"Mẹ ơi, con muốn dùng điện thoại", câu trả lời của 2 bà mẹ quyết định tính cách tương lai của 2 đứa trẻ

Hai người mẹ có câu trả lời, hành động khác nhau khi con đòi xem điện thoại và điều đó ảnh hưởng tới tính cách tương lai của trẻ.

Trong xã hội công nghệ bùng nổ như ngày nay, việc trẻ sớm được tiếp xúc điện thoại, máy tính, ipad... là điều dễ hiểu. Đặc biệt, cha mẹ lại thường xuyên bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền nên không có nhiều thời gian dành cho con cái. Đó là lý do rất nhiều phụ huynh lựa chọn quẳng cho con chiếc điện thoại hàng giờ liền, miễn sao đứa trẻ ngoan ngoãn, chịu ngồi im một chỗ.

Chị Thu Linh là một ví dụ điển hình. Chị có một cô con gái tên thân mật ở nhà là Na. Do công việc khá bận rộn và áp lực, vì thế mỗi tối trở về Thu Linh đều mệt mỏi, uể oải. Và chị đã dùng điện thoại để dỗ mỗi khi con gái quấy khóc. Càng về sau, Thu Linh cảm thấy bé Na càng "nghiện" điện thoại, nhưng phần vì mệt, phần vì chiều con, chị luôn đáp ứng yêu cầu của cô bé.

Ngay cả khi bé Na ăn cơm, bà ngoại cũng phải mở điện thoại trên bàn cho xem phim hoạt hình (Ảnh minh họa).

Thêm vào đó, ban ngày ở nhà với bà ngoại, bé Na cũng thường xuyên được xem TV, điện thoại. Và mỗi ngày, hoạt động thường xuyên nhất của cô bé chính là xem các thiết bị điện tử. Ngay cả khi bé ăn cơm, bà ngoại cũng phải mở điện thoại trên bàn cho cháu xem phim hoạt hình. Hiện giờ Na 3 tuổi, cô bé rất ngoan dù chơi 1 mình, miễn sao có điện thoại thông minh ở bên.

Chị Thu Linh tin rằng tới khi cho con gái đi học thì sẽ sớm ổn thôi. Và việc chiều chuộng bé 1 chút chẳng hề hấn gì. Vậy nên cứ mỗi lúc con gái đòi điện thoại, chị chỉ khẽ nhíu mày, bảo: "Chỉ một lát thôi nhé!". Nhưng mỗi lần "một lát" như thế thường kéo dài cả vài giờ đồng hồ.

Rồi bé Na đi học mẫu giáo. Điều mà chị Thu Linh không thể ngờ đó là con gái gặp rất nhiều khó khăn khi phải học cả ngày mà không được sử dụng điện thoại. Thậm chí, giáo viên nhiều lần phàn nàn rằng cô bé không quan tâm đến hoạt động của trường lớp, khả năng tập trung cũng có vấn đề khiến Thu Linh cảm thấy rất hoang mang.

Bé Na chỉ quan tâm đến điện thoại, không quan tâm đến hoạt động của lớp (Ảnh minh họa).

So với gia đình của Thu Linh, em bé Leo của gia đình An Minh lại được nuôi dạy 1 cách hoàn toàn khác biệt. Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, TV, máy tính, ipad của cậu bé bị giới hạn. Mỗi khi cậu đòi xem điện thoại, chị An Minh sẽ trả lời: "Mẹ đưa con ra ngoài chơi và xem các con vật nhé!".

Thế là cậu bé Leo lập tức bị chú ý bởi lời đề nghị hấp dẫn của mẹ và quên béng đi việc mình đang đòi xem điện thoại.

Hai phản ứng khác nhau của cha mẹ đối với đứa trẻ sẽ dẫn đến hai đứa trẻ có tính cách khác biệt. 

 

"Con muốn xem điện thoại", về cơ bản là nhu cầu dễ hiểu của con trẻ, chắc chắn sẽ xuất hiện trong mọi ngôi nhà hiện đại. Nhưng cách đối xử của cha mẹ quyết định tính cách tương lai của trẻ. Vậy làm thế nào để giảm bớt ham muốn sử dụng điện thoại của trẻ em?

1. Chuyển sự chú ý của con bạn và cho chúng biết rằng thế giới bên ngoài thú vị hơn

Chơi đùa bên ngoài vừa lành mạnh, vừa giúp trẻ thật sự quên đi điện thoại. Cha mẹ có thể đạp xe cùng con trong công viên, cho trẻ đi thăm sở thú, tới khu vui chơi... Trẻ em thường xuyên được tiếp xúc với thiên nhiên không chỉ phát triển về thể chất mà còn hoàn thiện nhiều khả năng như giao tiếp, sáng tạo...

Hãy cố gắng dành thời gian đưa trẻ ra ngoài, các bé sẽ sẽ tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống và có thể tương tác với thế giới bên ngoài nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm vào màn hình điện thoại.

2. Phát triển mối quan tâm khác của trẻ ngay từ khi còn nhỏ

Khi cha mẹ không có thời gian để đưa con ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, hãy phát triển cho trẻ 1 mối quan tâm khác bổ ích, ví dụ vẽ, tô màu, đọc sách... Đó là những trò chơi dễ truyền cảm hứng cho trẻ. 

Các sở thích như câu cá, câu đố, ghép hình, xây dựng, hộp nhạc, khai quật hóa thạch khủng long, xe hơi điều khiển từ xa hoặc mô hình đều là những lựa chọn tuyệt vời.

 

3. Biết cách từ chối trẻ

Thông thường, các bé hai hoặc ba tuổi đã có những phán đoán và hiểu biết cơ bản. Cha mẹ có thể từ chối và đưa ra 1 lý do hợp lý với trẻ, ví dụ xem điện thoại di động trong một thời gian dài sẽ làm tổn thương mắt và phải đeo kính sẽ rất khó chịu. 

Hoặc khi muốn "hoãn binh", bạn sẽ đề nghị con hoàn thành 1 mục tiêu nho nhỏ thì sẽ được sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian cố định 10 phút, 15 phút... Bằng cách này, hãy để trẻ hiểu rằng xem điện thoại không phải là lựa chọn đầu tiên.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Nguồn Sina

 
 

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang