Khi các bé đã bước sang tháng thứ 9, lúc này việc chế biến đồ ăn dặm cho con cũng đơn giản hơn nhiều. Các mẹ không mất công xay, lọc, rây nhuyễn đồ ăn nữa vì các bé đã có thể ăn thô tương đối tốt. Thế nhưng nhiều lúc mẹ lại gặp khó khăn trong việc lên thực đơn ăn dặm như nào cho con khỏi bị chán ăn và bỏ bữa.
Nếu các mẹ vẫn còn đang phân vân trong việc đó thì có thể tham khảo thực đơn ăn dặm dưới đây của chị Nguyễn Linh (sống tại Hà Nội), chị hiện đang là mẹ của 2 nhóc tì, trong đó có 1 bé gái hơn 9 tháng tuổi.
Chia sẻ về hành trình cho con ăn dặm, chị Linh cho biết trước đó chị có cho con đầu lòng ăn dặm theo phương pháp truyền thống, nhưng bản thân chị thấy phương pháp này không phù hợp cũng như khá vất vả. Rút kinh nghiệm, sau khi tìm hiểu thật kĩ, chị Linh quyết định cho bé thứ 2 ăn dặm kiểu Nhật từ 5,5 tháng đến tận bây giờ:
"Bé đầu nhà mình ăn dặm theo phương pháp truyền thống. Thật sự vất vả và tốn khá nhiều thời gian của cả mẹ cả con. Loanh quanh cả ngày chỉ ăn - rồi dọn - ăn - rồi dọn. Ăn quá nhiều bữa và không có định lượng, cũng không có chia bữa khoa học lắm. Vì cách đây 4 năm không có nhiều kênh để học hỏi và không phổ biến nhiều như bây giờ. Bé trộm vía vẫn ăn tốt, cứng cáp nhưng giờ 4 tuổi vẫn phải xén nhỏ đồ ăn và cần mẹ đút mới ăn.
Đến khi sinh bé Sâuty mình quyết tìm hiểu các phương pháp ăn phù hợp với bé và khoa học hơn. Mình thấy có phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có nhiều ưu điểm như việc ăn riêng từng món giúp bé cảm nhận nguyên vị của từng loại thức ăn. Giúp mẹ biết được sở thích, sở ghét của con. Định lượng các món, nhóm chất trong 1 bữa ăn của từng giai đoạn cũng được chỉ ra rõ ràng. Thực đơn đa dạng giúp bé bổ sung được đầy đủ dinh dưỡng qua đồ ăn, mà không sợ thiếu chất hay thừa chất", chị Linh cho hay.
Bà mẹ này cũng chia sẻ rằng, đến tháng thứ 9 bé Sâuty đã biết cảm nhận mùi vị của thức ăn và thể hiện cảm xúc với đồ ăn rõ rệt hơn. Món nào thích Sâuty sẽ ăn rất ngoan, còn không thích thì bé sẽ đẩy thìa hoặc cắn môi không ăn nữa. Chính vì thế ở giai đoạn này chị cũng dần thay đổi cách chế biến thức ăn để phù hợp hơn với nhu cầu ăn uống của con:
"Giai đoạn này thức ăn chỉ cần làm chín và băm nhỏ không cần rây mịn nữa, và cũng ít cần sử dụng tới bột năng vào món của bé. Về gia vị thì mình ít nêm nếm, trừ khi hôm nào món của bé quá nhạt mình mới dùng tới hạt nêm của Úc vị rau củ, còn đâu mình vẫn ưu tiên cho con ăn vị nguyên bản của đồ ăn. Ngoài ra mình còn dùng dashi rau củ, dashi tảo bẹ cá bào để tăng vị cho món ăn".
Bên cạnh đó chị Linh cũng cho biết vì tính chất công việc nên chị thường nấu và cấp đông đồ ăn cho con theo từng tuần. Đồng thời chị cũng không quên lưu ý đến các cha mẹ khác rằng khi chế biến đồ ăn dặm ở tháng thứ 9, hãy tăng giảm độ thô của thức ăn theo nhu cầu của con:
"Giai đoạn này là giai đoạn tăng độ thô thức ăn cho bé và cũng là giai đoạn con mọc răng mọc lợi, các bé còn rất thích bốc nhón đồ ăn nữa. Nên mẹ cần theo dõi các dấu hiệu của con thật kĩ để chiều theo ý các con, giúp con chơi ngoan - ăn ngoan mà vẫn hoàn thiện được các kĩ năng trong đúng giai đoạn.
Đồ ăn thì các mẹ hãy tăng giảm độ thô theo nhu cầu của con (loãng - đặc - nhuyễn - thái sợi). Mẹ cũng tranh thủ 2, 3 buổi/ tuần dành 20-30 phút làm các món bánh, trà cho con để con tập kĩ năng bốc nhón", chị Linh chia sẻ.
Các mẹ hãy cùng tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi của chị Linh nhé:
Ảnh: NVCC
Theo helino.ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.