Ở Ấn Độ, Mumbai nổi tiếng là thành phố thịnh vượng nhất, có diện tích rơi vào khoảng 603,4 km2 và dân số 18 triệu người.
Thành phố "2 giàu - 8 nghèo"
Từ xa, Mumbai chào đón mọi người bằng vẻ ngoài hào nhoáng, bày la liệt các tòa nhà chọc trời to đẹp, khu thương mại sầm uất, đường phố hiện đại rộng rãi, sạch tinh…
Nhưng ngay sau lưng nó lại là những khu ổ chuột xập xệ, nghèo đói. Các gia đình từ 4 người trở lên chen chúc nhau trong những căn phòng chỉ rộng chừng 18m2. Tiếng trẻ con khóc, người lớn cãi vã, tivi mở to, đồ đạc va đập, rơi vỡ… ồn ào khắp các ngả.
Mumbai, thủ đô "2 giàu - 8 nghèo" rõ rệt
Trong số 18 triệu dân của thành phố, chỉ 20% sống trong "nửa hoa lệ", 80% còn lại chui rúc giữa các khu ổ chuột (rơi vào khoảng 14,4 triệu người).
Ở Ấn Độ, Mumbai không chỉ là thành phố phát triển nhất mà còn là thủ đô của quốc gia. Vô số các công ty, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đài… lũ lượt mọc lên, tạo cơ hội xin việc làm cho đông đảo dân số.
Chính vì lẽ đó, cư dân Ấn Độ trên khắp đất nước đua nhau đổ vào đây. Song bởi điều kiện kinh tế thấp, họ buộc lòng phải chấp nhận nhồi nhét trong những khu chung cư, nhà trọ bình dân giá rẻ. Vô hình trung, điều này tạo nên sự đối lập giàu-nghèo rõ nét giữa thành đô.
Tiếng ồn: Kẻ thù của sự tập trung
Trong số 14,4 triệu cư dân khu ổ chuột Mumbai, có không ít thanh thiếu niên đang tuổi ăn tuổi học. Tuy nhiên, các em không chỉ "ăn và học" mà còn phải lo làm thêm phụ giúp gia đình. Hầu hết chỉ có thể dành thời gian nghỉ ngơi vào buổi tối để bắt đầu hành trình đèn sách.
Khu ổ chuột ồn ã là kẻ thù của sự tập trung học hành
Nhưng đêm sang cũng là lúc người lớn tạm dừng công việc, trở về phòng trọ. Cùng với đám trẻ con quấy khóc, la hét, họ tạo nên hỗn độn âm thanh khủng bố. Đối với những cái đầu đang muốn tập trung, đó quả là thách thức khổng lồ.
Lẽ dĩ nhiên là một thủ đô như Mumbai không thể nào thiếu các địa điểm dành riêng cho học tập. Chúng bao gồm các phòng đọc sách hay thư viện chất đầy tài liệu tham khảo, vô cùng yên tĩnh.
Có điều muốn sử dụng, các em phải đóng phí từ $20-80 năm (khoảng 470.000-1.865.000 vnđ). Mặc dù mức giá này không cao, chỉ tương đương với phần lớn các phòng đọc hay thư viện trên thế giới, nó vẫn là một "gia tài" với trẻ em nghèo.
Tốt nhất là... ra đường cho yên tĩnh
Có vẻ như là từ thập niên 1930, trẻ em nghèo hiếu học ở Mumbai đã chịu hết nổi tiếng ồn trong khu ổ chuột. Dù không ai bảo ai, tất cả lặng lẽ ôm sách vở rời phòng, ra ngoài đường (lúc này đã vắng vẻ), ngồi dưới những trụ đèn thắp sáng thâu đêm mà học.
Nhìn các em nỗ lực, ai nấy đều cảm động. Họ bảo nhau cố gắng im lặng để không làm phiền. Một số cơ quan dân sự, tổ chức từ thiện, chính trị gia địa phương… đem lòng cảm phục, tự nguyện lắp thêm bóng điện, đặt vài băng ghế…
Thế rồi thời gian trôi, ngồi học ngoài đường trở thành truyền thống mới trong "nửa nghèo túng" của Mumbai. Tại một số nơi, người ta còn nhiệt tình xây phòng tự học, phát trà, bánh miễn phí.
Có điều các phòng tự học tiện nghi vẫn còn rất ít. Thế nên đa phần học sinh nghèo Mumbai vẫn phải cắp sách ra đường, ngồi làm bài tập ngay trên hè phố.
Buổi đêm tri thức: Chỗ nào có ánh sáng, chỗ đó có người ngồi học
Khi hoạt động ban ngày lắng xuống, phố xá lên đèn cũng là lúc trẻ nghèo Mumbai rời khu ổ chuột. Từ dưới các trụ đèn đường trên lề phố vắng cho đến chân cột tượng đài, ghế đá công viên… cứ chỗ nào có ánh sáng là chỗ đó có người ngồi học bài.
Rải tờ báo xuống làm chiếu, đặt balô, bình nước, quạt tay xuống, lấy sách vở, bút thước ra, việc học bắt đầu. Bất chấp đám muỗi phá rối và cái nóng ngột ngạt, tất cả cặm cụi làm bài tập.
"Tôi đã từng học ngoài đường suốt 3 năm, cứ mỗi kỳ thi là lại thức thâu đêm mà học," - Motorwala, sinh viên khoa luật 22 tuổi kể lại. Nhờ cư dân biết ý giữ gìn sự im lặng, đường phố ban đêm biến thành địa điểm lý tưởng cho các em học hành.
Những góc học tập tiện nghi thế này tuy có nhưng rất ít
Không ít sinh viên nghèo Mumbai đã nhờ "đường phố đêm" mà "nên danh trạng". Một vài người, ví dụ như Ghulam Jilani Quadri - người đang theo học tiến sĩ, đã nhờ "ngồi học ngoài đường" mà được nhà hảo tâm, tổ chức phúc lợi nể phục, tài trợ cho ăn học lên cao.
Cũng "ở ngoài đường", các em thoải mái giao lưu kết bạn, trao đổi kiến thức, hình thành các đôi bạn hoặc nhóm học tập.
Dẫu vậy, vẫn có một chút đáng tiếc trong "truyền thống học tập mới" này. Đó là nó không tạo cơ hội cho sinh viên-học sinh nữ. Đêm tối luôn là kẻ thù của con gái. Các sinh viên-học sinh nữ chỉ dám ngồi học đến muộn nhất là 9h.
Thế nhưng "Tôi vẫn thấy rất biết ơn," - Aarti Dighe, nữ sinh viên 23 tuổi bày tỏ. Mặc dù từ lúc nghỉ làm thêm cho đến 9h tối chưa đủ để cô hoàn thành toàn bộ bài vở, song nó vẫn là khoảng thời gian quý giá, cần có cho tương lai.
Tham khảo Atlas Obscura
Theo trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.