Chỉ còn nửa tháng nữa là năm 2024 đã khép lại. Với sức sáng tạo "đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới" của mình, Gen Z tiếp tục bổ sung vào từ điển của mình hàng loạt từ lóng, câu nói viral mới, lơ là một chút thôi là lạc hậu ngay.
Tưởng tượng một ngày lướt mạng, bỗng dưng “lò vi sóng” không phải là lò vi sóng trong bếp mà lại mang một ý nghĩa khác, bỗng dưng nhỏ bạn thân cứ “bảnh” này “thắm” kia,... Thỉnh thoảng đi comment dạo trên mạng thì lại bị nói “Đã ai làm gì đâu, đã ai chạm vào đâu”. Ê nha! Rất ê đó nha!
1/ Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới
Tác giả của câu nói này chính là NSND Tự Long trong tập đầu tiên của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Khi được hỏi về cựu danh thủ Hồng Sơn, NSND mô tả: "Nếu làm anh em thân thiết nhau rồi thì cũng vui lắm. Tới bến tới bờ đấy, cũng đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới".
Dựa vào cách sử dụng này, có thể hiểu “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” là trạng thái vui vẻ đột ngột/ niềm hạnh phúc vô cùng hoặc thứ gì đó đạt mức xuất sắc. Ngay lập tức, câu nói với loạt từ giàu hình ảnh này viral trên MXH, được nhiều người sử dụng.
Trong đợt concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai ở Hà Nội vừa qua, NSND Tự Long cũng tự biến tấu câu nói viral của mình thành “thủng nóc, bay trần, tung trời”, ý chỉ còn vượt cả “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới”.
2/ Check VAR - liêm
“Check VAR” là thuật ngữ được sử dụng lĩnh vực bóng đá, trong đó VAR là từ viết tắt của “Video Assistant Referee”, dùng để ám chỉ hành động kiểm tra lại các tình huống tranh cãi trên sân bóng qua hệ thống VAR.
Tháng 7/2023, “check VAR” bắt đầu được sử dụng nhằm kiểm chứng thông tin từ những bài flex trong group Flex đến hơi thở cuối cùng. Nhưng thời điểm đó, “check VAR” chưa thực sự viral.
Đến tháng 9/2024, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, netizen dấy lên làn sóng “check VAR” các khoản tiền đã được quyên góp, đặc biệt là với nghệ sĩ, KOLs và tập thể. Lúc này “check VAR” được hiểu là kiểm tra những người đã làm khống số tiền ủng hộ.
Kết quả, những cá nhân/tập thể “phù phép” tiền ủng hộ thì gọi là “phông bạt”. Họ đã lên thừa nhận lỗi sai của mình và tạo ra 1 sự kiện chưa từng có gọi là: Đại hội xin lỗi. Còn người chuyển đúng số tiền đã chia sẻ trước đó thì được gọi là “liêm” (trong liêm chính, liêm khiết,…), nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng.
3/ Matcha hunter
"Matcha hunter" là từ ám chỉ quá trình lần theo dấu vết để tìm ra người thứ 3 trong mối quan hệ, ăn theo series "cô bảo mẫu tuyệt vời của gia đình tôi" rầm rộ trên MXH hồi tháng 4/2024.
4/ Bảnh, thắm
“Bảnh” là từ lóng chỉ cách xưng hô theo ngôi thứ nhất, thay cho cách xưng hô thông thường như tôi, mình, tớ và được sử dụng rộng rãi ở Threads. Thực chất, nghĩa gốc của bảnh là tính từ để khen một người có vẻ đẹp chải chuốt (bảnh bao), cũng được nhiều người hiểu là "Khá Bảnh" theo chiều hướng vui vẻ, tích cực.
Việc sử dụng danh xưng "bảnh" để làm câu chuyện trở nên gần gũi hơn, thoải mái chia sẻ niềm vui nho nhỏ của mình mà không sợ ai đánh giá.
“Thắm” cũng được sử dụng với ý nghĩa và sắc thái tương tự “bảnh” nhưng nếu "bảnh" là cách xưng hô được cả nam và nữ sử dụng thì "thắm" lại được phái nữ chuộng.
5/ Ê *icon ngón trỏ chỉ vào người xem*
“Ê” trong tiếng Việt có thể dùng như một tiếng gọi "Ê, mày đang đi đâu đó?". Còn năm 2024, “ê” được dùng như một lời cảnh báo, một câu cảm thán khi thấy một sự việc, sự vật nào đó đặc biệt. Đi kèm với “ê” thường là icon ngón trỏ chỉ vào người xem.
6/ Đã ai làm gì đâu, đã ai chạm vào đâu
Người tạo nên câu nói này là Quang Trung tại Anh Trai Say Hi. Câu nói được anh chàng sử dụng trong phần trò chơi thử thách cùng team Regret.
Sau khi chương trình lên sóng, cử chỉ và âm lượng làm quá của Quang Trung khiến âm thanh "gây sốt" trên MXH. Cư dân mạng sử dụng nó trong nhiều tình huống khác nhau, thể hiện "nỗi oan thấu trời xanh" khi bản thân chưa có bất kỳ hành động nào mà đã bị đối phương đánh giá, chỉ trích.
7/ Nín
Từ này bắt nguồn từ đoạn clip của một em bé tên Sữa. Trong đoạn clip, người mẹ hỏi: "Ở lớp con khóc thì cô bảo như nào?" thì Sữa đặt ngón tay lên môi và nói duy nhất 1 từ: "Nín". Biểu cảm và cách kéo dài chữ n của Sữa y hệt với cô giáo ở trên lớp khiến bà và mẹ được phen cười ngả nghiêng.
8/ Chill guy
Từ "chill guy" được họa sĩ Philip Banks dùng để miêu tả nhân vật chú chó nâu được nhân cách hóa do chính anh phác hoạ, đăng tải trên X (Twitter cũ) vào năm 2023. Tạm dịch mô tả nhân vật: Đây là nhân vật mới của tôi. Anh ấy được tạo ra là một chàng trai thư giãn, trông nhẹ nhàng và không quan tâm.
Đến tháng 11/2024, chill guy mới thực sự bùng nổ trên MXH, được nhiều người dùng sử dụng để trở thành biểu tượng cho sự lạc quan, bình tĩnh và thoải mái trước mọi khó khăn, trở thành trend chill guy. Nó khiến nhiều người cảm thấy... đồng cảm.
9/ 8386
Theo cách lý giải phổ biến nhất, cách đọc phiên âm tiếng Hán của “8386” là “bát tam bát lục” gần giống với câu "phát tài phát lộc", thể hiện lời chúc, cầu mong thịnh vượng và may mắn. Vì vậy câu này vốn có ý nghĩa như một lời chúc phúc.
Với cư dân mạng, “8386” không chỉ được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hàng ngày mà còn trong các bài đăng, dòng trạng thái, bình luận. Nhiều người gửi dãy số này như một lời chúc tốt đẹp dành cho bạn bè và người thân dịp đầu năm mới, khai trương hay các sự kiện đáng nhớ.
10/ Cộng tươi
“Cộng tươi” bắt nguồn từ clip của TikToker Vy Anh - chủ quán trà sữa, mỳ cay nổi tiếng tại Long An. Trong các đoạn clip của mình, Vy Anh thường bày tỏ cảm xúc vui vẻ kèm chú thích: “Khi có các ‘cộng tươi’ đến quán”. Do đó, những ai đã từng theo dõi lâu đều hiểu, “cộng tươi” là cụm từ để chỉ các chàng trai trẻ, có ngoại hình sáng, điển trai và rất cuốn hút.
Bên cạnh đó, Vy Anh cũng hài hước cho rằng “cộng tươi” còn đồng nghĩa với việc “bội thu”, chứng minh kinh doanh của quán hôm đó rất tốt.
Sau này, cụm từ tiếp tục viral khi được Pháp Kiều liên tục sử dụng trong chương trình Anh Trai Say Hi. Mỗi khi muốn dành lời khen cho các anh trai khác sau các tiết mục trình diễn, thay vì nói “Đẹp trai quá”, Pháp Kiều sẽ nói: “Cộng Tươi nha! Bài này Cộng Tươi!”. Từ đó, cụm từ này được giới trẻ sử dụng thường xuyên hơn trên mạng lẫn đời sống hàng ngày.
11/ Tẻn tẻn
“Tẻn tẻn” là tính từ, chỉ những người có tính cách tưng tửng, vô tri, thích làm trò và hài hước. Các từ đồng nghĩa có thể sử dụng tương đương “tẻn tẻn” gồm có tồ tẹt, ngố tàu,...
Dù chưa rõ ai là người khơi mào cho “tẻn tẻn” nhưng trên MXH từ này được xuất hiện trên MXH từ khoảng tháng 7/2024 - cùng thời điểm mới phát sóng 2 show Anh Trai - Anh Tài. Sau đó các anh trai đã tích cực lăng xê, sử dụng cho từ này nhiệt tình.
12/ Lò vi sóng
Lò vi sóng là một thiết bị, đồ dùng rất phổ biến trong mỗi gia đình. Ngoài cơ chế hoạt động ai cũng biết này thì mỗi lần muốn làm nóng lại một món đồ ăn nào đó, người ta vẫn hay thường nói: "Dùng lò vi sóng quay lại món này đi". Và cũng chính cụm từ này khiến Gen Z liên kết đến một trạng thái trong tình yêu là: Chia tay - quay lại.
"Lò vi sóng" trong định nghĩa của Gen Z nói chung hay trong chuyện yêu đương nói riêng ám chỉ việc ai đó cứ chia tay rồi quay đi quay lại nhiều lần với người yêu cũ.
13/ Vượt mức pickleball
Cụm từ này được xuất phát từ bài Pickleball của Đỗ Phú Quí: "Ta chỉ chơi pickleball/Không nên vượt mức pickleball". Bài hát bị cộng đồng mạng gắn mác "thảm họa âm nhạc" của năm bởi giai điệu và ca từ khó hiểu.
Thực tế, “vượt mức pickleball” được hiểu là "vượt quá giới hạn". Dù phản đối cách làm nhạc hời hợt của nghệ sĩ nhưng "vượt mức pickleball" lại được netizen chia sẻ rầm rộ.
Hiện cụm từ này được dùng nhắc nhở, cảnh báo về sự vật, hiện tượng vượt quá giới hạn thông thường, mang sắc thái mỉa mai và hài hước. Vì vậy thay vì nói "Quá trớn rồi", "Làm lố rồi đó"... netizen thường dùng “Vượt mức pickleball rồi đó!”.
(Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.