Đã từ lâu, câu chuyện lắp đặt camera trong lớp học luôn nhận được ý kiến trái chiều từ những người liên quan. Phía phụ huynh "chọn trường phải có camera" cho rằng, camera giúp họ đỡ nhớ con nhiều và thấy con mình ăn ngủ như thế nào ở trường. Bên cạnh đó, việc này cũng tránh được một phần tình trạng bạo lực học đường, yên tâm khi giao con cho cô giáo suốt một ngày dài.
Phía không quan trọng camera thì nhận định: Trường học hạnh phúc là nơi mọi người được làm việc hạnh phúc, tin tưởng và tôn trọng nhau. Có những phụ huynh ngồi "canh", "soi" camera từ sáng đến chiều để bắt lỗi giáo viên, gọi điện cho cô phải làm thế này, thế kia, từ những cái nhỏ nhặt nhất khiến các cô giáo chỉ biết "than trời".
Việc chọn trường cho con có nhất thiết phải có camera hay không mới đây lại thu hút nhiều sự chú ý khi chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này. Trong bài viết về những áp lực của giáo viên mầm non, chị nhắc đến camera và cho rằng, chiếc "mắt thần" này khiến áp lực càng trở nên khủng khiếp.
"Từ ngày có camera trường học, áp lực mới gọi là khủng khiếp: Cô ơi, nhìn lên “cam”, thấy con không học ngồi chơi mà sao cô không để ý đến con? Cô ơi, con không ăn kìa. Cô ơi, hôm nay con nóng đầu nên cô ra dỗ con với ạ… Cứ con học là có cả các mẹ tham gia cùng luôn. Rồi đón con về thấy con bị sứt, bị tím là đau khổ, than thở. Cô ơi, sao cô không để ý đến con? Rồi con bị bạn đánh là yêu cầu: Cô chuyển bạn ấy đi đi, chứ để như thế này thì chít", chị viết.
Quan điểm này nhận về nhiều ý kiến, đa phần là sự đồng tình. Nhiều người nhận định, không có camera là cha mẹ cũng đang tìm "sự bình yên cho mình". Điều này phù hợp trong môi trường giáo dục - nơi mà giá trị của mỗi người đều cần được bảo vệ và tôn trọng.
Trên thực tế, một số trường mầm non theo phương pháp Montessori, Reggio Emilia... thường chỉ có camera nội bộ, khi phụ huynh cần sẽ đến trường và trích xuất. Lý do là việc bảo vệ hình ảnh riêng tư của các con là một trong những điều được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp bảo mật giáo trình - phương pháp giảng dạy của trường, tôn trọng giáo viên.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Hà Ngọc Nga, quản lý Trường mầm non Tatuschool (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Dù sẵn sàng cho phụ huynh vào lớp ngồi quan sát ngày này qua ngày nọ nhưng nếu đòi camera thì chị nhất định nói không. Camera làm khổ cô giáo lẫn phụ huynh và đứa trẻ thì chẳng được yên thân với những con mắt luôn nhìn chằm chằm vào chúng.
Camera không hề tốt cho tâm lí giáo viên và trẻ, lẫn phụ huynh
Nói về vấn đề tại sao nhiều trường mầm non, trong đó có các trường theo phương pháp Montessori thường không có camera, hoặc có camera chỉ để quản lý nội bộ chứ không cho phụ huynh xem trực tuyến, chị Hà Ngọc Nga cho biết:
"Lớp học Montessori là mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường được chuẩn bị - đứa trẻ - giáo viên. Trong mối tương quan đó, giáo viên phải là người dõi theo thầm lặng, vừa biết tiến vừa biết lùi, "mắt và trí óc luôn để ý đến trẻ, nhưng đôi tay thì phải biết tiết chế giấu sau lưng mình, can thiệp đúng lúc, đúng chỗ".
Trong môi trường đó, bé phải là người làm chủ không gian, được tự do trong giới hạn và được là chính mình (khóc, cười, buồn, vui, đôi khi ăn vạ...). Muốn giáo viên và trẻ có được điều đó, lớp học phải thực sự là ngôi nhà của bé.
Thử hình dung xem ngôi nhà của chúng ta có camera cho người khác ngó vào 24/7, mà không phải 1 đôi mắt mà là 40 - 50 đôi mắt, rồi thỉnh thoảng có điện thoại gọi hỏi vặn vẹo đủ điều thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Dù bạn là người hoàn hảo thì liệu bạn có được là chính mình trong không gian ngôi nhà của mình không?", chị Nga nói.
Ở góc độ khác, chị Ngọc Nga cho rằng, camera chỉ tốt cho người lớn quản trị nhưng không hề tốt cho tâm lí giáo viên và trẻ, lẫn phụ huynh. Bạn làm việc và mở camera ra xem con làm gì, con ăn được bao nhiêu, con học gì, thấy con té lập tức bốc điện thoại hỏi cô sao vậy, thấy con khóc bốc điện thoại gọi cô sao con khóc?... Vậy bạn đang gắn chặt thêm con vào chính mình mà không cho con cơ hội được phân tách hoàn toàn với cha mẹ về mặt tâm lý (giai đoạn lúc đi học cần nhất sự phân tách lành mạnh về tâm lý để con được phát triển).
Giáo viên thì có camera dù có đủ năng lực đến đâu cũng cảm thấy mình bị giám sát thô bạo từ bên ngoài. Và gia đình, giáo viên không ổn (mối quan hệ tin tưởng được xây dựng không hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng sâu sắc) vậy ai là người hưởng sự thiệt thòi đó: Chính là đứa trẻ!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.