Cứ đến tháng 6-7 hàng năm, khắp các nẻo đường Hà Nội lại rộn ràng với những xe bán măng cụt căng mọng, ngọt lịm. Năm nay, mùa măng cụt kéo dài hơn, cuối tháng 8 mà vẫn còn thấy bán rất nhiều với mức giá từ 35-50 ngàn/kg khiến cho các tín đồ "cuồng" măng cụt có thêm cơ hội để thưởng thức cái vị ngọt ngọt, mềm mềm của thức quả tuyệt vời này.
Ngoài hương vị thơm ngon, măng cụt có nhiều dưỡng chất như vitamin A, E cùng kháng thể Xanthones rất có lợi cho người muốn giảm cân, ổn định đường huyết, ngăn ngừa ung thư...
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), quả măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L., có vị chát, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ, có tác dụng trị tiêu chảy, kết lỵ, rối loạn kinh nguyệt…
Một số bài thuốc từ măng cụt do lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ:
1. Khử mùi hôi miệng
Cách dùng: Chuẩn bị vỏ 1 quả măng cụt, 200ml nước sôi và lượng mật ong vừa đủ. Bạn hãy lấy phần thịt vỏ của một quả măng cụt xay nhuyễn với mật ong và 200ml nước, lọc bớt xác và uống sẽ giảm mùi hôi miệng, giúp bạn tự tin hơn với hơi thở của mình. Để tăng vị thơm ngon, có thể cho thêm đường và đá vì vỏ măng cụt chứa nhiều tannin, vị đắng chát.
2. Trị tiêu chảy
Cách dùng: Để trị tiêu chảy, bạn hãy lấy khoảng 10 cái vỏ măng cụt cho vào một nồi đất, đậy thật kín bằng một tàu lá chuối. Sau đó đun sôi cho đến khi nước có màu thật sẫm, uống mỗi ngày 3-4 chén.
Hãy giữ lại vỏ măng cụt để trị tiêu chảy.
3. Chữa kiết lỵ
Cách làm: Bạn hãy chuẩn bị 6g vỏ măng cụt, 8g cỏ nhọ nồi, 8g rau má, 6g trà xanh, 3 lát gừng, 8g rau sam, 8g cỏ sữa, 4g trần bì, 4g cam thảo. Đem tất cả các nguyên liệu trên đi sơ chế rồi sắc lấy nước để uống trong ngày.
4. Hỗ trợ ngừa ung thư
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, vì trong vỏ măng cụt có chứa chất Garcinone E có tác dụng cản trở sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư gan, dạ dày và phổi. Ngoài ra, hợp chất xanthones trong vỏ quả măng cụt (thuộc nhóm chống oxy hóa) cũng có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư.
Cách dùng: 1 nhúm vỏ măng cụt phơi khô, đun với nước uống. Tuy nhiên, vỏ ngoài của măng cụt hơi đắng, nên trong Đông y có thể kết hợp vỏ măng cụt với hạt mùi, hạt thìa là, cam thảo, vỏ quýt, gừng…
Măng cụt có thể hỗ trợ ngừa ung thư.
Dù ngon bổ nhưng cần đề phòng với hạt măng cụt
Với những lợi ích sức khỏe trên chẳng ai có thể phủ nhận về độ bổ dưỡng của măng cụt. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách thì măng cụt có thể gây ra tác dụng phụ. Điển hình nhất là nuốt hạt măng cụt.
Trước đây, từng có trường hợp của bà N.T.C (55 tuổi, ngụ H.Tịnh Biên, An Giang) đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc trong tình trạng liên tục bị nôn ói. Sau khi nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện một hạt măng cụt sắp nảy mầm trong dạ dày của bà C.
Hình ảnh siêu âm phát hiện hạt măng cụt trong dạ dày bệnh nhân C.
Theo một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, đây là trường hợp hiếm gặp. Khi dị vật gây tắc dạ dày sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng (nôn ói, đau bụng). Nếu không phát hiện sớm, có khả năng gây sốc mất nước, nhiễm trùng, nhiễm độc, có thể dẫn đến tử vong.
Hạt măng cụt sắp nảy mầm được lấy ra từ bụng bà C.
Nói về vấn đề này, lương y Sáng cho rằng hiện chưa có nghiên cứu khẳng định trong hạt măng cụt có chứa độc tố nguy hiểm. Tuy nhiên, hạt măng cụt thường trơn và lép nên nhiều người đã vô tình nuốt luôn khi ăn. Việc nuốt hạt của loại quả này cũng nguy hiểm tương tự như khi chúng ta nuốt phải dị vật. Nếu đường ruột không thải được dị vật khiến cho nó nằm lâu bên trong có thể gây ra tắc ruột.
Ngoài ra, trẻ em là đối tượng cần đặc biệt chú ý khi ăn loại quả này vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, yếu đuối có thể bị hóc.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.