu thấy bé có dấu hiệu chớ do dư bữa, nên giảm ngay lượng ăn lại 1 chút, nhưng vẫn đảm bảo con luôn đủ no. Vì chỉ khi no bụng, con mới ngủ dài giấc. Mà như vậy mẹ có nhiều thời gian để làm việc khác, cũng như nghỉ ngơi. Dành thời gian cho con là chơi cùng con khi con thức, hạn chế tối đa việc ẵm bế đi rong, khi các bé cùng thức, có thể để các bé tự chơi cùng nhau", bà mẹ 4 con nhấn mạnh.
Bí quyết giúp mẹ không bị trầm cảm, stress khi chăm con
Nhiều mẹ sinh 1, có khi sinh 2, 3 con cùng lúc rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc stress, mệt mỏi khi chăm con. Theo chị Hy Vũ, một số lời khuyên sau có thể giúp đỡ các mẹ:
- Trước khi lập gia đình và có con, các chị em nên sống riêng và tự lập 1 mình ít nhất 5 năm, để trải nghiệm, cũng như trau dồi cho bản thân những kĩ năng sống khi chỉ có 1 mình. Khi bản thân có thể tự làm được hết mọi việc thì việc chăm con sẽ rất dễ dàng.
- Hãy tìm hiểu và đọc thật nhiều thông tin y khoa về sức khỏe và chăm sóc con trẻ. Biết tự chăm sóc bản thân hay người thân khi có bệnh cũng là 1 cách làm giảm lo lắng, tránh stress.
- Đa số các chị em stress và trầm cảm trong thời kì mang thai và nuôi con, đều do suy nghĩ quá nhiều các vấn đề liên quan tới tiền bạc, chăm sóc con cái, mối quan hệ 2 bên nội ngoại. Vậy nên, hãy chuẩn bị tinh thần thật kĩ trước khi mang thai và nuôi con, chuẩn bị đủ tài chính cho việc chăm sóc em bé từ 1-2 năm và nên tự chăm con để tránh bất hòa trong cách nuôi dạy con với ông bà 2 bên nội ngoại.
Nhưng vì sinh 2-3 bé, cần tới sự trợ giúp của ông bà nội ngoại, thì nên có sự giao kèo rõ ràng ngay từ ban đầu về các vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh, và luôn đặt rõ tiêu chí rằng ông bà chỉ là phụ giúp, còn bản thân vẫn phải tự chăm con, không phụ thuộc hoàn toàn vào bất kể ai.
- Không tự gây áp lực với chính mình về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ rất tốt, nhưng không có nghĩa là phải phụ thuộc 100%. Tinh thần thoải mái ắt sẽ có sữa cho con, nhiều hay ít không quan trọng, con ăn thêm sữa công thức cũng được, miễn con khoẻ, thể chất tốt, không đau ốm, bệnh nặng trong 1 năm đầu đời.
- Hãy hút sữa mẹ và cho bé ăn bình hoàn toàn, tránh cho bé ti mẹ, vì nếu lỡ bé bám hơi mẹ, thì không thể ôm hết cả 2-3 bé cùng lúc nếu bé đòi ti. Cho bé ăn bình cũng là cách để đảm bảo con được ăn đủ bữa, ăn nhanh, không tốn nhiều thời gian ôm con như khi cho bé ti mẹ.
- Thiếu ngủ cũng gây ra mệt mỏi và tạo thành stress. Tập cho bản thân những giấc ngủ ngắn nhưng sâu vào ban ngày để tranh thủ nghỉ ngơi tốt đa, giúp cơ thể luôn có đủ năng lượng để tự chăm con.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, ai nói gì không quan trọng, không để tâm tới chuyện không vui. Luôn nghĩ con là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu để coi đó là mục tiêu cho bản thân thêm cố gắng.
Thấu hiểu tâm lý, yêu thương tất cả các con
Nhiều gia đình thường xảy ra tình trạng con lớn ghét em nhỏ, tị nạnh hoặc khó chịu vì có cảm giác "em lấy mất mẹ". Với chị Hy Vũ, con gái lớn đang 4 tuổi, độ tuổi thay đổi tâm sinh lí nên đôi khi cũng tủi thân khi thấy mẹ chăm sóc các em bé. Nhưng chị Hy Vũ luôn tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi để nói chuyện cùng con, như khi đưa đón con đi học, tắm cho con, cho con ăn... để giải thích cho con nghe về mọi thứ, giúp con cảm nhận và hiểu rõ hơn.
Bé lớn được vui chơi thể chất mỗi buổi chiều sau khi tan học. Chị Hy Vũ cũng tranh thủ đưa bé lớn đi chơi vào những ngày cuối tuần.
"Do ngay từ ban đầu tự mình chăm con nên bé lớn được hình thành tính cách tự lập khá sớm, bé tự chơi, tự biết rõ nhu cầu của bản thân nên rất dễ để nói chuyện cùng bé. Mình cho con lớn đi học gần nhà, buổi sáng khi các em nhỏ còn ngủ thì mẹ đưa bé lớn đi học, chừng 30 phút cả đi cả về. Rồi khi về mình bắt đầu cho các bé dậy, ăn uống sinh hoạt theo giờ giấc của người lớn, tránh vấn đề "ngủ ngày cày đêm".
Sau khi các bé ăn và ngủ thì mình tranh thủ ăn uống và làm việc nhà. Các bé nhỏ bắt đầu đi ngủ từ 8h tối, chỉ ăn thêm 1 cữ lúc 11h-12h đêm là ngủ tới 7-8h sáng hôm sau. Nên mình có đủ thời gian để nghỉ ngơi vào buổi tối", chị Hy Vũ kể lại thói quen 1 ngày bình thường.
Cân bằng giữa việc nhà và chăm sóc con cái
Để có đủ thời gian kiêm hết tất cả mọi việc trong gia đình, chị Hy Vũ đã thực hiện các cách sau:
- Tiết kiệm thời gian đi chợ bằng cách đặt chợ online qua các app siêu thị, hoặc tìm những mối hàng quen chất lượng, yên tâm về nguồn gốc thực phẩm để đặt mua giao tận nhà.
- Đi chợ 1-2 lần trong 1 tuần, sơ chế và chia sẵn khẩu phần, mỗi khi cần nấu ăn ngay sẽ không bị mất thời gian chế biến quá lâu.
- Lên thực đơn ăn uống mỗi tuần theo lượng thực phẩm có sẵn trong tủ lạnh. Do vậy các món ăn luôn được thay đổi và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Bản thân mình là người đam mê nấu ăn, các món ăn gia đình đều được thường xuyên thay đổi từ món Á sang món Âu nên cũng dễ dàng hơn trong lựa chọn và thay đổi.
- Đặt hẹn dịch vụ dọn dẹp theo giờ, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ, để nhà cửa luôn được sạch sẽ, không bụi bẩn.
- Trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng máy móc thông minh để giảm thiểu công việc cho bản thân và có thời gian nhiều hơn cho các con: 1 chiếc máy rửa chén để rửa chung 1-2 bữa ăn, tiết kiệm 30-40 phút dọn rửa sau mỗi lần; 1 chiếc máy rửa chén mini, dùng riêng để rửa bình sữa và các vật dụng của em bé, đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ tối đa nhờ quy trình rửa nước nóng và sấy nhiệt độ cao; Máy sấy quần áo để không phải phơi rút đồ mỗi khi giặt giũ.
- Tối đa tiện ích cho gia dụng bếp, ví dụ nồi áp suất điện để nấu nhanh những thực phẩm cần ninh hầm trong nhiều giờ, mà mình không cần đứng canh nấu, chỉ cần chọn chế độ nấu là xong. Hoặc lò nướng hấp cũng cần phải có để nấu nướng dễ dàng và nhanh gọn hơn.
"Mình nghỉ công việc văn phòng sau khi có bầu bé lớn và chuyển sang kinh doanh tự do để có toàn thời gian chăm lo con cái và gia đình. Hiện tại, mình chưa có dự định quay lại công việc văn phòng mặc dù vị trí công việc lúc trước khá tốt, để tập trung chăm sóc và nuôi dạy các con", chị Hy Vũ tâm sự.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.