Chuyện ngủ
Hồi con mới mấy tháng, bạn bè tới chơi, thấy tối tôi ấp con ngủ đã giãy nãy lên: "Trời ơi, sao không học người Pháp, từ viện về đã cách ly mẹ vào phòng riêng rồi đó, như vậy mới học được tính tự lập". Quan điểm của tôi là, con mới rời khỏi vùng an toàn là tử cung của mẹ, giờ lại thả con một mình một cõi không đành. Tính tự lập còn từ từ dạy dỗ khi con lớn hơn, nhưng cảm xúc quấn quýt mẫu tử ban đầu biết bao giờ tìm lại được. Với lại, có lần tôi đọc được, TS tâm lý học Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ tịch Hiệp hội tâm lý Pháp Việt) đã nói: “Việc người Pháp cho bé ngủ giường riêng, phòng riêng ngay từ đầu không gắn liền với ý đồ dạy con tự lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó bắt đầu bởi tâm lý sợ ngủ chung làm con chết ngạt từ thế kỷ thứ X ở đất nước chúng tôi. Thực ra, bé vừa sinh ra ngay lập tức cho vào phòng riêng cũng không hẳn tốt. Môi trường lạ lẫm và nhiều tác động khá phức tạp với một em bé mới sinh”.
Chuyện ăn
Đến lứa tuổi ăn dặm, tôi cũng hoa mắt trước cả “rừng” phương pháp. Suy đi tính lại tôi vẫn chọn ăn dặm truyền thống. Tất nhiên, tôi đã lược bỏ những thứ mà khoa học đã chứng minh là không cần thiết trong cách chế biến truyền thống như ninh nước xương và rau củ quả hay nói không với “ăn rong” hay vừa ăn vừa làm trò và xem truyền hình, ipad.
Tôi hầm một nồi cháo trắng để con ăn suốt ngày. Các loại thịt cua tôm cá thì xay nhỏ rồi trộn với rau cũng xay nhỏ và cháo mỗi lần ăn. Mới tập ăn thì tôi cho con ăn bột gạo với rau thịt xay nhuyễn, lớn hơn thì ăn cháo hạt với thịt rau xay lổn nhổn.
Thời gian ăn không quá 30 phút và không ép trẻ ăn hết
Tôi mất không nhiều thời gian chuẩn bị vì cách chế biến khá đơn giản. Thời gian ăn tuyệt đối không kéo dài 30 phút và không ép ăn hết, tùy nhu cầu của con. Khi tôi xúc thìa để đút cho con ăn thì con cũng rất thích được tự tay cầm cán thìa. Tôi tận dụng luôn cơ hội đó dạy con tập cách tự xúc ăn. Ban đầu sẽ hơi bẩn nhưng từ từ con sẽ quen và tự xúc ăn được.
Chuyện phạt con
Tôi biết các nước Nhật, Mỹ… ủng hộ dạy con bằng cách khuyên nhủ mềm mỏng, tôn trọng quyền cá nhân của con chứ không được dùng hành động đánh con hay thẳng tay có những hành động xâm phạm đến cơ thể trẻ. Tôi cũng đã kiên nhẫn giải thích, khuyên nhủ con nhưng theo tôi, “Thương cho roi cho vọt” là điều cần thiết và không thể thiếu trong quá trình lớn lên và phát triển của những đứa trẻ. Các cụ ta từ bao đời nay đã đúc kết ra kinh nghiệm này, không có đòn roi của ba mẹ thì sẽ không có những người con trưởng thành và thành đạt như trong xã hội ngày nay. Việc không dạy bảo bằng roi vọt thì trẻ sẽ không nghe lời, thích gì làm nấy và càng ngày càng trở nên hư đốn. Tất nhiên, cha mẹ phải đánh để răn đe chứ không phải đánh chỉ để trút giận. Hai vấn đề này lại hoàn toàn khác nhau.
Hẳn là bên cạnh những mặt lợi của các phương pháp giáo dục hiện đại mới nhất được áp dụng ở các nước phát triển, có thể là do các yếu tố khác nhau mà trẻ Việt Nam không thể thích ứng hay đạt được những hiệu quả mong muốn như trẻ ở nước ngoài. Bố mẹ cũng cần quan tâm con nhiều hơn để sáng suốt tìm ra cách giáo dục con phù hợp với con mình. Và tôi nghĩ, dù đứa trẻ có thế nào đi nữa, triết lý giáo dục của bố mẹ ra sao thì cần nhất vẫn là sự yêu thương và quan tâm của gia đình, của cha mẹ để trẻ con có thể phát triển tốt nhất đúng với lứa tuổi của mình.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.