Cấp cứu kịp thời bệnh nhân nước ngoài bị ra huyết âm đạo nhiều do bệnh lý lạc nội mạc tử cung
Chị C.J.Yu., 34 tuổi, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), đang công tác tại Bình Dương và Đồng Nai. Tại Đài Loan, chị được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung (LNMTC) trong cơ tử cung và được cho điều trị nội khoa (uống thuốc) trong thời gian 5 tháng. Khi đến Việt Nam công tác, chị đang dùng thuốc theo toa và tình trạng vẫn ổn định.
Đến ngày 23/6/2023, chị thấy âm đạo ra huyết nhiều, liên tục kèm đau bụng nhưng một phần vì bận công việc, một phần vì ngại với đồng nghiệp nên chị bỏ qua. Tuy nhiên, đến khoảng 10g sáng ngày 26/6/2023, chị bị hoa mắt, chóng mặt, toàn thân vã mồ hôi do lượng máu đột ngột ra nhiều. Chị được đồng nghiệp đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận.
Nhận định đây là một trường hợp bệnh nặng và khẩn cấp, ê kíp trực tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện và tiến hành xử trí theo phác đồ chống sốc. Tại thời điểm này, chị C.J.Yu được chẩn đoán là một trường hợp cường kinh (ra máu âm đạo lượng nhiều), thiếu máu nặng trên bệnh nhân adenomyosis không đáp ứng với điều trị nội (dùng thuốc uống).
Dưới sự chủ trì của TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thuỷ, các bác sĩ xác định phải lập tức mổ cấp cứu để kiểm tra, có khả năng phải cắt bỏ tử cung do bệnh nhân bị mất máu quá nhiều. Nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu (máu chảy mà không cầm được), từ đó, dẫn đến suy gan, suy thận và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Đây là một tình huống khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, cả về pháp lý (chị C.J.Yu là người nước ngoài, lại không có người thân đi cùng) lẫn chuyên môn (bệnh nhân đã lập gia đình mà chưa có con nên việc phải cắt bỏ tử cung là một quyết định rất lớn).
Các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện đã nỗ lực thuyết phục, giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh, các nguy cơ và lợi ích của các phương án cho bệnh nhân. Sau khi trao đổi với gia đình qua Facetime, chị đã quyết định đặt hết niềm tin vào các bác sĩ tại bệnh viện và đồng ý làm phẫu thuật.
Ngày 27/6, ca phẫu thuật được tiến hành. Mặc dù trong tâm thế nỗ lực tối đa để giữ lại tử cung cho bệnh nhân nhưng toàn bộ tử cung đã bị biến dạng vì các khối u có kích thước từ 2-7cm nằm khắp nơi trong tử cung. Nếu tiếp tục bóc tách các khối u này để giữ tử cung thì nguy cơ rất cao. Sau khi khảo sát và cân nhắc hết các khả năng, ê kíp phẫu thuật đã quyết định phải cắt bỏ tử cung, giữ hai buồng trứng với hy vọng chị C.J.Yu có khả năng điều trị thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ sau này.
Sau 5 ngày điều trị và chăm sóc tại bệnh viện, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục.
TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thuỷ cho biết: “LNMTC trong cơ là một bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở khoảng 30 – 60% phụ nữ thuộc lứa tuổi sinh sản. Đây là một bệnh lý lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phụ nữ như trong trường hợp chị C.J.Yu. Do đó, khám phụ khoa định kỳ là hết sức cần thiết. Ngoài ra, khi đang điều trị nội khoa (dùng thuốc) mà có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, đặc biệt là ra huyết âm đạo rỉ rả, không cầm được thì chị em phụ nữ nên tái khám ngay để được xử trí kịp thời”.
Dưới đây là một số chia sẻ của BS. Nguyễn Mai An - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp – BV Mỹ Đức Phú Nhuận về căn bệnh lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung:
Lạc nội mạc tử cung nguy hiểm thế nào?
LNMTC trong cơ tử cung là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, khi mắc LNMTC trong cơ tử cung có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng có thai cũng như mang thai và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Đặc biệt, khi bệnh nhân không được theo dõi và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các nguy cơ biến chứng nặng như thiếu máu, mất máu nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phân biệt giữa lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung và u xơ cơ tử cung
LNMTC trong cơ tử cung hay còn gọi là bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis) và u xơ cơ tử cung (UXCTC) đều là những bệnh lý trên cơ tử. Cả 2 bệnh đều có khả năng ảnh hưởng đến kích thước tử cung và khả năng có thai của người phụ nữ. Trong một số trường hợp, cả hai bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng (thông thường, LNMTC trong cơ tử cung thường có khuynh hướng gây đau nhiều hơn), rối loạn kinh nguyệt…
Tuy nhiên, bản chất hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Đặc điểm phân biệt quan trọng trong bệnh lý LNMTC trong cơ tử cung là sự hiện diện lạc chỗ của mô tuyến nội mạc tử cung trong lớp cơ của tử cung, ranh giới với lớp cơ tử cung không được phân định rõ ràng và không có vỏ bao. Trong khi đó, UXCTC có vỏ bao, ranh giới giữa khối u và cơ tử cung rõ ràng.
Hai bệnh lý này thường được chẩn đoán dựa trên siêu âm. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể cần thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) để có thể xác định chính xác.
Ngay khi vừa phát hiện bệnh lý LNMTC trong cơ tử cung, có cách nào điều trị dứt điểm mà không phải cắt bỏ tử cung?
Hiện nay, gần như không có phương pháp điều trị triệt để đối với bệnh lý LNMTC trong cơ tử cung. Phương án cắt bỏ tử cung chỉ được chỉ định khi có biến chứng xuất huyết không kiểm soát được, gây chèn ép…
Việc theo dõi bệnh lý định kỳ, điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật khi cần thiết sẽ giúp hạn chế tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc các biến chứng gây ra.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.