Theo thông tin chia sẻ trên trang cá nhân của bác sĩ nhi Tô Quang Huy (Hà Nội), một bé trai tên là M.N (sinh năm 2013 ở Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây đã được chẩn đoán viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP. Điều đáng nói là nguyên nhân sâu xa khiến bé rơi vào tình trạng này lại xuất phát từ một thói quen không tốt nhưng vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình đó là: mớm cơm cho con cháu.
Cụ thể, bác sĩ Tô Quang Huy chia sẻ: "Bà nội có tiền sử viêm loét dạ dày đã đỡ, tưởng khỏi, mớm cơm, cháo cho bé. Hậu quả đây: Một bé 6 tuổi, HP(+++), xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, sần hạt toàn bộ dạ dày - chỉ định sinh thiết. Một đứa bé 6 tuổi đang thời kỳ tươi đẹp có đáng bị không? Vì thói quen yêu thương phản khoa học của người lớn. Liệu những ngày sau bé lớn sao, nếu kết quả sinh thiết không an toàn thì tính sao?".
Lý giải thêm về thắc mắc nhiều người lớn chép miệng bảo rằng: "Ngày xưa tao mớm cơm cho mày suốt có sao đâu?", bác sĩ Tô Quang Huy cho biết: "Cũng có thể mẹ bạn mớm cơm cho bạn ngày bé không bị HP nên bạn an toàn. Nhưng nếu người đó HP dương tính, chắc chắn bạn bị".
Theo thống kê cho thấy tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, 60 - 80% trẻ em dưới 10 tuổi bị nhiễm vi khuẩn HP. Đây là một con số đáng báo động!
HP là một loại xoắn khuẩn gram âm, sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày, có thể tìm thấy qua dịch miệng họng những người viêm loét dạ dày do HP. Có tới 50% dân số trên thế giới bị nhiễm vi khuẩn này, nhưng chỉ ở 15% số người bị nhiễm HP có thể trở thành viêm loét dạ dày, tá tràng và chỉ 1% chuyển sang ung thư dạ dày. Còn lại 85% trong số họ vẫn khỏe mạnh hoàn toàn mà không bị viêm. Vi khuẩn HP rất dễ lây qua dịch tiết họng nếu chúng truyền qua nước bọt sang trẻ em.
Có một thói quen cực kỳ xấu của người lớn đó là hôn trực tiếp lên môi trẻ nhỏ, mớm cơm cho bé đang độ tuổi ăn dặm. Những hành động này có thể khiến trẻ nhỏ trở thành nạn nhân nhiễm vi khuẩn HP và mắc bệnh.
Mớm cơm, nhai cơm cho trẻ - tưởng yêu thương nhưng gây hại khôn lường
Ăn cơm mớm (cơm nhai) là người lớn xúc một thìa cơm cho vào miệng nhai, khi cơm đã được nghiền nát thì lấy thêm thức ăn và nhai tiếp cho thức ăn nghiền nát cùng với cơm rồi bón cho trẻ ăn. Người lớn thường nhai cơm cho trẻ, vì trẻ chưa có răng hoặc đã có răng nhưng khả năng ăn thô còn kém.
Cách ăn này nhiều người thành phố nghe cảm thấy lạ lùng và ngỡ ngàng, nhưng điều đó vẫn xẩy ra khá phổ biến ở một số vùng nông thôn, vùng núi. Khi trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai, trẻ có nguy cơ cao bị lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm của người nhai cơm qua con đường ăn uống, đường hô hấp.
Rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về hành vi mớm thức ăn cho trẻ nhỏ nhưng do thói quen từ những người ở thế hệ trước nên hành vi này vẫn tồn tại trong không ít gia đình. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Đại học Y dược TP.HCM từng cảnh báo: "Đơn thuần mớm thức ăn cho bé, bạn "gửi" thêm 100 triệu vi khuẩn/ml nước bọt và gần chục loại có khả năng gây ung thư khác nhau".
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, tốt nhất là bố mẹ không nên cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai mà cho trẻ ăn các thức ăn chế biến phù hợp với từng nhóm tuổi, lứa tuổi sao cho dễ tiêu hoá và hấp thu. Ngoài ra, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần bỏ ngay thói quen:
- Hôn môi bé.
- Cho bé dùng chung cốc, bát , với người có tiền sử viêm loét dạ dày.
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.