Nhiều mẹ ngay từ đầu đã lựa chọn sinh thường vì những lợi ích đối với mẹ và bé. Nhưng vì kiệt sức trong lúc rặn hay vì gặp một vấn đề nào đó mà cuối cùng sinh thường không xong, phải chuyển qua mổ cấp cứu. Chịu cả đau đẻ, cả đau mổ là cơn ác mộng của bất kỳ bà mẹ nào. Chị Lê Chi (hiện đang sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng thấu hiểu điều đó. Nên nằm trên bàn đẻ, dù rặn suốt 4 tiếng đến kiệt sức, gần ngất đi nhưng nghe bác sĩ thông báo "rặn nốt 1 lần không được nữa là mổ", chị đã gom hết sức cùng lực kiệt để… rặn cú chốt.
May mắn là thành công. Em bé nặng 3,25kg chào đời khóc oe oe sau hơn 1 ngày từ cơn co đầu tiên. Giây phút bé nằm trên ngực mẹ, đó cũng là khi chị Lê Chi cảm nhận được hạnh phúc ngập tràn, biết được hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua được thử thách sinh thường.
Giây phút vỡ òa hạnh phúc mà chị biết mọi thử thách đã vượt qua.
Xin được đăng tải lại những dòng viết đầy xúc cảm của chị Lê Chi như góp thêm một gam màu trong bức tranh nhật ký đi sinh vốn muôn vàn màu sắc:
"Sau 9 tháng chờ mong, được ôm con trong vòng tay là niềm hạnh phúc vô tận. 5h sáng, chồng đưa mình nhập viện sau 1 đêm đau quằn quại với những cơn co mỗi lúc một gần. Khám trong mở 3cm, bác sĩ yêu cầu xuống đi bộ 4 tiếng. 9h sáng, cơn co khoảng 7-10 phút/1 lần, mình quay lên khám lại, được cho vào phòng sinh thường.
Em bé của mình tuy đã quay đầu xuống nhưng vẫn nằm ở vị trí cao và có tràng hoa quấn cổ nên dù cơn đau liên tục suốt từ 9h sáng đến 7h tối nhưng vẫn chưa thể rặn đẻ. Mình cứ vậy nằm trong phòng sinh với 1 đống dây dợ và ống truyền. Đến 7 rưỡi mới được bắt đầu rặn.
Thử thách cam go thực sự khi rặn suốt trong vòng 4 tiếng, rặn hết hơi nhưng em bé mới xuống thấp được từng chút, từng chút một. Khoảng 1 tiếng cuối cùng, mỗi lần mình rặn, nhịp tim em bé lại giảm xuống khiến cả bác sĩ đỡ đẻ và y tá mặt tái dại, có lúc giảm xuống cực thấp làm mình thật sự hoảng sợ trong cơn đau và kiệt sức muốn ngất đi.
Để sinh thường được bé, mẹ đã phải trải qua thử thách cam go thực sự.
Mỗi lần như vậy bác sĩ lại bắt mình đổi tư thế nằm và nhịn rặn hồi hộp để chờ tim em bé đập lại bình thường. Chồng mình cũng lo lắng nắm tay mình chặt đến nỗi hôm sau cảm giác đau hết cả các khớp ngón tay. Chắc anh ấy lo lắng mà không thể gào lên như mình được, bị kìm nén và chỉ dồn hết qua được cái nắm tay.
Mình nằm đó, hơn 1 ngày đau đẻ nhưng không được ăn gì, đói mệt và cảm giác muốn lả đi. Đến những phút gần cuối của cuộc vượt cạn, bác sĩ nói cố thêm một lần nữa nếu không được thì phải mổ.
Mình thực sự không đành lòng, vì đã phải chịu đau đớn vật vã hơn 24 tiếng quyết sinh thường để tốt cho con rồi, mà giờ này còn phải mổ thì "cay" quá. Vậy là không hiểu sức lực ở đâu ra, dồn lại, mình gom hết một mẻ, làm một phát… ra luôn đầu em bé.
Nghe tiếng con khóc cảm giác hạnh phúc vỡ òa. Bác sĩ lau qua người con rồi đặt lên ngực mẹ. Con đang gào khóc ầm ĩ mà nghe giọng mẹ nói chuyện rồi hát cho con nghe là con im bặt và ngay lập tức nghểnh mặt lên hóng.
Chắc hẳn mình đã nói chuyện với con suốt khi con trong bụng nên khi ra ngoài là con nhận ra giọng mẹ ngay. Mình đẻ khó là thế, đau đớn, kiệt sức kéo dài nhưng khi ôm con trong lòng, như có thần dược xua tan mọi thứ, chỉ có niềm hạn phúc là còn lại rõ ràng nhất".
Em bé Hồng Minh khi được 2 tuần tuổi, trộm vía rất ngoan.
Cũng theo chị Lê Chi chia sẻ thêm, hiện em bé Hồng Minh đã được hơn 1 tháng tuổi. Đây là lần sinh bé thứ 2 của chị. Lần 1 chị cũng có cơn gò kéo dài lâu, gần 1 ngày, nhưng rặn khá nhanh vì em bé chỉ nặng 2,5kg. Lần thứ 2 này, em bé nặng hơn và lại ở vị trí khá cao nên chị rặn suốt 4 tiếng dẫn đến kiệt sức. May mắn là mọi chuyện đều đã qua, chị vẫn sinh thường bé thành công. Sau khi nghỉ ngơi, hồi sức ở bệnh viện thêm 2 ngày, 2 mẹ con chị đã được xuất viện. Chị có sữa mẹ về ngay để cho bé bú. Với chị đó cũng là một món quà tuyệt vời nữa mà chị đã dành tặng cho con.
theo sx
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.