"Lấy chồng đi" và những chuyện dở khóc dở cười vì bị giục kết hôn

(lamchame.vn) - Ngày càng nhiều người trẻ đến tuổi kết hôn nhưng vẫn chưa thấy "động đậy" gì khiến gia đình sốt ruột, liên tục thúc giục đã tạo nên những áp lực tâm lý vô hình.

- "Nhìn không đến nỗi, sao không lấy được chồng nhỉ?"

Hoàng Nguyên (27 tuổi, nhân viên công ty truyền thông, Hà Nội) vừa nhận thông báo từ Facebook, đó là bình luận từ một người bạn hồi cấp 2 phía dưới bức ảnh mới của cô. Bạn bè đã lâu không gặp và cũng chẳng mấy khi tương tác trên MXH nên Nguyên rất háo hức vào xem bạn nói gì. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì chưng hửng bấy nhiêu, không phải lời hỏi thăm cuộc sống, công việc hay sức khỏe, người bạn đó để lại vỏn vẹn 3 chữ: "Lấy ck đi" (tức là "Lấy chồng đi").

Đây chỉ một trong vô số tình huống chán chường mà Hoàng Nguyên gặp phải mỗi ngày.

Hoàng Nguyên sợ hãi câu chuyện lấy chồng đến mức không về nhà trong hầu hết các dịp lễ Tết. Với tình huống bất khả kháng, mỗi lần về là một lần bị ám ảnh, trong đầu cô vài ngày sau đó chỉ toàn là: "Nhìn cũng không đến nỗi nhưng sao lại không lấy được chồng nhỉ?", "Con gái thì cố kiếm tiền làm gì? Lấy 1 anh chồng giàu là được", "Bạn bằng tuổi mà sắp lấy chồng lần thứ 2 rồi còn mình vẫn chưa có người yêu. Không ngại à?"...

Nhưng điều mà Nguyên thất vọng nhất là không thể giải thích cho bố mẹ hiểu quan điểm hôn nhân của bản thân. "Mình luôn tin rằng kết hôn chỉ là một lựa chọn trong cuộc đời mỗi người, có thể chọn có hoặc không. Nếu gặp đúng người và thực sự muốn sống trọn đời trọn kiếp với người ta, mình sẽ không do dự mà đồng ý. Còn nếu không thì cũng chẳng sao cả, mình hoàn toàn vui vẻ và hạnh phúc với cuộc sống một mình" - cô nói.

Trong khi đó, bố mẹ Nguyên lại hoàn toàn phản đối quan điểm này. Với họ, việc lấy chồng và sinh con là trách nhiệm phải thực hiện, thậm chí còn khuyên cô đừng kén chọn quá, hạ thấp tiêu chí xuống để lấy được chồng. Vì vậy mà khi Nguyên bày tỏ suy nghĩ của mình, bố mẹ cô giận đến nỗi không ngủ được.

"Mình biết bố mẹ chỉ muốn con gái hạnh phúc nhưng họ chưa chấp nhận kiểu hạnh phúc độc thân của mình. Mình đi cafe một mình mỗi ngày, thỉnh thoảng đi ăn hay xem phim một mình và đều cảm thấy rất thoải mái. Ngoài ra mình cũng là kiểu người rất dễ bị tác động bởi chuyện tình cảm. Hồi có người yêu, hễ 2 đứa có trục trặc là hiệu quả công việc của mình bị ảnh hưởng nên giữa công việc và yêu đương, mình chọn cái đầu tiên" - Hoàng Nguyên giải thích.

- "Nếu gặp đúng người, vẫn muốn kết hôn nhưng mọi người mai mối và thúc giục làm mình mệt"

Năm nay 27 tuổi, Hoài An (nhân viên ngân hàng, TP HCM) chưa muốn lập gia đình nhưng bố mẹ, họ hàng và những người xung quanh cô thì như ngồi trên đống lửa. Tất cả mọi người đều cực kỳ tập trung và nhiệt tình trong việc mai mối, khiến cô nhiều lần dở khóc dở cười.

"Đợt Tết là mẹ mình căng thẳng nhất. Bình thường chỉ nói chuyện cho vui nhưng hôm đó mẹ bảo ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc này: 'Sắp 30 tuổi rồi, không còn trẻ nữa đâu, lấy chồng nhanh đi... Lúc đó mình nghĩ: Ủa? Mình có người yêu rồi à? Biết lấy ai đây trời? nhưng cũng chỉ cười cười cho qua chuyện" - Hoài An kể.

Chưa hết, mỗi lần gặp ai mẹ cô đều tìm cách "bán" con gái và tổ chức mai mối, tính nhanh cũng được cả chục đám. Có lần đối phương được sắp xếp đến tận nhà ăn tối nên Hoài An phải trốn: "Mình kêu bận, phải ở lại giải ngân nhưng thật ra là lượn lờ phố xá, mua sắm cho hết giờ rồi về. Cảm giác có nhà mà không được về nó khổ lắm! Sau đó người ta tiếp tục hẹn sang ngày khác nên mình phải gặp cho xong chuyện". Về sau cảm thấy cô không mặn mà nên đối phương chọn cách âm thầm rút lui.

Họ hàng và đồng nghiệp cũng rất hăng hái tìm đối tượng để gán ghép cho Hoài An nhưng cô đều tìm cách thoái thác. Dẫu vậy mỗi lần có tiệc, câu chuyện đều xoay quanh việc An chưa có người yêu, nhiều lúc cô phải la lên đề nghị mọi người nói chuyện khác.

Hoài An cho biết cô không hề kén chọn hay khó khăn gì với chuyện kết hôn mà chỉ là không thích và khó chịu vì bị mai mối. "Sau này nếu gặp đúng người mình vẫn muốn lập gia đình nhưng mọi người mai mối và nói nhiều quá làm mình mệt. Còn hiện tại mình vẫn chưa muốn lập gia đình" - cô cho biết.

Về chuyện con cái, Hoài An cũng từng nghĩ đến những áp lực khi phải nuôi nấng, chăm sóc một đứa trẻ: "Mình thấy lo cho mình còn không xong giờ mà có con thì sao nuôi được nhỉ? Rồi lại nghĩ mình có chồng mà, chồng cũng nuôi con mà nhưng lỡ gặp chồng không ra gì thì phải làm sao? Suy nghĩ cứ đánh nhau như vậy nên mình mệt quá và không nghĩ nữa".

- "Độc thân là lựa chọn dễ dàng và đơn giản nhất nhưng..."

Không bị bố mẹ giục giã gì nhưng Châu Lê (32 tuổi, Hà Nội) cũng phải đối mặt với những câu hỏi thăm dò, đòi đi ăn cưới từ họ hàng và hàng xóm: "Chờ lâu lắm rồi đấy nhé!", "Khi nào mới cho bác ăn kẹo?", "Tại kén quá chứ gì?"... Quá quen thuộc với câu chuyện này, Châu đã luyện cho bản thân đến trình độ nghe xong chỉ thấy buồn cười chứ không áp lực hay khó chịu gì.

"Chắc trong lòng bố mẹ cũng mong ngóng ngày mình dắt con rể về nhưng vì tôn trọng mình nên không giục bao giờ. May mà bố mẹ thoải mái chứ nếu không thì có khi mình cuốn gói ra ở riêng cho bình yên rồi cũng nên!" - Châu nói thêm.

Bản thân Châu cũng không quá căng thẳng chuyện kết hôn, càng không cần phải lấy chồng bằng mọi giá. Cô quan niệm rằng nếu trời ban cho một anh chồng tử tế thì lấy còn không thì ở vậy cũng không sao.

Với nhiều người, con cái là một trong những lý do khiến họ chần chừ trong chuyện kết hôn. Châu cũng có chút e sợ về trách nhiệm nhưng chủ yếu vẫn là vì cô chưa gặp được đúng người: "Với mình, độc thân là lựa chọn dễ dàng và đơn giản nhất. Nhưng thi thoảng cũng nghĩ nếu mình chọn độc thân cả đời thì không biết có bỏ qua nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà chỉ việc lập gia đình đem lại hay không? Chung quy lại thì vẫn là nếu gặp được người đủ tốt thì sẽ xem xét còn không thì thôi".

Lấy chồng đi và những chuyện dở khóc dở cười vì bị giục kết hôn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- Khi sống độc thân trở thành xu hướng

Theo Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê Việt Nam được công bố vào tháng 4/2020, tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam đã tăng lên theo từng năm trong giai đoạn 1989 - 2020. Cụ thể năm 1989 là 23,8 tuổi và đến năm 2020 là 25,7 tuổi, tăng 1,9 tuổi.

Trong vài năm gần đây, "Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi", "Chính sách hỗ trợ cho gia đình sinh đủ 2 con" là những chủ đề được dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm. Dưới góc độ chính sách, việc người trẻ kết hôn là yếu tố để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030. Tuy nhiên ở góc độ thực tiễn, mỗi người lại có quan điểm khác nhau đối với việc cưới hỏi và sinh con, người thì mong mỏi kết hôn sớm, người lại vẫn hài lòng với cuộc sống độc thân.

Không riêng Việt Nam mà người trẻ ở nhiều quốc gia châu Á cũng có xu hướng không “mặn mà” với chuyện hôn nhân, kết hôn muộn hoặc lựa chọn cuộc sống độc thân. Thậm chí ở Hàn Quốc còn có một từ mới là "honjok", được ghép bởi 2 từ có nghĩa là "một mình" và "bộ tộc" dùng để chỉ những người chọn sống một mình. Ngoài ra còn một từ nữa để chỉ các cô gái không muốn lấy chồng là "bihon".

Nhưng dù ở quốc gia nào thì những người trẻ chọn độc thân đều có những lý do cơ bản như: ưu tiên phát triển bản thân, chú trọng sự nghiệp, sợ thiếu tự do và trách nhiệm trong hôn nhân, lo lắng về việc nuôi dạy con cái, bị ảnh hưởng từ các câu chuyện đổ vỡ đã được chứng kiến...

Thực ra mọi lựa chọn trong cuộc sống đều có hai mặt, giống như hai mặt của đồng xu. Độc thân hay kết hôn cũng vậy, không có cuộc sống nào là hoàn hảo mà cả hai đều có những điểm tốt và chưa tốt. Vì thế quan trọng nhất là mỗi người đều có một lựa chọn phù hợp và cảm thấy thoải mái với quyết định đó của mình.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang