Chị Hoàng Ry (hiện đang sống tại Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, bản thân không phải là người thường xuyên ghi chép chuyện chi tiêu. "Mình ghi chép được khoảng 2 tháng rồi ngừng vì các khoản chi tiêu lặt vặt rất khó ghi chép hết được. Nhưng mình nhận ra một điều rằng liệt kê ra tất cả các chi phí thì mình sẽ định lượng được số tiền cơ bản mà mỗi tháng sẽ phải chi".
Ví dụ như chi tiêu cơ bản của nhà mình là 15,5 triệu. Còn chi phí phát sinh thì có thể cân nhắc chi hay không. Nhờ đó mà mình sẽ hạn chế chi tiêu vào những thứ không đem lại giá trị thực sự. Và chuyển phần tiết kiệm được vào du lịch, trải nghiệm và học hành".
Nói một cách đơn giản, đây là phương pháp chia nguồn thu nhập của bạn thành nhiều “phong bì” khác nhau, tức là chia làm nhiều phần khác nhau để dễ dàng quản lý.
Mỗi phong bì sẽ là một khoản để chi cho một mục đích cụ thể. Nếu đảm bảo chi tiêu từng khoản theo đúng như những gì đã chia, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn.
Giữ lại ý tưởng của phương pháp phong bì của Nhật Bản, nhưng rút gọn và cải tiến cho đơn giản và dễ ứng dụng hơn. Và đây là cách chị Hoàng Ry áp dụng:
Đầu tháng, chị sẽ chuẩn bị 3 "phong bì" cho ba hạng mục cần chi tiêu trong gia đình. Chị cho hay việc bỏ tiền vào từng ‘phong bì’ là chỉ mang tính lý thuyết và không cần phong bì thực nào cả. Tất cả chị ghi chép trong một cuốn sổ nhỏ.
Phong bì 1: Chi phí cố định (3,2 triệu)
Chi phí này sẽ bao gồm điện nước, card điện thoại, xăng xe, trả nợ, trả góp, học phí của con,..
Chi phí cho hạng mục này là cố định, không thay đổi và có thể tính toán trước được. Vì mục này không thể thay đổi nên không thể tiết kiệm.
Thế nên, tại phong bì số 1 chị không cần phải bận tâm và ghi chép gì nữa.
Phong bì 2: Chi phí tiêu dùng (9,3 triệu)
Chi phí này sẽ bao gồm các mục theo thứ tự ưu tiên như sau: Ăn uống sáng trưa tối, gas, gia vị, tẩy rửa vệ sinh, làm đẹp,... Mục này tính toán được và có thể thay đổi tùy tài chính của gia đình.
Đối với gia đình chị, chị đã tính trước các hạng mục theo tiêu chí không lãng phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống. Như vậy mục này cũng coi như là không thể tiết kiệm được nữa.
Phong bì 3: Chi phí phát sinh (3 triệu)
Chi phí cho mục này sẽ bao gồm sửa xe, hiếu hỷ, khám chữa bệnh, hội họp bạn bè, biếu tặng,... Chi phí này không tính toán được vì không biết trước những phát sinh, Tuy nhiên, có tiết kiệm được hay không là nhờ vào việc hạn chế những chi phí này.
Vì thế, cần ghi chép đầy đủ những chi phí để kiểm soát phong bì số 3 này.
Chị cho hay: “Bạn có thể không đi hội họp nếu bạn không thích, không cần hay giảm bớt biếu tặng nếu bạn đang khó khăn, tự sửa xe và đồ dùng. Bạn có thể không mua sắm hoặc chọn giá rẻ hơn cho hạng mục quần áo, phụ kiện, bạn cũng có thể chọn mua đồ dùng cũ mà còn sử dụng tốt... Rất nhiều sự lựa chọn giúp bạn tiết kiệm trong mục này”.
Nếu chi phát sinh nhiều thì chị cũng biết là đã chi vào mục gì và có cần thiết hay không. Ghi chú lại để rút kinh nghiệm cho tháng sau. "Bằng cách tính toán chi tiêu hợp lý, không lãng phí là đồng nghĩa bạn đang tiết kiệm được", chị Hoàng Ry cho biết.
Được biết, 1 tháng hai vợ chồng chị Hoàng Ry có thu nhập dao động từ 45 - 50 triệu. Sau khi trừ đi số tiền chi tiêu đã được áp dụng theo phương pháp này là 15,5 triệu thì trung bình mỗi tháng anh chị giữ lại tiết kiệm và đầu tư được số tiền là 30 triệu.
Phương pháp chi tiêu kiểu phong bì mà chị Hoàng Ry đang áp dụng vẫn được coi là công cụ kỳ diệu giúp người Nhật quản lý chi tiêu. Cách này giúp quản lý chi tiêu, không tiêu vượt quá số tiền đã đặt trước trong phong bì.
Đặc biệt, nhiều người Nhật còn sử dụng "những chiếc phong bì kỳ diệu" này làm một thử thách. Họ sẽ cố gắng để giữ lại được thật nhiều phong bì nhất có thể tính đến ngày cuối cùng của tháng.
Chị em có thể áp dụng theo phương pháp này để sớm quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ nhất.
Bài viết ghi theo chia sẻ của NV.
https://afamily.vn/me-dam-bien-hoa-kiem-soat-chi-tieu-chat-che-nho-ap-dung-phuong-phap-phong-bi-cua-nhat-ban-tiet-kiem-va-dau-tu-duoc-30-trieu-dong-20211214092923449.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.