Tình trạng con cái dùng điện thoại nhiều quá đến mức quên ăn quên ngủ khiến nhiều cha mẹ lo lắng không biết nên làm gì. Nhắc nhở thì con không nghe, còn sử dụng những biện pháp mạnh thì có thể khiến trẻ trở nên cực đoan và hay la hét, ăn vạ. Không chỉ riêng cha mẹ Việt mà ngay cả những phụ huynh nước ngoài cũng phải đau đầu về việc con mình sử dụng điện thoại nhiều quá. Để tránh tình trạng nghiện điện thoại của con trở nên nặng nề hơn, những ông bố bà mẹ này đã nghĩ ra các "tuyệt chiêu" để con mình không còn bị sà đà vào các thiết bị công nghệ này.
Đặt ra giới hạn rõ ràng với con
Cô Jennifer Alsip đến từ Robinson, Texas (Mỹ), không thể nào chịu đựng nổi khi cô con gái 17 tuổi của mình suốt ngày dính lấy cái điện thoại: "Con bé không thể nào rời xa nó được, tôi thì không đủ khả năng trả thêm 15 hoặc 30 đô la mỗi tháng mỗi khi con bé sử dụng hết dữ liệu trong máy". Chính vì thế Jennifer đã đưa ra lời cảnh cáo với con mình rằng: một là dừng ngay việc dùng điện thoại liên tục lại hoặc không thì cô sẽ tịch thu nó đi. Sau đó, cô nhận ra mình có thể làm một việc khác đó là cắt Internet trên điện thoại của con gái mình khi cô bé sử dụng đến hạn mức tối đa dữ liệu trong máy.
Cô Jennifer Alsip đã từng rất đau đầu khi con gái 17 tuổi của mình không ngừng sử dụng điện thoại (Ảnh minh họa). |
"Con bé biết mình có giới hạn nên không còn dùng điện thoại nhiều như trước nữa. Từ đó về sau chúng tôi ăn tối mà không bị điện thoại làm phiền bởi những thông báo trên điện thoại, con bé cũng không còn chạy ngay đến điện thoại để kiểm tra xem thần tượng của nó đang làm gì nữa", cô Jennifer mỉm cười chia sẻ.
Melissa Barrios, một bà mẹ 2 con ở Ventura, California (Mỹ) đã trả thêm 5 đô la mỗi tháng cho một chương trình đặc biệt cho phép cô tắt điện thoại của cô con gái 13 tuổi từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau.
"Ban đầu điều đó thật kỳ lạ với con bé và nó luôn nói rằng: 'Bố mẹ bạn con không bao giờ làm như thế'. Nhưng tôi trả lời con rằng: 'Chà, bố mẹ không phải là phụ huynh của bạn con, mà bố mẹ chính là bố mẹ của con'".
Ngắt kết nối internet trên điện thoại là một trong những cách cai nghiện điện thoại cho trẻ (Ảnh minh họa). |
Chế tạo chiếc hộp đựng điện thoại "thần kì"
Anh Mark Love, một thợ làm gỗ ở ngoại ô Austin, Texas (Mỹ) và là cha của 2 đứa con, trong đó có cậu con trai 12 tuổi đang sử dụng điện thoại. Anh đã than thở với một người bạn thân rằng công nghệ đã thay đổi sự nhiệt tình trên bàn ăn, không chỉ trẻ em mà cả với người lớn nữa.
Chính cuộc trò chuyện đó, cộng thêm việc anh sắp làm một món quà sinh nhật cho bạn - đã khiến Mark nảy ra ý tưởng sáng tạo chiếc hộp mang tên "Hãy trở thành món quà" (Be Present box). Đấy là một chiếc hộp nhỏ, làm bằng gỗ, được chế tác cẩn thận và khắc thêm các hướng dẫn rõ ràng về cách cha mẹ có thể sử dụng. Bên trong chiếc hộp có ghi: 1. Cất điện thoại vào trong hộp. 2. Đóng nắp lại, và trên nắp hộp thì có ghi chú: 3. Hãy trở thành món quà.
Thấy mỗi bữa ăn không còn sự nhiệt tình do mọi người đều sử dụng điện thoại nên anh Mark Love đã sáng tạo ra chiếc hộp "Be Present" (tạm dịch: "Hãy trở thành món quà")
Chiếc hộp "thần kì" giúp trẻ tránh xa điện thoại. |
Ông bố 2 con này sau đó đã đăng một bức ảnh về sáng tạo của mình lên trang Facebook và đi ngủ. "Tôi thức dậy vào sáng hôm sau và nó đã nhận được hàng chục ngàn lượt thích và chia sẻ". Ngay cả những người ở đất nước xa xôi như Úc, Đan Mạch và Anh cũng nghe nói đến chiếc hộp này.
Mỗi chiếc hộp được bán với giá 60 đô la và nó đã thay đổi hoàn toàn bữa tối của gia đình anh, lũ trẻ đứa nào cũng tranh nhau đặt điện thoại của chúng vào bên trong trước. "Thỏa thuận đặt ra là các con sẽ không được lấy điện thoại ra cho đến khi nào bữa tối kết túc. Tôi nghĩ điều này đã thực sự tạo ra được sự khác biệt lớn".
Không cho con sử dụng điện thoại ngay từ đầu
Ann Brown, một bà mẹ đơn thân của một cậu con trai 17 tuổi ở Cleveland (Mỹ) cho biết cách tốt nhất để đối phó với vấn đề trẻ em nghiện điện thoại di động là không cho chúng sử dụng ngay từ đầu.
Nhiều người sẽ thắc mắc làm thế nào mà cô Ann có thể làm được điều đó khi mà đứa trẻ nào bây giờ cũng có 1 chiếc điện thoại. "Đó là bởi vì tôi là mẹ và tôi là người lớn hơn", cô Ann Brown trả lời với một tiếng cười khúc khích. Cô cho biết con trai cô không bao giờ nhắn tin ở bàn ăn hoặc kiểm tra e-mail lúc cả nhà đi ăn bên ngoài, thay vào đó cậu bé có thể trò chuyện với người lớn.
"Quay trở lại vấn đề chính. Tôi là cha mẹ. Khi tôi nói 'không' thì nó thực có nghĩa là 'không'. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cha mẹ ngày nay đều không muốn con mình dùng điện thoại nhiều đến thế nhưng họ hay nhượng bộ, và bạn không thể nhượng bộ với tư cách là cha mẹ bởi vì sau đó điều gì xảy ra tiếp theo? Lũ trẻ sẽ đòi hỏi bằng được những gì chúng muốn".
Cô Ann Brown ngay từ đầu đã không cho con trai mình sử dụng điện thoại (Ảnh minh họa). |
Sandra Bond Chapman, tác giả của cuốn sách "Làm cho bộ não của bạn thông minh hơn" và là người sáng lập cũng như giám đốc của Trung tâm chăm sóc sức khỏe tại Đại học Texas ở Dallas (Mỹ), cho biết các bậc cha mẹ nếu lo ngại con cái phụ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số thì trước tiên cha mẹ nên nắm bắt được về công nghệ trước.
Thứ hai, bà đề nghị các trẻ em có thể thực hiện thử thách "đào tạo xen kẽ", trong đó chúng sẽ dành 30 phút để làm bài tập về nhà mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào từ công nghệ, và trong 30 phút tiếp theo, chúng được phép kiểm tra điện thoại hoặc các thiết bị khác. (Bạn cũng có thể thử 15 phút nếu con bạn không thể rời khỏi điện thoại trong 30 phút!)
Khi thực hiện thí nghiệm này với những thanh thiếu niên, Sandra cho biết lũ trẻ rất ngạc nhiên khi thấy mình làm rất tốt mọi việc khi không bị phân tâm bởi công nghệ. "Những gì chúng nhận thấy là có thể hoàn thành bài tập về nhà gần như chỉ trong 1/4 thời gian chúng cần. Những thanh thiếu niên này thấy rằng bản thân chúng học tốt hơn vào ngày hôm sau, khi làm bài kiểm tra hoặc cố gắng ghi nhớ kiến thức".
Nguồn: CNN
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.