Mới đây, một bà mẹ ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vô tình tìm thấy xấp tiền lẻ nhét trong góc khi đang dọn phòng con trai nhỏ. Lấy ra kiểm tra, chị phát hiện xấp tiền có đầy đủ các mệnh giá, thậm chí có rất nhiều tờ 100 NDT (hơn 361.000 đồng).
Thời gian trước, cứ cách 1 – 2 tuần, bà mẹ này lại thấy con trai cầm một xấp tiền lẻ đến đổi lấy tờ 100 NDT. Lúc đó, chị chỉ nghĩ đơn giản là con muốn đổi tiền, không suy nghĩ quá nhiều. Đến khi tìm thấy “quỹ đen” của con trai, chị mới hiểu được hành động đổi tiền trước đó của cậu bé.
Thường ngày, chị sẽ cho con trai tiền tiêu vặt, có lẽ cậu bé đã để dành, tới khi đủ 100 NDT thì đổi tiền lẻ cho mẹ để lấy tiền chẵn, như vậy sẽ tiện cất giữ hơn. Theo lời kể của bà mẹ, “quỹ đen” của con trai chị hiện đã lên tới hơn 2.000 NDT (hơn 7,2 triệu đồng).
Đây thực sự là một con số không nhỏ đối với đứa trẻ chỉ biết tiết kiệm từ số tiền tiêu vặt hàng ngày. Tiền tiêu vặt hàng ngày của cậu bé chỉ là 1 – 2 đồng, số tiền lớn hơn có được là nhờ vào những lúc đi thăm ông bà. “Quỹ đen khủng” như vậy chứng tỏ cậu bé đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ rất lâu.
Bà mẹ không khỏi bất ngờ khi biết con trai có thói quen để dành tiền. Lý do là vì ở độ tuổi chưa hiểu chuyện và dễ dàng bị các món quà vặt hấp dẫn, rất ít đứa trẻ có thói quen tiết kiệm tiền. Thấy con trai còn nhỏ nhưng đã rất trưởng thành, bà mẹ trẻ vừa thương vừa lo cho cậu. Bản thân chị chỉ mong con luôn hồn nhiên, sống “vô lo vô nghĩ” như nhiều đứa trẻ đồng trang lứa.
Mỗi lần nghĩ đến cảm giác con trai phải cố gắng nhẫn nhịn những ham muốn đơn thuần của trẻ con, thích bánh kẹo nhưng không dám mua để tiết kiệm tiền, chị lại thấy vô cùng đau lòng. Chị cho biết sẽ ngồi lại tâm sự cùng con trai, hỏi bé về mục đích của việc để dành tiền, nếu con muốn dùng tiền vào mục đích chính đáng thì chị sẽ hết lòng ủng hộ.
Sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, câu chuyện nói trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng. Mọi người đều dành lời khen không ngớt cho bé trai vì còn nhỏ tuổi nhưng đã có thói quen tiết kiệm tiền, đoán rằng sau này cậu bé sẽ còn giỏi giang hơn.
"Người mẹ chắc phải tự hào về con trai của mình lắm. Trẻ con bây giờ chỉ biết mua bánh mua đồ chơi, chứ làm gì có đứa trẻ giống như vậy. Thật ra thì bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, chỉ cần có ý thức tiết kiệm tiền đều là một thói quen tốt hết", một người để lại bình luận.
Một người khác viết: "Thật sự rất ngưỡng mộ đứa nhỏ này. Có lẽ cậu bé đã được dạy dỗ một cách rất đàng hoàng nên mới có thể biết suy nghĩ như vậy. Những đứa nhỏ mà tôi biết đều không thể làm được như thế, có trong tay bao nhiêu tiền thì lập tức tiêu hết cho bằng được".
Thực tế, không ít các cha mẹ hiện nay vẫn nghĩ rằng tiền bạc là chuyện của người lớn. Tuy nhiên, nếu không được giáo dục sớm về tiền bạc, trẻ nhỏ rất dễ mất phương hướng sau này. Để các con ý thức được giá trị của đồng tiền và biết dùng tiền đúng mục đích và tiết kiệm tiền như cậu bé trong câu chuyện trên, cha mẹ có thể bắt đầu ngay với những việc sau.
Động viên con đặt ra mục tiêu
Những mục tiêu của các bé đơn giản chỉ là tiết kiệm tiền để mua một món đồ chơi, bộ đồ yêu thích hoặc dụng cụ học tập. Cha mẹ hãy giúp con “lập trình” những ý tưởng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa với bé để tăng động lực tiết kiệm tiền.
Yêu cầu con làm việc nhà để có tiền tiêu vặt
Nhiều người cho rằng việc để trẻ nhỏ làm việc nhà sẽ giúp các em hình thành tính tự lập và kỷ luật vì đã được phân công thì phải làm cho xong. Khi con đã hoàn thành công việc được giao, cha mẹ có thể thưởng cho bé một số tiền nho nhỏ.
Lúc này, cha mẹ hãy cùng con lập một danh sách các món đồ mà bé muốn yêu thích, dạy con tiết kiệm số tiền vừa nhận được nhờ làm việc nhà để tự mua. Theo thời gian, bé sẽ dần dần hình thành thói quen tiết kiệm tiền.
Khen ngợi, tán dương con
Nếu thấy con có những hành động tiết kiệm tiền hoặc tiêu tiền hợp lý với mục đích chính đáng, cha mẹ đừng quen dành tặng bé những lời khen ngợi.
Link gốc: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-tim-thay-hon-7-trieu-trong-phong-con-trai-nguon-goc-so-tien-khien-chi-dau-long-tot-do-a522319.html
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.