Khi một đứa trẻ mới sinh ra, chúng dễ dàng được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Điều này khiến trẻ lớn có cảm giác bị ra rìa nên rất ganh tỵ với em mình. Nhiều câu chuyện đau lòng từ việc ghen tỵ, tỵ nạnh với anh chị em ruột cũng chính từ cách cư xử thiếu tế nhị của các bậc phụ huynh. Có bé không phản kháng, không nói ra nhưng điều đó có thể để lại những vết thương khó hàn gắn trong tâm hồn non nớt của chúng.
Một bà mẹ mới đây cũng chia sẻ tình huống khó xử của mình. Bà mẹ này cho biết, mình 1 mình chăm 2 đứa con cả ngày đầu bù tóc rối, vừa lo đứa bé quấy khóc vừa canh bé lớn học bài vì không ngồi cạnh là bé không tập trung học.
"Sáng bê đồ ăn ra không tự xúc ăn. Phải giục cũng không ăn. Bao nhiêu siro ăn ngon rồi vitamin đủ kiểu cũng không tiến triển gì cả. Vừa cho con bú vừa đút cho đứa lớn. Quát nó thì nó viết thư mang vào phòng cho mẹ đây. Xong đi lên tầng đóng cửa 1 mình một phòng. Không ăn sáng cũng không ăn trưa. Đến tối ăn được tí cơm em phải làm sao?".
Chị cũng chia sẻ thêm bản thân đã chuẩn bị tâm lý trước khi sinh, xem nhiều video đứa lớn tủi thân rồi nghĩ bảo phải yêu thương hơn để con không cảm thấy tủi thân. Bé lớn cũng thương em nhưng chỉ cần mẹ ẵm em mà quát nặng lời là tủi thân ngay. Tình cảnh hiện tại khiến chị không biết xử lý sao cho phải.
Từng dòng chữ khiến những phụ huynh khác vừa giật mình vừa thương bé. Thay vì cãi lại hay có những hành động âm thầm phản kháng thì bé lại lựa chọn gửi thư cho mẹ. Ít ra người mẹ vẫn có cơ hội được biết chuyện gì đã xảy ra khi con gái chịu chia sẻ với mình. Từ đó có những thay đổi để giúp khoảng cách giữa mẹ con gần nhau hơn.
Trước đó, một bức thư máy bay giấy từ một cô bé có tên H.A ở một chung cư ở Hà Nội cũng là câu chuyện như thế. Những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng, câu từ mạch lạc tuy có lúc lẫn lộn xưng hô mình/con nhưng chứng tỏ bé khá hiểu chuyện và học hành khá tốt. Tuy vậy, trong mắt bố mẹ, bé vẫn được xem là đứa trẻ "học dốt", coi bé như "osin", tất cả chỉ bởi sự xuất hiện của "một đứa không biết từ đâu bay ra".
Những câu chữ đầy tổn thương và tự ti từ con trẻ thực sự khiến những bậc phụ huynh phải suy ngẫm.
"Con chào ai đó đã nhặt được thư. Con là con của bố mẹ con. Nếu cô chú nào chưa làm bố mẹ thì đưa cho người đang làm mẹ.
Con lúc 2 tuổi, 3 và 4 tuổi, bố mẹ đang rất yêu thương con thì tự dưng lại có một đứa không biết từ đâu bay ra mà lại cướp bố mẹ của con. Từ ngày có nó bố mẹ luôn coi con như là osin, cái gì cũng nhờ. Nó cấu con thì bố mẹ con lại bảo nó cấu lại. Con ghét nó. Nó không nên có mặt trong gia đình con. Ai cũng yêu quý nó.
Bố mẹ lúc nào cũng chê mình học dốt, còn luôn khen em là học giỏi, lớn lên đi làm bác sĩ. Còn chị con thì học rõ dốt thì cho đi làm ăn mày. Con học dốt thật sao? Con được làm: Chi đội trưởng, liên đội phó, lớp phó, lớp trưởng thể dục… Vậy mà bố con cứ bảo học dốt thế mà cô cho làm. Con học xong tất cả các môn cũng học đến 10h rồi, bố con vẫn bảo là học nhanh thế. Vì vậy, nếu ai có 2 con thì xin cô chú hãy đối tốt với con cả. Và con thì sẽ mãi là osin thôi".
Khi sinh con thứ 2, bố mẹ cần làm gì để ổn định tâm lý cho trẻ lớn?
Bố mẹ cần chuẩn bị nhiều thứ khi xác định sẽ có thêm một thành viên mới trong gia đình, đặc biệt nên quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc của trẻ lớn.
Đừng ép buộc trẻ lớn phải yêu em mình, tình yêu cần xuất phát từ trái tim
Trong thời gian mang thai, có không ít những đứa trẻ nói rằng, mình không thích có thêm em. Lúc này, bố mẹ đừng ép buộc "con phải biết yêu thương em mình" nhưng cũng nên cố tình hoặc vô ý nói về việc gia đình sắp có thêm một thành viên nhỏ. Điều này sẽ dần dần khiến trẻ lớn chấp nhận sự thật mình sẽ có thêm một đứa em.
Đừng chê trách quá đáng khi trẻ lớn ganh tỵ với em
Một đứa trẻ đang có tất cả tình yêu thương của bố mẹ, bỗng nhiên vào một ngày chúng phải chia sẻ mọi thứ với em mình. Nếu là đứa trẻ đã lớn, chúng sẽ hiểu phần nào nhưng nếu trẻ còn nhỏ, chắc chắn chúng sẽ rất ganh tỵ với em mình. Trước vấn đề này, bố mẹ không nên chê trách trẻ lớn trước mặt người khác, phải hiểu rằng đây là tâm lý bình thường của một đứa trẻ. Để trẻ lớn có thể yêu quý em mình, bố mẹ cần san sẻ tình thương đều cho cả 2 đứa con.
Bố mẹ chú ý tới sự cân bằng tình yêu thương giữa các con
Trong vài tháng đầu, sự xuất hiện của em bé thứ 2 có thể gây ra sự xáo trộn cho cả gia đình. Lúc này, bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc của trẻ lớn, cần trò chuyện, chơi đùa nhiều hơn để trẻ cảm nhận được cách đối xử của bố mẹ vẫn không thay đổi khi có thêm em bé.
Tạo điều kiện để trẻ lớn tiếp xúc với em nhiều hơn
Mỗi khi cho trẻ nhỏ uống sữa, đi tắm, thay bỉm, cho ăn… người mẹ có thể gọi bé lớn tới để 2 anh em có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Đặc biệt, bố mẹ nên tạo điều kiện để 2 đứa trẻ cùng nhau vui đùa, như vậy trẻ lớn sẽ dần dần yêu thích em của mình hơn và nhiệt tình chăm sóc em thay bố mẹ.
Theo Nhịp Sống Việt
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.