Tôi nói với bạn phóng viên ảnh đi cùng hãy ghi lại tất cả những khoảnh khắc đó, để tôi có thể đăng kèm với bài phỏng vấn này - dù tôi lường được rằng rất có thể sẽ có người nghĩ nó là giả tạo…
- Tôi nhớ năm 2016, khi anh kêu gọi được 24 tỷ để ủng hộ miền Trung sau bão, tôi đã bày tỏ sự thán phục của tôi dành cho anh với một người bạn. Nhưng, bạn tôi - một luật sư, đồng thời cũng là một chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông có tiếng, đã dự đoán với tôi rằng: Không phải may mắn hay điềm lành gì đâu, đó sẽ là tai họa của Phan Anh. Mọi sự sau này đã diễn ra đúng như thế. Nên tôi rất muốn hỏi anh, lúc mới bắt đầu và đầy hào hứng vận động từ thiện, anh có lường được những thị phi sẽ đến với mình?
- Thật ra là tôi có lường được. Tôi không phải không hiểu rằng việc đi làm thiện nguyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó cũng có đôi lần tôi khởi xướng và kêu gọi bạn bè, rồi nhận ra là rất khó để minh bạch và tạo niềm tin cho mọi người, nhất là trong một thời buổi khan hiếm niềm tin như bây giờ.
Có lần tôi đến thăm các bé ở trại trẻ mồ côi, bạn tôi gửi quà nhờ tôi tặng các em, nhưng khi tôi vì bận mà không kịp chụp ảnh, thì bạn tôi đã bày tỏ nỗi băn khoăn kín đáo, rằng món quà của cô ấy liệu thực sự đã được trao đi? Chỉ là một người bạn thôi, mà mình đã thấy đôi khi có thể xảy ra chuyện đó rồi, thì còn những người dưng ở khắp mọi nơi thì sao?!
Ngay khi mọi người ùn ùn gửi tiền về nhiều hơn dự đoán, tôi đã có 2 nỗi sợ. Thứ nhất là làm sao để minh bạch chuyện này, thứ hai là quá nhiều thì sức của mình không kham nổi. Vì tôi vốn đâu phải một người làm từ thiện chuyên nghiệp để sẵn sàng dành toàn bộ cuộc đời mình làm công việc đó. Bạn thử tưởng tượng xem, giải ngân một khoản tiền 24 tỷ nó sẽ mất thời gian như nào?
Tôi hiểu mình sẽ vướng phải một câu chuyện phiền phức và biết chắc sẽ có nhiều người không tin mình. Nhưng lường trước là một chuyện, cảm xúc mình khi đối diện với những rắc rối đó lại là chuyện hoàn toàn khác...
- Thực tế là tôi đã chứng kiến anh phải đối mặt với những sự công kích lẫn những lời thoá mạ. Nó xuất hiện ngập tràn trên khắp các diễn đàn, và trên cả chính trang facebook cá nhân anh. Làm sao anh có thể bình thản?
- Tôi đã lì lợm, đã kiềm chế cảm xúc hơn mức mà tôi nghĩ mình có thể trước những làn sóng thoá mạ đó. Có những lúc tôi tự bảo sẽ không đọc những comment xúc phạn mình nữa, nhưng cuối cùng thì tôi vẫn không thể không đọc. Đọc mà cảm giác thật sự sôi máu, ruột gan nóng bừng, thậm chí tôi nghĩ trong đầu nếu cái người dám lăng mạ mình như thế đang ngồi trước mặt, thì tôi có thể gây ra án mạng mất.
Nhưng mỗi lần không kiểm soát được cơn giận của mình, tôi lại nghĩ đến lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư nói rằng, nếu ta tôn trọng cảm xúc của mình, nếu ta lắng nghe cơn giận của mình, thì ta sẽ học được cách để làm chủ nó và cơn giận sẽ qua đi.
Và lần đầu tiên trong cuộc đời tôi, tôi có thể nhìn thấy, cảm nhận thấy hình hài của cơn giận của mình. Tôi đón nhận nó. Rồi bất chợt nó tan đi và tôi có thể mỉm cười, dù chính tôi cũng không thể hiểu tại sao mình có thể mỉm cười vào thời điểm đó. Lúc đó tôi biết rằng những điều Thiền sư viết là có thật.
Là một Phật tử, nên tôi rất tin vào câu chuyện về Nghiệp. Có thể tôi đã gây ra việc gì đó liên quan đến thị phi nên bây giờ thị phi đang dồn đến và tôi đang trả nợ cái Nghiệp của mình. Khi đã trả hết nợ Nghiệp , tôi sẽ được thanh thản.
Sau này, có rất nhiều thị phi và rắc rối đến với tôi mà tôi nghĩ rằng lẽ ra mình sẽ phải nói nhiều, giải thích nhiều lắm, nhưng tự dưng tôi nghĩ rằng mình không phải làm gì hết cả, tôi chỉ cần mỉm cười thôi là đủ...
- Nhưng mà ngay cả bây giờ, vào lúc này - sau hơn một năm qua đi, và nói về câu chuyện cũ, tôi vẫn thấy anh khóc và không kiềm chế được cảm xúc của mình. Quãng thời gian phải đối mặt với thị phi đó liệu có phải là một nỗi ám ảnh quá kinh hoàng với anh?
- Tôi có đau lòng, nhưng sợ hãi thì không. Đã có những lúc tôi thấy nản. Đã có những thời điểm tôi đã khóc. Đã có những khoảnh khắc tôi thoáng nghĩ rằng tại sao tôi phải khổ sở thế này. Nhưng nếu được lựa chọn lại, tôi cũng sẽ không lựa chọn khác đi, vì qua chuyện này tôi nhìn thấy rõ con người mình hơn. Tôi muốn cho tôi cơ hội được làm một điều tốt đẹp và tử tế, để phần con người của mình được xuất hiện nhiều hơn.
Nói thật là sau khi kêu gọi được số tiền quá lớn, có những bài báo đã viết, có những người đã "doạ" tôi là việc tôi làm là vi phạm nghị định A, B nào đó và tôi sẽ bị bắt. Nhưng chỉ riêng chuyện này, tôi cảm thấy tâm mình sáng như gương. Tôi đang làm một điều tử tế và thấy mình thanh thản nên không có việc gì phải sợ hết cả.
- Anh có bao giờ suy ngẫm vì sao kể cả khi anh làm một việc tử tế, anh vẫn phải đối diện với sự công kích của nhiều người?
- Lúc mới đầu kêu gọi và nhận được quá nhiều sự ủng hộ, tôi thấy trên News feed hầu như ai cũng viết về mình. Nhưng tôi không bị choáng ngợp. Tôi chọn cách tách mình ra khỏi điều đó và chờ đợi đến thời điểm có những người sẽ từ thái cực này chuyển sang thái cực khác, từ ca ngợi, ủng hộ chuyển sang nghi ngờ, chửi bới. Tôi biết sẽ rất nhanh thôi, tâm lý của nhiều người sẽ chuyển biến theo cách đó.
Dẫu là vậy thì tôi vẫn muốn làm thật tốt, thứ nhất là để cho chính bản thân tôi. Thứ hai là để nếu có ai tin mình, mình giữ niềm tin đó của họ - niềm tin rằng điều tốt đẹp vẫn xảy ra, niềm tin rằng sự tử tế vẫn còn tồn tại trong xã hội này. Vì sống mà mất niềm tin là điều vô cùng kinh khủng.
Nhưng để làm được điều đó có lẽ là cần rất nhiều thứ, mà quan trọng nhất là sự minh bạch. Một trong những sai lầm của tôi trong câu chuyện đó là tôi không có một ekip chuyên nghiệp. Tất cả là do mọi người chỉ chủ động tìm đến và chia nhau mỗi người một việc.
Tôi cũng không thực hiện một chiến dịch truyền thông bài bản nào, chỉ đăng trên facebook của mình, để báo nào quan tâm thì lấy thông tin từ đó. Đầu tiên báo chí rất quan tâm. Nhưng đến thời điểm tôi cần lên tiếng về sự minh bạch, thì báo chí không quan tâm nữa, vì cái đó đâu có câu view được.
Và đó là lúc nếu muốn đăng tin thì tôi phải bỏ tiền ra. Không phải tôi không có tiền để làm truyền thông, nhưng dù nghĩ kiểu gì thì cũng thấy bỏ tiền làm truyền thông cho một chiến dịch từ thiện nghe rất phi lý và buồn cười, nên cuối cùng tôi đã lựa chọn không làm.
Và thú thật là tôi bị loay hoay giữa chuyện làm sao để mọi người biết về sự minh bạch của chúng tôi. Tôi đã mời kiểm toán vào làm việc, đã công khai đầy đủ thông tin, sổ sách, chứng từ trên mạng xã hội, nhưng những người không muốn tin thì vẫn sẽ không tin và vẫn tiếp tục chửi bới...
- Ngoài chuyện thị phi, thì tôi cũng nghe rất nhiều tin đồn về việc năm vừa rồi anh đã bị cấm sóng trên một Đài truyền hình lớn. Việc này có liên quan đến những lùm xùm từ câu chuyện từ thiện của anh không?
- Đúng là có tin đồn về việc tôi bị cấm sóng. Dù tôi cũng không đủ thông tin và bằng chứng để xác nhận việc đó có chính xác hay không và nó xuất phát từ lý do gì.
Có một ngày, một agency gọi điện cho tôi bảo "Phan Anh ơi, em xem lại xem em có chuyện gì mà Đài yêu cầu không cho Phan Anh xuất hiện nữa". Tôi hỏi những người quen biết thì không ai thấy có một văn bản nào. Tôi đã hỏi đến cơ quan quản lý và rất nhiều cơ quan báo chí thì họ đều xác nhận là không có quyết định nào về việc hạn chế sự xuất hiện của tôi trên sóng truyền hình. Nó có thể chỉ là lời nói bâng quơ của một ai đó… Nhưng thôi, hãy cứ cho đó là một hiểu lầm hay một tin đồn đi!
- Sao anh không lên tiếng để nói về tin đồn kia? Anh thừa biết về sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội mà!
- (Cười) Lúc đầu đúng là tôi đã định phản công, mà đầu tiên là trên mạng xã hội. Sự hiếu chiến của tuổi trẻ mà. Nhưng một người bạn đã khuyên tôi dừng lại. Một lãnh đạo Hội Nhà báo cũng động viên tôi: "Người trong nghề sẽ hiểu con… Nên thôi, đừng làm gì cả, con ráng chịu thiệt một xíu". Và tôi nghe theo, vì suy cho cùng giờ tôi cũng không bị áp lực về chuyện chạy show kiếm tiền đến mức phải hiếu chiến như thế.
Nhưng dù sao tôi vẫn thấy mình may mắn, vì vẫn có rất nhiều cơ quan truyền thông, báo đài khác hỗ trợ tôi trong thời gian đó. Nên kết quả là tôi vẫn xuất hiện trên truyền thông, không ở nơi này thì ở nơi khác.
Và điều tôi rất vui là trong lúc lao đao đó, có nhiều cô chú là nguyên lãnh đạo đã nhờ người này, người kia để bảo vệ tôi. Không biết vì những tác động đó, hay vì sự nỗ lực của tôi trong thời gian qua, mà giờ tôi đã xuất hiện trở lại bình thường trên sóng truyền hình.
- Anh bị thiệt hại đến mức nào về tài chính sau "tin đồn" cấm sóng?
- Vì chuyện đó tôi mất hai hợp đồng đại diện thương hiệu do không thể phát sóng TVC, và hai chương trình tôi đã ghi hình phải sản xuất lại. Một số tiền khá lớn.
Nhưng thực sự là tôi được tổ nghiệp rất thương. Tôi làm mọi thứ đều có vị trí trong lòng khán giả. Tôi chưa bao giờ phải tranh giành hay bon chen, không nịnh nọt hay chiêu trò, tôi thậm chí sẵn sàng góp ý với nhà sản xuất, thẳng thắn nói với họ về nhược điểm của những chương trình tôi làm.
Người ta phải nịnh nọt, quan hệ để nhận được chương trình, còn với tôi, mọi việc đến hết sức tự nhiên. Thậm chí đôi khi tôi còn làm mất lòng nhà sản xuất. Ví dụ đêm chung kết Vietnam Idol chẳng hạn, sự góp ý của tôi đã khiến nhà sản xuất rất nóng giận. Cũng vì lẽ đó mà tôi vắng mặt. Nhưng sau này khi tôi gặp rắc rối, thì chính nhà sản xuất đó lại đứng ra bảo vệ tôi. Và tôi cảm thấy mình rất may mắn cũng như rất trân trọng những tình cảm như vậy. Nên sau những biến cố vừa rồi, tôi vẫn sống ổn.
- Có vẻ như anh đang khá thoải mái về kinh tế, không áp lực chạy show, không lo lắng về việc 1-2 hợp đồng quảng cáo bị hủy… Thu nhập của anh đến từ đâu ở thời điểm này?
- Tôi cũng không có gì phải giấu. Hiện nay tôi là nhà đầu tư của 2 công ty về thương mại, là cổ đông của 2 trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Họ đều làm ăn rất tốt và tôi như có một nguồn lợi tức trời cho, đủ cho cuộc sống của tôi, cho con cái ăn học mà không phải lo chạy show hay gì cả.
Ngoài ra thì mạng xã hội cũng là kênh kiếm tiền của mình. Thu nhập rất cao. Một bài viết trên trang cá nhân của tôi thậm chí có thể bằng nhuận bút của một nhà báo như bạn trong một tháng. Mọi người thấy là tôi chi số tiền khá lớn làm thiện nguyện, nhưng thật ra cũng không thấm tháp gì với số thu nhập mình có.
Hiện giờ tôi cam kết sẽ dành ít nhất 5% lợi nhuận tôi thu được từ một trong những dự án kinh doanh của tôi cho công việc thiện nguyện.
Tôi cũng mong muốn rằng dần dần mình sẽ nâng con số đó lên 10%.
Mai kia con cái tôi, tôi muốn cho chúng nền tảng thật tốt. Nếu có ảnh hưởng quan niệm phương Đông quá thì chắc tôi sẽ mua cho đứa một căn nhà. Còn sau đó các con sẽ không được hưởng gì từ cha mẹ cả. Số tiền còn lại tôi sẽ dành cho hoạt động cộng đồng.
Tôi tin ai trong cuộc sống cũng cần phải biết ơn. Nhiều người nói là "tiền tôi làm ra tôi muốn tiêu thế nào chẳng được", nhưng tôi nghĩ kể cả như bát cơm chúng ta đang ăn từ tiền ta mua được, thì để có được cây lúa hạt thóc thì đó là công ơn của rất nhiều người. Nên mỗi ngày tôi đều học cách biết ơn tất cả mọi thứ, biết ơn tất cả mọi người, kể cả những kẻ thù của chính tôi.
- Cuộc sống của anh, như anh nói, đang rất ổn. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi một lần nữa: Trong một năm qua, những thị phi đã khiến cuộc sống của anh tổn hại như thế nào?
- Có một buổi sáng sau khi ngủ dậy, tôi thấy tóc mình bạc trắng một góc. Đến lúc đó tôi mới biết, chuyện người ta nói tóc bạc sau một đêm là có thật. Da dẻ của tôi cũng không còn trắng trẻo, mịn màng như trước. Mà tôi vốn rất quan tâm đến ngoại hình của mình.
Gia đình tôi cũng bị liên đới. Vợ tôi vốn dĩ rất ngại tiếp xúc với mạng xã hội. Nhưng đến khi cô ấy không kiềm chế được trước những gì người ta nói về tôi mà phải dùng MXH thì cô ấy đã không chịu đựng được như tôi đã chịu đựng.
Mà bạn có lẽ không biết rằng, hàng nghìn lời thoá mạ trên MXH của người lạ không làm tôi đau bằng lời vợ tôi nói trong lúc nóng giận:"Sao anh lại mua dây buộc mình như vậy? Giờ anh muốn làm gì thì làm đi, em không liên quan gì nữa". Tôi đã rất đau lòng khi nghe điều đó từ người bạn đời của mình.
Nhưng suy cho cùng, những chuyện thị phi có thể làm ảnh hưởng đến tôi ít nhiều nhưng cũng làm tinh thần của tôi mạnh hơn sau chuyện đó. Cái gì không giết được mình thì sẽ làm mình mạnh hơn. Và nhờ đó tôi khám phá ra những nội lực mà chính tôi không ý thức được.
Sau phong ba bão táp, tôi thấy cuộc sống của mình thuận lợi hơn - sự thuận lợi đến từ trong chính nhận thức của tôi chứ không ai khác. Tôi có thể cảm nhận được hạnh phúc rất rõ ràng và có thể làm cho người khác hạnh phúc. Tôi nhận thức được là đừng mong chờ những hạnh phúc đến từ bên ngoài. Hạnh phúc không phải là có một bài báo hay viết về mình, là mình được ngưỡng mộ…
Hạnh phúc của tôi là được sống thẳng thắn, thoải mái, không ngại ngần. Hạnh phúc là tôi có thể để cho cảm xúc của mình như nó vốn có.
- Tôi thấy trong mấy năm vừa rồi anh có nhiều sự thay đổi: Anh thường xuyên thể hiện quan điểm về những sự kiện xã hội nóng cũng như đưa ra những phân tích sắc bén. Anh có nghĩ là chuyện đó có thể sẽ mang lại cho anh rắc rối không?
- Cách đây không lâu, từng có một người quyền lực ở một Đài truyền hình lớn nói với tôi là: "Thôi em ơi, em đừng nói những điều đó nữa, cứ làm tốt việc của mình là được rồi". Tôi đáp: "Em vẫn đang làm tốt công việc của em, hiểu rằng làm tốt việc của mình đã là có ý nghĩa. Nhưng chúng ta không được sống hèn, không được vì sợ mà không dám lên tiếng, nếu những việc mình lên tiếng là chính nghĩa".
Có thể những việc tôi làm, những gì tôi nói không theo chuẩn mực, không theo thói quen thông thường của một số người. Nhưng tôi nghĩ nếu đó là cái xấu mà tôi im lặng thì có nghĩa là tôi đồng lõa với cái xấu đó, và nó sẽ giết tôi lúc nào không hay.
Tôi nghĩ về con cái mình, về bạn bè của chúng. Lũ trẻ cần được sống trong xã hội ngày càng tốt hơn. Và một người cha như tôi phải làm điều đó. Đành rằng tôi đang có một cuộc sống khá thoải mải, tôi có đủ tài chính và đủ nhận thức để giáo dục cũng như nuôi dưỡng con tôi. Nhưng con tôi đi ra ngoài đường mỗi ngày sẽ chịu sự ảnh hưởng của bạn bè, của nhà trường, thầy cô, của mỗi người mà nó gặp bên ngoài.
Con tôi cũng sẽ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm của thành phố này. Tôi không thể đưa con tôi lên Ba Vì sống cho bớt ô nhiễm. Tôi cũng không thể tách con tôi ra khỏi xã hội. Nên tôi cũng không thể đồng loã với những cái xấu xung quanh mình chỉ vì sự yên ổn nhất thời mà tôi đang có.
Dẫu vậy, tôi vẫn ý thức được việc lên tiếng đúng thời điểm và cẩn trọng. Dù có phản biện, tôi cũng phản biện với tinh thần đóng góp, xây dựng chứ không bất mãn, cay cú.
- Năm ngoái anh là nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards – một giải thưởng do VCCorp tổ chức. Năm nay chủ đề của WeChoice Awards là "bình tĩnh sống". Tôi nghĩ thật tình cờ là nó có vẻ rất liên quan đến thái độ sống hiện tại của anh. Anh nghĩ gì về chủ đề "bình tĩnh sống" từ chính câu chuyện của bản thân anh?
- Thứ nhất là tôi nghĩ rằng giải thưởng WeChoice là một giải thưởng thú vị và khách quan. Tôi có một kỉ niệm đáng nhớ về WeChoice 2016. Năm ấy, sau những rắc rối cá nhân từ việc làm từ thiện, tôi đã không kêu gọi bình chọn cho mình trên facebook, vì không muốn vì tôi mà WeChoice gặp rắc rối. Dù vậy, cuối cùng thì tôi vẫn là đại sứ WeChoice, là một trong 5 nhân vật truyền cảm hứng.
Tôi rất nhớ cảm xúc của buổi lễ trao giải, xúc động khi nghe những câu chuyện mà các nhân vật khác chia sẻ. Những câu chuyện chạm vào trái tim tôi. Tôi đã thấy rất hối tiếc vì mình đã không kêu gọi bình chọn, để những câu chuyện truyền cảm hứng đó đến gần với nhiều người hơn.
Năm nay do thời gian bận rộn nên tôi không theo dõi thường xuyên. Nhưng tôi có thấy chủ đề bình tĩnh sống là rất hợp lý trong hoàn cảnh của chúng ta. Chỉ có bình tĩnh sống thì ta mới sống được trọn vẹn.
Đừng cố thay đổi cuộc sống mà hãy cố chấp nhận cuộc sống, hãy hiểu theo ý nghĩa tích cực. Khi ta học được cách chấp nhận cuộc sống thì ta hiểu thế nào là đủ, và quan trọng là để hiểu bản thân mình chứ không phải là những điều xa vời. Đặc biệt là với những sự kiện làm cảm xúc dâng cao như say men chiến thắng với đội tuyển U23 chẳng hạn, bình tĩnh sống lại là điều vô cùng cần thiết.
- Liệu anh đã thực sự đã bình tĩnh đủ để thanh thản sau những biến cố vừa qua...
- ... Thanh thản chứ, thanh thản đến mức có lúc tôi cảm giác nếu ngày mai vì lẽ gì đó không may khiến tôi không còn trên cõi đời này, tôi cũng có thể mỉm cười, và không còn gì tiếc nuối!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.