Thông tin do ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế, ngày 21/5.
Theo ông Trung, ngành y tế địa phương vừa nhận kết quả xét nghiệm ban đầu liên quan vụ hơn 400 công nhân vào viện sau bữa cơm trưa tại công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.
Kết quả được thực hiện bởi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong món canh chua giá đỗ. Đây được cho là nguyên nhân nghi ngờ cao nhất dẫn đến hàng trăm công nhân ngộ độc sau bữa ăn. Triệu chứng lâm sàng công nhân gặp phải là nôn, tiêu chảy, phù hợp với nhận định này.
Vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.
Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng 4-48 độ C, sinh sôi nhiều trong 28-35 độ C. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.
Vụ việc trên xảy ra ngày 14/5. Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho hơn 3.000 công nhân ăn trưa thành 2 ca (ca một hơn 1.000 suất, ca hai khoảng 2.000 suất). Suất ăn do công ty này tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh giá đỗ, dưa muối.
Tổng cộng 438 công nhân vào viện, với hai triệu chứng chính là nôn và đi ngoài nhiều lần. Bệnh nhân nhanh chóng hết triệu chứng trong 1-2 ngày. Đến sáng 21/5, không còn bệnh nhân nào còn điều trị ở viện.
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra các bếp ăn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, nhưng không thể kiểm tra hết được hiện tượng thực phẩm đi lòng vòng. Đơn vị đặt rau cung cấp cho bếp ăn nhưng rau lại mua ở chợ. Món canh chua giá đỗ tìm thấy vi khuẩn có độc tố gây nôn, tiêu chảy, gồm giá đỗ, hành lá, rau mùi, nước và quả chua.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn là vấn đề an sinh, chất lượng nhân lực lao động sản xuất. Đã có vụ ngộ độc số người mắc tương đối lớn, ảnh hưởng lao động sản xuất.
Theo Bộ Y tế, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, từ trung ương đến địa phương cũng đã rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.
“Khi xảy ra các vụ ngộ độc, cơ quan chức năng xuống kiểm tra, thì vẫn còn tình trạng cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy phép kinh doanh, hàng hóa nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc”, ông Tuyên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh tìm ra giải pháp về thể chế và công tác tổ chức thực hiện tại cơ sở, các cơ quan, đơn vị, nhằm hạn chế ngộ độc nếu có chỉ quy mô nhỏ, số người người ngộ độc ít, tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.