Các trường THCS đã cho học sinh tự ôn tập, nghỉ ngơi trước kỳ thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn kín lịch ôn luyện các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ tại các trung tâm, lò luyện thi.
Sáng 18/6, học sinh làm bài thi Ngữ văn (120 phút); chiều cùng ngày thi Ngoại ngữ (60 phút); sáng 19/6, thi môn Toán (120 phút).
Anh Nguyễn Văn Tuấn, có con học lớp 9, Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nói: “Mấy hôm nay, con vẫn thức đến 1-2 giờ sáng để ôn bài. Con không tự tin về môn Ngữ văn nên nhiều hôm cả mẹ và con cùng học với nhau để hi vọng lấy được điểm 7. Con rất áp lực vì gia đình không có điều kiện để cho học trường ngoài công lập”.
Cô Lê Thị Hương, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), nói rằng, học sinh cần vừa học tập, ôn luyện một cách khoa học, bố trí thời gian học và nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Mỗi ngày đặt ra kế hoạch sẽ ôn tập một phần nội dung, trước khi đi ngủ tự xem mình đã hoàn thành kế hoạch hay không.
Khi làm bài thi, học sinh lưu ý những lỗi thường gặp và mất điểm một cách rất đáng tiếc đối với môn Toán, như: lỗi vẽ sai hình ở bài hình. Trong đề thi, bài hình chiếm tới 3 điểm, nếu học sinh vẽ sai hình sẽ mất điểm hoàn toàn, rất đáng tiếc. “Ngoài ra, cần đọc kỹ đề, làm cẩn thận từng câu ra giấy nháp sau đó mới làm vào bài thi và quan trọng hơn hết là các em phải dành khoảng 10 phút cuối để rà soát, tính lại các đáp án trước khi nộp bài”, cô Hương nói.
Tận dụng tối đa thời gian làm bài
Đối với bài thi môn Ngoại ngữ, cô Lưu Tú Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, khuyên, học sinh cần sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tâm lý căng thẳng, áp lực dẫn đến việc bài thi không hiệu quả. Thời điểm này các em hệ thống lại một lần nữa để ghi nhớ, tránh những lỗi thường gặp. Đầu tiên, phải kể đến là lỗi liên quan trọng âm, cần lưu ý một số trường hợp danh từ, tính từ, động từ đặc biệt có cách phát âm khác với quy luật thông thường; một số cặp nguyên âm có cách viết giống nhau nhưng cách phát âm khác nhau; chú trọng phát âm có âm “s” ở đuôi; một số phụ âm có cách viết giống nhau, cách phát âm khác nhau…
Theo cô Oanh, những năm gần đây, học sinh được đầu tư và có năng lực tiếng Anh vượt trội trong khi đề thi cơ bản, không quá khó. Do đó, có tình trạng học sinh chủ quan hoàn thành đề thi trong vòng ít phút và… nằm ngủ đến hết thời gian thi. Tuy nhiên, sau đó mới ngỡ ngàng phát hiện mình đã mắc sai lầm, không đọc kỹ đề, không sử dụng phương án loại trừ các đáp án, vội vàng tích vào ô mình nghĩ là đúng trong khi đó, vẫn có đáp án gây nhiễu. Hay đối với bài đọc, học sinh cần đọc một lượt từ đầu đến cuối bài để hiểu nội dung chính, gạch chân từ khóa trong câu hỏi rồi mới trả lời.
“Ngoài ra, học sinh nên sử dụng bút chì 2B để tô đáp án đúng, không ấn mạnh dẫn đến bóng kết quả, tận dụng hết thời gian để làm bài thi”, cô Oanh nói. Cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), nói rằng, học sinh cần ôn thật kỹ về phương thức biểu đạt của văn bản, các biện pháp tu từ và tác dụng của các biện pháp tu từ, phương tiện liên kết câu trong văn bản để trả lời chính xác các câu hỏi trong phần đọc hiểu. Ở phần nghị luận văn học, học sinh không để mất điểm ở những nội dung cơ bản liên quan tác giả, tác phẩm như năm sinh, năm mất, quê quán, phong cách sáng tác…
“Nắm chắc chủ đề nội dung tư tưởng của tác phẩm, khi làm văn phải đọc thật kỹ yêu cầu đề bài để viết đoạn văn, chú ý tránh các lỗi về lạc đề hay viết quá dài dòng. Ngoài ra, cách diễn đạt bài văn cần rõ ràng, mạch lạc, có sáng tạo để đạt được điểm cao”, cô Nga nói.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.