8 tuần mang thai trôi qua mẹ chắc hẳn cũng đã dần quen với việc mang trong người một sinh linh bé bỏng. Mang thai là một trải nghiệm tuyệt vời mà mẹ chắc chắn sẽ khó lòng có thể quên được. Cơ thể mẹ có nhiều biến đổi trong tuần này, mẹ hãy cùng kiểm chứng nhé:
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 8?
Ở tuần mang thai thứ 8, bạn thấy bụng mình lớn hơn hay ngay cả khi không lớn cũng là điều bình thường. Đơn giản vì mỗi bà mẹ mang thai sẽ có một sự phát triển khác nhau, tùy theo cơ địa mỗi người. Dạ con của bạn sẽ lớn hơn với đường kính khoảng 16cm, khiến vòng bụng lớn hơn chút. Trong tam cá nguyệt thứ nhất này, cơ thể mẹ có thể không tăng hoặc tăng tối đa 2-3kg là đủ. Đừng lo lắng vì bạn sẽ còn một chặng đường dài trước mắt với bé yêu của mình.
Vòng 2 của bạn đang lớn hơn, nặng hơn và đau. Đó là do các tuyến sữa đang phát triển để chuẩn bị nhiệm vụ cho bé bú.
Cảm giác như sự mệt mỏi vẫn luôn bên bạn, bạn thèm ngủ hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do hormone dao động, cơ thể sản xuất nhiều máu hơn cho em bé, huyết áp và đường huyết giảm khiến bạn chỉ muốn được nằm nghỉ.
Mẹ và bé đang ở tuần mang thai thứ 8 rồi đấy!
Những cơn buồn nôn vẫn tiếp tục và có thể đến với bạn bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó bạn lại trở nên đặc biệt nhạy cảm với mùi: có những mùi trước giờ bạn chưa từng cảm nhận thấy lại trở nên rõ rệt, hoặc có những mùi bạn thấy bình thường lại trở nên rất khó chịu. Cách tốt nhất là tránh xa những thứ khiến bạn cảm thấy như thế!
Ở tuần thứ 8 này cũng như các tuần trước, đôi khi xuất hiện cơn co thắt tử cung (cảm giác gần giống như những cơn co thắt trong kì kinh nguyệt bình thường). Đây là do dây chằng ở phần bụng đang giãn ra cùng với tốc độ mở rộng của tử cung. Nếu bạn quá đau hoặc cơn đau bụng khiến bạn lo lắng, hãy tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Xuất hiện một số vấn đề liên quan đến đường ruột, như khó tiêu, táo bón, đầy hơi, hoặc ợ chua. Hiện tượng này khá bình thường, bạn không cần quá lo lắng mà hãy giảm thiểu bằng các cách thức an toàn trước khi dùng đến thuốc.
Ra máu: Đây là dấu hiệu đáng lưu ý nếu bạn ra máu ở tuần thứ 8. Bởi lẽ, máu có thể là dấu hiệu của sảy thai. Tuy nhiên, cũng có những lý do khác khiến bạn ra máu trong tam cá nguyệt thứ nhất, chẳng hạn như giao hợp (do cổ tử cung nhạy cảm hơn).
Sự phát triển của thai nhi
Tuần mang thai thứ 8, bé yêu to bằng một hạt đậu đỏ, nặng khoảng 1.5g - dài 1,6cm và phát triển khoảng 1mm mỗi ngày. Bạn chưa thể cảm nhận được bé trong bụng, nhưng hiện tại bé đã khá là năng động, di chuyển liên tục trong cơ thể mẹ, làm được nhiều cử động ví dụ như lúc lắc cổ tay, uốn cong chân tay hay gập cổ tay. Bên cạnh đó thì các ngón tay, ngón chân bắt đầu xuất hiện dưới dạng màng.
Tuần mang thai thứ 8, bé yêu có kích cỡ như một hạt đậu đỏ.
Đường nét khuôn mặt bé rõ ràng hơn. Hiện tại đã có thể nhận ra đôi tai với dái tai, môi trên, đỉnh của lỗ mũi định hình rõ hơn. Bé cũng đã hình thành gai vị giác ở lưỡi để chuẩn bị sẵn sàng cho bữa ăn đầu tiên.
Tim đã hoàn thành việc phân chia thành bốn ngăn, và các van tim bắt đầu hình thành. Bên trong não, các tế bào thần kinh đang mở rộng các nhánh và liên kết với nhau, tạo thành các đường thần kinh nguyên thủy.
Chiếc đuôi nhỏ ở tuần thai thứ 7 đã biến mất. Lúc này, thân hình của bé đã thẳng hơn chứ không còn cong như những tuần trước nữa. Nếu bố mẹ muốn biết bé yêu của mình là bé trai hay gái thì ở tuần này vẫn hơi khó để nhận định dù bộ phận sinh dục đã xuất hiện. Sinh lý cơ bản của bé đã sẵn sàng và bé sẽ tăng cân nhanh chóng ở các tuần tiếp theo.
Chiếc đuôi là phần nối dài của xương cụt dần biến mất.
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 8
Mang thai tuần thứ 8 nhiều mẹ đã đặt hẹn để đi khám thai lần 2, hãy chuẩn bị sẵn sàng những thắc mắc hoặc những vấn đề cá nhân của mình để nhờ bác sĩ chuyên khoa giải đáp nhé. Trong lần khám thai bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm máu để biết chính xác nhóm máu cũng như các vấn đề tiềm ẩn.
Dinh dưỡng và vận động nhẹ nhàng mẹ cũng vẫn phải lưu ý. Tránh xa các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi trong bụng như khói thuốc, các chất kích thích…
Mẹ cũng nên làm mới cho tủ đồ của mình để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, khi ngực và bụng đều lớn khiến bạn không thể mặc được những món đồ cũ.
Những triệu chứng khó chịu sẽ dần biến mất ở các tuần tiếp theo. Mẹ yên tâm nhé!
Chia nhỏ các bữa ăn và nên giữ các thức ăn vặt có lợi gần bên mình để luôn sẵn sàng "cấp cứu" khi bạn bị chóng mặt, tụt huyết áp. Đừng đứng dậy quá nhanh nếu bạn đã ngồi hơi lâu. Hãy để cho cơ thể có thời gian điều chỉnh huyết áp khi bạn chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng.
Bạn đã kết thúc tuần mang thai thứ 8 cũng như kết thúc tháng thứ 2 của thai kỳ, hãy sẵn sàng bước vào tuần tiếp theo - tuần mang thai thứ 9 nhé!
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.