Ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn, khiến nước lũ dâng cao
Trước đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới (có khả năng cao mạnh lên thành bão số 8 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung) đang hoạt động trên biển Đông kết hợp với không khí lạnh có cường độ mạnh nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 16 - 19/10 xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng
Đến 14h chiều 16/10, mực nước sông Hương là 1,97m dưới mức Báo động II 0,03m, tăng gần 0,3 mét so với 7h sáng 15/10. Tổng lượng mưa tính từ ngày 16/10 đến hết ngày 19/10 phổ biến 400 - 600mm, có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị của thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc
Ghi nhận đến ngày 17/10, nước đã tràn qua Đập Đá và lên lại ở các tuyến đường. Cơ quan chức năng TP. Huế đã chặn đường, cấm lưu thông qua lại
Quán cafe Mắt Biếc nổi tiếng ngập sâu, không thể đón khách
Đến 13h chiều 16/10, Huế đã cơ bản hoàn thành rà soát di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn. 27/27 phường ở TP. Huế đã triển khai di dân ở vùng nguy hiểm, thấp trũng đến nơi an toàn với 758 hộ/2.397 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất là phường Tây Lộc với 208 hộ/570 nhân khẩu
Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh cho biết, hiện nay, TP tập trung ưu tiên ứng phó cho đợt bão lũ tiếp theo này với hàng loạt các biện pháp được triển khai. Đồng thời, chú trọng công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, hỗ trợ người dân, UBND TP. Huế tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp, tổ chức đóng gói hàng ngàn suất quà gồm mỳ ổ, xúc xích, sữa, nước uống đóng chai kịp thời cung ứng cho người dân tại các khu vực vùng trũng
Người dân ăn cơm dưới ánh đèn pin
Trước tình hình phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã ra công văn thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 17/10, đối với các vùng thấp trũng và có nguy cơ lũ lụt, sạt lỡ cho nghỉ học từ đầu giờ 16/10
Ghi nhận của chúng tôi tại trung tâm TP. Huế, nhiều tuyến đường ngập sâu nghiêm trọng, như Đào Duy Anh, Đào Duy Từ, phố cổ Bao Vinh,... Càng về chiều, mực nước càng dâng cao, người dân sử dụng thuyền để đi lại
Ông Hùng, 50 tuổi nói rằng chưa có năm nào khắc nghiệt như năm nay, nước lên nhanh khiến người dân một số khu vực không kịp trở tay
“Vừa qua dịch Covid-19 lại tới mưa lũ. Lũ cũ chưa qua, lại đón đợt mới, đời sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn”, ông Hùng than thở. Ngoài việc đưa 2 đứa con lên nhà người thân ở tạm, ông cũng đã tạm dừng hoạt động kinh doanh tại chợ để đảm bảo an toàn
Đến khoảng 17h50, một số địa bàn trên TP. Huế bị mất điện. Người dân đã kịp thời tính toán, sạc sẵn đèn pin, tiện dự phòng
“Đợt lũ mới đây mất điện 4 ngày, chúng tôi phải lội nước đi sạc nhờ điện thoại. Không biết lần này sẽ bao nhiêu ngày...”, chị Quê, 35 tuổi chia sẻ
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong đợt mưa lũ 1 tuần tính từ ngày 6/10 đến 13/10, vùng đồng bằng của tỉnh đã hứng chịu và phải tải khoảng 4,1 tỉ m3 nước. Toàn tỉnh có 9 người tử vong, 8 người mất tích
Theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày 21/10. Tính đến sáng 17/10, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên đang lên. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.