Rau quả thực sự là nguồn dinh dưỡng vô tận dành cho sức khỏe con người và dưa leo cũng như thế. Loại quả này còn được gọi là dưa chuột, có nguồn gỗ từ Nam Á và hiện tại thì có mặt hầu như khắp mọi nơi. Ở nước ta cũng vậy, dưa leo khá phổ biến, không khu chợ, sạp rau nào là không có.
Đặc điểm nổi bật
Dưa leo là loại cây thân thảo, leo cao với nhiều tua cuốn để bám khi bò, nên thường người ta sẽ làm giàn. Tùy vào điều kiện canh tác cũng như giống cây mà dưa leo có thể dài từ 0.5 – 2 m. Thân cây tròn hoặc có góc cạnh, trên thân có một lớp lông mịn và mọc ra nhiều rễ ở trên lá mầm và lóng thân. Phần thân cây chính có phân nhánh nhưng điều này còn tùy tuộc vào sự ảnh hưởng của nhiệt độ ban đêm, thậm chí có nhiều dạng không phân nhánh.
Lá cây dưa leo có hai loại đó là lá mầm và lá thật. Lá mầm chính là loại lá nhú ra đầu tiền của cây khi phát triển từ hạt giống, lá có hình trứng, tròn, dài, làm nhiệm vụ quang hợp, tạo vật chất để nuôi cây cũng như lá mới. Còn lá thật của cây là những lá đơn, to, mọc cách trên thân. Lá có hình chân vịt 5 cạnh, hai mặt phiến lá có lông mịn, cuống lá có thể dài đến 15cm.
Hoa cây có màu vàng, có hoa đơn tính hoặc lưỡng tính, có giống cây có cả 3 loại hoa nhưng cũng có cây chỉ có 1 loại hoa mà thôi. Thông thường, hoa cái mọc ở nách lá, mọc thành một hoặc đơn lẻ, còn hoa đực mọc thành cụm từ 5 – 7 hoa. Hoa của dưa leo nhờ côn trùng thụ phấn là chính, bầu noãn của hoa phát triển rất nhanh, ngay trước khi hoa nở.
Quả dưa leo chính là thành phần được sử dụng chính. Quả khi còn non có gai xu xì và sẽ mất dần khi trái lớn. Quả có màu xanh đậm hoặc nhạt, ở một số quả có hoa văn sọc hoặc vệt, chấm. Và khi chín, dưa leo ngả sang màu vàng sậm, nâu hoặc trắng xanh.
Quả dưa leo sinh trưởng khá nhanh, thời gian từ khi ra hoa đến lúc hái được quả chỉ mất từ 8 – 10 ngày mà thôi. Bên trong quả chứa rất nhiều hạt, có thể có từ 200 – 500 hạt, màu trắng ngà.
Những công dụng tuyệt vời của dưa leo
Bên trong loại quả này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Trong đó, 96% là nước, các loại vitamin, muối khoáng….
Theo đông y, dưa leo có tính lạnh, vị ngọt; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu; chữa được các chứng bệnh thấp nhiệt. Còn theo Tây y, dưa leo có khả năng lọc máu, lợi tiểu, bài sỏi, hòa tan acid uric và muối urat giúp phòng chống bệnh Gút, an thần, hạ sốt; chữa một số bệnh ngoài da như nếp nhăn, nứt nẻ, da mốc, tàn nhang, da nhờn.
- Cung cấp nước cho cơ thể: Bởi vì bản thân dưa leo đã chứa đến 96% là nước, bên cạnh đó còn có muối khoáng, nên khi dùng nó sẽ giúp cơ thể cũng như da tránh được tình trạng mất nước.
- Giảm cân: Với những chị em phụ nữ mong muốn cải thiện số đo hình thể của mình thì chắc chắn không thể không làm bạn với dưa leo được rồi. Loại quả này chỉ chứa khoảng 13 calo, chứa rất nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa.
- Giúp giải độc cơ thể: Ăn dưa chuột tươi hay uống nước ép dưa chuột sẽ giúp đào thải chất dư thừa, chất độc cũng như kích kích cơ quan thanh lọc trong cơ thể.
- Làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về khớp, viêm khớp, bệnh gút: Dưa leo cung cấp silicum giúp tăng cường mô liên kết.
- Làm giảm lượng cholesterol trong máu: Đó là nhờ lượng sterols trong dưa leo làm giảm cholesterol, ức chế quá trình oxy hóa của các động mạch và làm giảm khả năng bị tắc nghẽn mạch máu.
- Tốt cho hệ tiêu hóa, chống táo bón do sự kết hợp hoàn hảo của nước và chất xơ.
- Có khả năng ngăn ngừa bệnh sỏi thận, giúp đào thải chất cặn bã - là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.
- Giúp điều chỉnh huyết áp ở mức ổn định: Bởi nếu ăn dưa leo nghĩa là đã trực tiếp cung cấp chất xơ, magie và kali cho cơ thể.
- Có khả năng dự phòng ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư tuyến tiền liệt.
- Công dụng làm đẹp vô cùng lớn: Dưa leo chính là nguồn vitamin E vô cùng dồi dào, có khả năng trung hòa độ pH của ca, làm liền sẹo nhanh chóng. Chất chống oxy hóa có trong loại quả này cũng giúp tăng cường tái tạo tế bào, làm giảm tác hại của các gốc tự do gây ra, làm chậm quá trình lão hóa, mang lại một làn da tươi trẻ…
Cách trồng cây
Một sự thực là dưa leo khá dễ trồng và cũng rất nhanh ăn quả, kể từ thời điểm gieo trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 2 tháng mà thôi. Nhiều công dụng đến vậy, lại không mất nhiều thời gian chờ đợi mà vườn nhà không trồng ngay cây dưa leo thì thật phí.
Để trồng được một giàn dưa leo xanh mát, đầu tiên cần chọn được giống tốt. Hiện nay có nhiều loại dưa leo như dưa leo xanh, trắng, dưa leo gai, dưa leo Thái nhưng phổ biến nhất vẫn là dưa leo giàn. Điều này còn tùy thuộc vào điều kiện cũng như mục đích của người trồng mà có thể lựa chọn để tìm mua các cửa hàng hạt giống.
Đối với đất trồng cây, nên trộn thêm với phân theo tỉ lệ 7:3, cùng với 20g phân lân, 20g NPK, 50g vô cơ và 20g hữu cơ vi sinh. Nếu trồng trong thùng xốp thì để dày khoảng 20 – 30 cm. Khác với những loại hạt giống khác phải ủ mầm trước khi gieo thì hạt giống dưa leo có thể trồng trực tiếp ngay. Khi gieo, hạt nằm cách nhau 20 – 30 cm và được phủ lên trên bằng một lớp đất mỏng. Hằng ngày, phun 2 lần nước để tạo độ ẩm cho đất.
Bởi vì cây dưa leo khá dễ tính, phát triển nhanh và không đòi hỏi chăm sóc nhiều nên chỉ cần đặt thùng cây ở nơi có nhiều ánh sáng, tưới nước vào sáng chiều với một lượng vừa đủ cho cây là cây sẽ cho năng suất cao. Cho đến khi cây leo được 20cm thì vắt đầu làm giàn. Và đều đặn bón phân đạm và NPK 2 lần/ tháng. Khi dưa leo bắt đầu ra hoa nên ngắt hoa đực đi để đảm bảo quả dưa thu hoạch không bị đắng.
Những lưu ý khi chăm sóc và thu hoạch
Muốn giàn dưa leo nhà mình phát triển tốt, cho quả nhiều thì khi trồng cần lưu ý trồng cây ở nơi có nhiều ánh nắng để đảm bảo sự sinh trưởng và cho năng suất cao, bón nhiều phân cho cây. Còn khi tưới nước, không nên tưới quá nhiều gây úng hoặc tưới ít quá để cho đất bị khô, phải đảm bảo giữ đủ độ ẩm.
Theo Khám Phá
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.